Đây là một trong những giải pháp được các đại biểu nêu ra tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn ra sáng 5-11 tại TP.HCM.
Đại biểu trình bày tham luận tại diễn đàn
Diễn đàn nằm trong khuôn khổ “Dự án phát triển báo chí Việt Nam” giai đoạn 2020-2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm đưa ra kiến nghị, đề xuất các giải pháp ngăn chặn và xử lý vấn đề vi phạm bản quyền, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển của báo chí Việt Nam.
Tham dự diễn đàn có ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục báo chí; Ông Trịnh Tuấn Thành – Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả và hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo trên cả nước.
Đại biểu đề xuất giải pháp bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm báo chí
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, sự phát triển của mạng xã hội gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí, báo online, các trang mạng xã hội đã vi phạm bản quyền trong việc đưa tin, bài phục vụ bạn đọc.
Với tham luận “Bảo vệ bản quyền báo chí, vì sao? bao giờ?”, ông Lê Xuân Trung – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ khẳng định: “Báo chí không tôn trọng bản quyền không chỉ đánh mất uy tín, danh dự của mình mà còn tự biến mình thành “tiệm tạp hóa”, món hàng nào cũng có như nhau, không có món riêng, độc đáo đáng cho người tiêu dùng nhớ đến thương hiệu của mình”.
Theo ông Trịnh Tuấn Thành – Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, bản quyền tác giả có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia, giúp bảo hộ, khơi nguồn sáng tạo, kích thích sự phát triển, tiến bộ của loài người.
Quang cảnh diễn đàn
Để bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm báo chí, nhiều kiến nghị, đề xuất góp phần ngăn chặn và xử lý vấn đề vi phạm bản quyền đã được các đại biểu đưa ra tại diễn đàn. Điển hình như ý kiến, đề xuất nâng cao nhận thức cho người làm báo; các cơ quan cũng cần có cơ chế rà soát để thu thập tài liệu chứng minh mình bị xâm phạm bản quyền để khởi kiện; các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử và những đơn vị liên quan phải ký kết không vi phạm bản quyền… Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất thành lập liên minh bảo vệ bản quyền theo quy định của pháp luật. Việc liên minh này cần có một trung tâm phụ trách bảo vệ bản quyền cho báo chí để khi cần thì trung tâm sẽ hỗ trợ báo chỉ giải quyết.
Các đại biểu thảo luận tìm ra giải pháp bảo vệ bản quyền báo chí
Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại diễn đàn, ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các đại biểu tại diễn đàn. Ông Bảo cũng cho biết, ông sẽ nỗ lực cùng các cơ quan liên quan đưa ra giải pháp góp phần bảo vệ quyền lợi cho các cơ quan báo chí. “Các các quan báo chí phải coi việc bảo vệ bản quyền là việc quan trọng không chỉ ảnh hưởng đến cơ quan, tờ báo mà còn ảnh hưởng đến đất nước. Do đó, báo chí cần kiên quyết hơn trong việc đấu tranh chống lại vi phạm bản quyền” – ông Bảo nhấn mạnh.
H. Trinh
Bình luận (0)