Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần linh hoạt khi kiểm tra đầu giờ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân đọc bài Có nên gọi học sinh lên bảng? (Giáo dục TP.HCM ngày 3-1), tôi xin chia sẻ thêm về vấn đề này.

Đúng như tác giả viết, nếu kiểm tra đầu giờ (kiểm tra miệng) không khéo léo sẽ gây ức chế lớn cho tiết học mới. Đây là một trong năm bước lên lớp theo quy định từ xưa tới nay gồm: ổn định; kiểm tra miệng; vào bài mới; củng cố; dặn dò. Nhưng theo ý kiến của tôi, việc kiểm tra đầu giờ  cần thực hiện linh hoạt, không nên cứng nhắc theo khuôn mẫu mới đạt được hiệu quả. Cũng vì bị ám ảnh việc kiểm tra đầu giờ nên trong tiết chào cờ đầu tuần, nhiều học sinh mang tập, sách ra sân để tranh thủ coi lại bài. Đó là chưa kể đến tình trạng một số giáo viên (do không kiềm chế) đã mang những bực bội từ nhà đến lớp; sẵn khi học sinh không thuộc bài đã trút cơn thịnh nộ lên đầu các em để “xả trét”…

Có nhiều cách thực hiện linh hoạt khâu trả bài đầu giờ này. Một là cho các em xung phong lên bảng (có cộng điểm xung phong), nhưng trở đi trở lại cũng chừng khuôn mặt ấy nên cần thay đổi. Hai là lồng ghép, gắn kết câu hỏi trong bài mới với kiến thức bài đã học và hỏi các em. Như vậy, các em sẽ tự tin, mạnh dạn hơn vì giờ học đã khởi động. Ba là trong phần củng cố bài, có thể đưa ra những câu hỏi khái quát cả kiến thức đã học, đang học để học sinh trả lời. Từ đó, giáo viên định hướng cách tổng hợp để các em nắm được kiến thức bài mới và liên hệ với kiến thức đã học…

Thông thường, những môn học chủ lực như toán, lý, hóa, ngoại ngữ thì các em còn siêng năng học bài; còn lại những môn khác thì các em coi như “học cho có”. Gọi lên bảng những tiết học các bộ môn này, học sinh không thuộc bài cũ là chuyện thường. Vì vậy, việc gọi học sinh lên bảng là cả một nghệ thuật của người thầy. Việc lồng ghép kiến thức cũ – mới bằng câu hỏi cũng cần có sự chuẩn bị và sự xử lý tình huống trên lớp thật thông minh của người thầy. Làm thế nào để học sinh thích học bộ môn của mình; làm thế nào để các em luôn mong ngóng đến giờ dạy của mình…, thì lúc đó giáo viên đã thành công.

Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)