Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục – một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nghề nghiệp giáo viên tiểu học là thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống. Trong ảnh: Giờ học tại một trường tiểu học ở quận 9, TP.HCM. Ảnh: L.H
Bám sách, mai một kỹ năng…
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết – Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho rằng, vấn đề “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vốn đã làm năng lực trí tuệ tổng quát hay kỹ năng chuyên môn của đội ngũ giáo viên không cao. Trong khi đó, cơ chế và điều kiện hoạt động chuyên môn sư phạm của nước ta hàng chục năm nay chỉ theo một tài liệu dạy học; một đường hướng giáo dục; sách giáo viên, các tài liệu, chỉ đạo giảng dạy chuyên môn theo chiều dọc từ Bộ GD-ĐT xuống sở GD-ĐT, tới phòng GD-ĐT rồi mới đến giáo viên. Từ cơ chế này, giáo viên ít có cơ hội chủ động học tập phát triển chuyên môn, mai một dần khả năng ngay cả với những giáo sinh hay giáo viên vốn có năng lực trí tuệ tốt.
Theo bà Tuyết, tình trạng giáo viên bám sách giáo khoa cũng xảy ra ở các nước phương Tây dù các nước này áp dụng nhiều bộ sách. Do khi một trường chọn một bộ sách để giảng dạy thì lâu dần giáo viên vẫn bị lệ thuộc. Bà Tuyết chỉ ra thêm, ngay cả ở các nước, việc Chính phủ kiểm soát quá chặt đối với chương trình và bản chất “kê toa” (bài nào, dạy giờ nào, dạy bao nhiêu phút, dạy cái gì… theo thứ tự) cũng đã làm mai một dần trình độ chuyên môn của giáo viên; trường học bị lệ thuộc vào phương thức đã được “pha chế” sẵn, giáo viên ít có điều kiện vận dụng chuyên môn của bản thân.
Vì vậy, bà Tuyết nhấn mạnh: “Nếu chúng ta cứ tạo điều kiện cho giáo viên bám một bộ sách giáo khoa thì giáo viên không thể chủ động, tự ra quyết định trong việc dạy học, năng lực chuyên môn khó phát triển”.
Thực tế, qua cho biết của đại diện một trường tiểu học tại TP.HCM, nhiều giáo viên quá lệ thuộc vào sách giáo khoa, thấy sai nhưng ngại sửa. Chưa kể, để được dạy khác đi, giáo viên phải chờ xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên khiến bài giảng bị trôi đi, chỉ có thể áp dụng vào… năm tới.
Vấn đề thay đổi mức lương và cơ chế trả lương cho giáo viên tiểu học được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo
Qua khảo sát của PGS.TS Ngô Minh Oanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – có 37% giáo viên tiểu học TP.HCM đạt mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, cũng 37% giáo viên thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến 66% giáo viên cho rằng thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu cuộc sống. |
Lương giáo viên không đủ sống
Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – thì qua số liệu điều tra trên 9 quận, huyện tại TP.HCM với gần 1.000 phiếu hỏi cho thấy, trong những yếu tố ảnh hưởng đến nghề nghiệp giáo viên tiểu học, cao nhất là công việc sổ sách, giấy tờ (chiếm 86%); kế đến là thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống (78%) và chưa có chính sách khuyến khích đối với giáo viên có năng lực, tâm huyết (66%)… Mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất thuộc về công tác tổ chức quản lý, sau đó mới đến các nguyên nhân về đời sống, cơ hội học tập nâng cao trình độ, thăng tiến.
Cũng qua khảo sát này, có 37% giáo viên tiểu học TP.HCM đạt mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, cũng 37% giáo viên thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến 66% giáo viên cho rằng thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
“Dù mức thu nhập của giáo viên tiểu học tại TP.HCM cao hơn những nơi khác nhưng do giá cả sinh hoạt và nhu cầu đời sống tại TP.HCM cao hơn nên giáo viên vẫn có cuộc sống khó khăn. Đặc biệt, tới 53% giáo viên phải dạy thêm để tăng thu nhập, một bộ phận còn lại làm thêm công việc không gắn chuyên môn. Như vậy, giáo viên rất dễ bị phân tâm trong hoạt động chuyên môn, không thể toàn tâm toàn ý lo cho dạy học” – ông Oanh nói.
Thay đổi mức lương và cơ chế trả lương cho giáo viên tiểu học vẫn là vấn đề được nhiều ý kiến quyết liệt đề cập, như từ trước đến nay. TS. Hồ Văn Hải – Trưởng khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn – so sánh, thực tế thu nhập giữa nghề dạy học và các nghề khác chênh nhau một trời một vực thì ngành giáo dục nói chung, lĩnh vực tiểu học nói riêng khó thu hút người tài, kỳ vọng học sinh giỏi chọn nghề sư phạm là… xa vời.
TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – nhìn nhận, sinh viên sư phạm yêu cầu phải học giỏi, nhưng 4 năm học ĐH ra trường nhận lương thua một nhân viên… bảo vệ. Hiện nay, với mức lương 4 triệu đồng, bảo vệ còn từ chối làm. Mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng mà PGS.TS Ngô Minh Oanh đề cập còn bao gồm những nguồn làm thêm, dạy thêm… trong khi hiện thầy giáo lãnh 1 tiêu tới 5, sống không yên tâm thì làm sao dạy tốt được.
Theo ông Minh, thời gian qua, việc quản lý có cải tiến nhưng chưa tạo động lực tốt cho giáo viên, trả lương hình thức, không đảm bảo cuộc sống. Sắp tới, nếu tạo được sự đột phá trong vấn đề trả lương cho giáo viên, nhiều thứ khác sẽ thay đổi, không còn tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Về khía cạnh này, ông Nguyễn Quang Vinh – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM – cũng cho rằng, Nhà nước cần giải quyết chế độ tiền lương cho giáo viên đủ sống để giáo viên toàn tâm, toàn ý với công việc, hết mình với nghề; không phải đi dạy thêm kiếm sống hay làm thêm các nghề phụ ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong mắt học sinh, phụ huynh.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)