Hội nhậpGiáo dục phát triển

Cần lắm hơi ấm của những tấm lòng yêu trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đội tuyển HS giỏi của trường

Thế mà đã gần 20 năm tôi bước chân vào nghề dạy học. Ngày ấy, chúng tôi hay nói “Chuột chạy cùng sào…”, nghe sao xót xa quá. Nhưng thật ra là vậy, vì cái nghề này nghèo, nghèo đến nỗi ai trụ lại được với nghề thì một là do quá nặng mang với nghề – nghề đã trở thành máu thịt; hai là do không có cơ hội chọn lựa… Tôi không thuộc hai đối tượng trên, tôi vào nghề là do sự rủ rê của bạn bè và một phần vì “xem dạy trẻ con nó thế nào…”. Vì vậy, cái yêu nghề trong tôi mỏng manh lắm. Cuộc sống lại vô cùng khó khăn, hai chữ “bỏ việc” luôn chập chờn trong suy nghĩ của tôi. Rồi một con người đã làm phai mờ hai chữ “bỏ việc” đó. Người ấy không ai khác là thầy Trần Quyết Chiến, Hiệu trưởng Trường cấp 1 – 2 Minh Thành, nay là Trường Tiểu học Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Hôm ấy, chúng tôi được điều động đi kiểm tra chéo hồ sơ học sinh ở trường của thầy. Trời rất nắng, cái nắng oi bức của buổi trưa hè càng thêm khó chịu khi hơn chục con người ngồi tụm lại và căng mắt dò những con số chi chít trên các cuốn sổ điểm trong một phòng học lụp xụp lợp bằng tôn Pro xi măng. Phá tan bầu không khí cô đặc ấy là giọng điệu gay gắt, bực bội của một phụ nữ với dáng người lam lũ, mặt mũi đỏ gay đầy tức giận, tay nắm chặt một thằng bé quần áo lôi thôi, đang cố thoát ra khỏi tay mẹ. “Chúng tôi còn phải đi làm kiếm miếng cơm manh áo… con tôi không đi học, bỏ nhà đi chơi, hai ngày nay đi kiếm mãi mới về…”. 

Ông Võ Sá, Chủ tịch UBND huyện Chơn Thành trao hoa trong ngày Trường TH Chơn Thành A đón nhận Huân chương Lao động hạng 3

