Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Cần linh động!

Tạp Chí Giáo Dục

Đã hơn một tuần trôi qua từ khi có điểm chuẩn vào lớp 10 nhưng trước phòng của Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn còn một hàng dài phụ huynh ngồi chờ đến lượt được trình bày nguyện vọng, dù biết cơ hội được giải quyết rất mong manh.
Chị Thảo, mẹ của em Huỳnh Yến Trang (Q.6), kể: buổi sáng 21/6, chưa đến giờ thi môn Văn, cháu Trang bỗng bị ngộ độc thực phẩm, được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, Hội đồng thi cũng lập biên bản ghi nhận tình hình Trang vắng mặt vì bệnh đột xuất. Dù chỉ dự thi có hai môn Toán (hệ số 2) và Anh văn, điểm thi lớp 10 của Trang cũng được 25 điểm. Chị Thảo đã lên Sở GD-ĐT bốn, năm lần xin giải quyết trường hợp con mình, nhưng lần nào cũng phải ra về với niềm hy vọng được giải quyết ở lần sau. Bốn năm học ở bậc THCS, Trang đều là học sinh giỏi, nếu thi môn Văn, điểm thấp nhất của cháu được 6 điểm, hệ số 2, thì điểm lớp 10 của Trang cũng được 37 điểm, dư sức đậu vào NV 1 Nguyễn Hiền. Giờ đây, trong khi những người bạn cùng sức học với Trang thi được hơn 40 điểm, ung dung bước vào trường công, Trang và gia đình vẫn phải chờ…
Chị Ngân còn dắt theo con là Phạm Ngọc Vy (Q.Phú Nhuận) đến Sở xin cứu xét. Năm học trước, Vy thi lớp 10 được hơn 30 điểm nhưng chọn sai nguyện vọng nên phải học trường tư. Năm nay, nếu không xin được vào trường công, có thể Vy sẽ nghỉ học. Chị Ngân cho biết, chồng chị mất khi hai đứa con còn đỏ hỏn, hơn chục năm qua, mình chị phải nuôi con bằng nghề làm mướn. “Tội cho hai đứa nhỏ ăn uống kham khổ, sáng ăn cơm với nước tương, buổi trưa, chiều rau nhiều hơn thịt cá. Bé Vy nhiều năm ăn cơm “chùa” ở chùa Phổ Quang”. Nhìn gương mặt khắc khổ, dáng người gầy gò, chúng tôi cũng hình dung được phần nào nỗi vất vả của người mẹ đơn thân nuôi hai con ấy. Hỏi số nhà, chị không nhớ mà nhờ con đọc giùm. Chị giải thích: “Tôi từng bị tai nạn giao thông, tưởng không qua khỏi. Lúc tỉnh lại đầu óc trống rỗng, ký ức bị xóa sạch, không nhớ gì hết, không nhận ra cả con cái, người thân của mình. May mà sau hai năm “bị điên”, tôi đã tỉnh lại để nuôi con”.
Rớt khỏi công lập, bé Vy học một trường xa nhà ở Q.Gò Vấp. Hai mẹ con đi chọn nhiều trường, cuối cùng tìm được một trường rẻ nhất, học phí 700.000đ/tháng, nhưng cũng hơn cả tiền nhà trọ (500.000 đồng/tháng). Chị Ngân kể, trước đây gia đình chị có nhà ở Kỳ Đồng, sau khi bị giải tỏa, ba mẹ con lây lất tìm chỗ nào rẻ nhất. 500.000đ cho một chiếc giường, chị nhường hai đứa con nằm thẳng, còn mình nằm co quắp dưới chân con. Mới đây, chị thuê được một gác lửng rộng hơn một chút với giá bằng giá thuê cũ. Vui chưa được mấy ngày, bé Vy vừa gọi điện cho chúng tôi báo tin chủ nhà đòi lại căn gác, ba mẹ con chưa biết dọn đi đâu. Hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu, chị lên Sở GD-ĐT nhờ cứu xét cho con chị vào công lập. Nhưng chị đi nhầm chỗ vì chỉ có Ban giám đốc mới có thẩm quyền xem xét. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh trường tư không được chuyển sang công lập nên trường hợp của chị, về lý là rất khó giải quyết.
Hai trường hợp rớt lớp 10 trên không hề cá biệt sau mỗi mùa tuyển sinh và đang đợi “phép màu” từ Ban giám đốc Sở GD-ĐT. Nếu như các em vì hoàn cảnh không theo nổi trường tư, phải bỏ học ra đời sớm, thì liệu những quy định cứng nhắc của người lớn có khiến các em buông xuôi, suy nghĩ tiêu cực? Chính sự thiếu linh động trong việc thi hành những quy định đã khép chặt cánh cửa tri thức trước mặt các em. Thực tế, chính những người làm công tác quản lý trong ngành giáo dục cũng phải thừa nhận, khó có một phương thức tuyển sinh tối ưu vào lớp 10 và phương thức tuyển sinh  đang thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy thì tại sao không có sự linh động giải quyết những trường hợp cụ thể để các em có thể được tiếp tục đến trường?
Theo Hồng Liên
(PNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)