Thay vì chú ý đến công việc của mình, tôi lại chuyển sự chú ý sang thầy Chiến. Thầy bước ra, dường như không nghe lời chì chiết của người phụ nữ, miệng cười tươi: “Trời nóng quá, chị đi làm về là ghé đây luôn à, chị đưa cháu vào ngồi nghỉ một tí cho khỏe,  uống nước rồi chị em mình nói chuyện…”. Khuôn mặt đang nóng giận của người phụ nữ giãn ra, chị đi theo thầy trước con mắt ngơ ngác của tôi. Thầy nắm tay thằng bé, dắt nó vào chỗ ngồi, đưa tận tay hai ly nước cho hai mẹ con. Như thuận miệng, thầy hỏi người mẹ về công việc đồng áng, về thu hoạch vườn tược… Hình như lời hỏi thăm của thầy chẳng ăn nhập gì đến chủ đề mà vì nó chị ấy đã đến đây. Quay qua thằng bé, đặt bàn tay lên vai nó, rất dịu dàng thầy nói: “Uống nước đi con, đi nắng mà không đội mũ tóc cháy hết rồi này, mai mốt con nhớ đội mũ nhé”. Hình như thầy kể cho nó nghe chuyện đi học của thầy, chuyện nhà thầy đông anh em nên đi học vất vả ra sao… Rồi thầy hỏi nó thích bạn nào, đi học có vui không? Đôi mắt của thằng bé đỏ lên, mọng nước, nó lí nhí “khai” với thầy lý do trốn học… Lúc ấy, tôi không còn nghe được gì cả, vì dường như hơi ấm từ bàn tay thầy truyền cả sang vai tôi, tôi lại cảm thấy rất ấm, không phải chỉ là hơi ấm của bàn tay thầy đặt trên vai thằng bé kia mà hơi ấm từ bàn tay của thầy giáo tôi – khi tôi còn là cô bé học sinh cấp 3. Cũng vì cuộc sống khó khăn, đi học trở thành nỗi nhọc nhằn, tôi đi học bữa sớm, bữa muộn, và thường trực trong đầu là ý nghĩ bỏ học, nhưng lại rất nuối tiếc, không muốn xa trường, xa bạn… Không hiểu sao, thầy đọc được suy nghĩ của tôi. Cũng đặt bàn tay lên vai tôi, với ánh mắt vô cùng dịu dàng thầy khuyên: “Khó khăn đúng không em? Cố gắng nhé, vượt lên hoàn cảnh mới là điều đáng quý…”. Tôi cũng không nghe hết được lời nói của thầy, nhưng hơi ấm từ bàn tay và ánh mắt dịu dàng của thầy đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh để rồi mỗi ngày hai lượt hơn 13km tôi đều đi bộ đến trường mà không còn thấy mỏi chân và nước mắt không nhỏ dài theo quãng đường đi học. Và hôm đó, dường như hơi ấm của bàn tay thầy Chiến đặt trên vai thằng bé lại lan tỏa sang tôi. Hôm ấy, trên đường về, tôi nói với các thầy cô giáo trong khối: “Hình ảnh của thầy Chiến hôm nay là hình ảnh của ông giáo làng, sao thân thương đến lạ, không hiểu sao nhìn thầy hôm nay em lại thấy yêu nghề hơn”. Và đúng thật, từ buổi ấy, hai chữ “bỏ việc” không còn trong tâm trí tôi, mỗi lúc có khó khăn, tôi lại nhớ đến hình ảnh “ông giáo làng” hôm ấy và hy vọng rằng có thể có một đứa trẻ sẽ nhận được hơi ấm từ bàn tay tôi.

Tác giả (bên trái) tại đại hội thi đua yêu nước của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

Năm nay, con trai tôi cũng vào lớp 10, với cái dở dở ương ương của tuổi mới lớn, một hôm cháu về không chịu đi học nữa và nằng nặc đòi xin chuyển trường, chỉ với lý do: “Con không thích thầy và chắc chắn thầy cũng chẳng ưa gì con…”. Thì ra, giữa thầy và trò đã có vấn đề xung đột. Nhưng chỉ ngày hôm sau, cháu lại nhảy chân sáo về nhà “Mẹ ơi! Đừng chuyển trường cho con nữa nhé, con rất thích lớp con và thích học ở đây”. Nguyên nhân cũng chỉ là: “Hôm nay, thầy gọi con đến, đặt tay lên vai con, ánh mắt rất chân thành thầy nói: “Thầy sai rồi, hôm trước thầy hơi nóng, em đừng buồn nhé””. Thì ra, thời nào cũng thế, với hơi ấm từ bàn tay, xuất phát từ tấm lòng, người thầy sẽ xua đi bao ý nghĩ tiêu cực trong đầu con trẻ và gieo vào đấy những mầm xanh hy vọng.
Giờ đây, cuộc sống của người giáo viên đã khá lên rất nhiều, bản thân tôi cũng đã phần nào gặt hái được thành công trong nghề và sự thành công đó có bóng dáng của hơi ấm bàn tay, của ánh mắt chân thành, của lời nói xuất phát từ trái tim từ những người như thầy giáo tôi, từ thầy Chiến… Cuộc sống bộn bề với bao thăng trầm biến đổi, có lẽ những cử chỉ nhỏ nhặt kia các thầy không còn nhớ và cũng chẳng lưu tâm, nhưng tôi với thằng bé dạo nào và con trai tôi hôm nay thì luôn nhớ…
Vâng! Cuộc đời này cần lắm hơi ấm từ những bàn tay, từ những tấm lòng của người thầy.
Lê Thu HÀ
(Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Chơn Thành A, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)