Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần mạnh dạn phát triển Đảng trong giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Tin trên Báo Giáo Dục TP.HCM số vừa rồi cho thấy Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM phát triển được 9 đảng viên mới. Cả năm 2008, toàn Đảng bộ kết nạp được 17 đảng viên. Tuy cũng thể hiện quyết tâm của toàn Đảng bộ trong vấn đề phát triển đảng, nhưng con số trên còn khá khiêm nhượng so với một đảng bộ có đội ngũ cán bộ giáo viên hàng ngàn người, nếu tính cả số sinh viên, học viên tại các trường cao đẳng trung cấp thì số lượng người nằm trong diện phấn đấu, xem xét kết nạp lên đến gần trăm ngàn. Tại sao một đảng bộ có số lượng người lao động, học tập lớn, là đảng bộ trên cơ sở có vị trí tương đương với đảng bộ quận, huyện lại kết nạp đảng viên chậm như vậy?
Lý giải vấn đề trên, ông Lê Văn Ngọc Long, chuyên viên Ban tổ chức Thành ủy và ông Huỳnh Anh Dũng, chuyên viên Ban Kiểm tra Thành ủy đều cho rằng có lẽ các thầy cô giáo yêu cầu quá cao về tiêu chuẩn người đảng viên đến mức khe khắt. Các ông cũng đề nghị cần mạnh dạn hơn trong vấn đề phát triển Đảng ở ngành giáo dục, nhất là khối các trường mầm non, tiểu học.
Cùng lý giải vấn đề kết nạp đảng viên chậm trong ngành giáo dục, bên cạnh lý do trên, nhiều người còn cho rằng do đặc điểm nghề nghiệp dạy học: hầu hết giáo viên chấp nhận sự phấn đấu lặng lẽ, không khoa trương sôi động; mặt khác các thầy cô cũng muốn “yên phận thủ thường” làm nhiệm vụ của mình… Với các lý do như vậy, thường, tỷ lệ kết nạp đảng trong lực lượng làm công tác giáo dục có phần kém so với đội ngũ cán bộ, ngoài lao động ở các ban ngành, đoàn thể khác.
Cũng chính vì những lý do có “tính nghề nghiệp” trên, việc phát triển Đảng trong lực lượng giáo dục cần phải có cái nhìn “thoáng” hơn một chút. Tất nhiên những nguyên tắc phát triển Đảng nhất thiết phải tuân thủ, không châm chước. Nhưng các chi bộ, đảng bộ cơ sở giáo dục và các đảng bộ cấp trên cần nhìn vấn đề một cách “bản chất” hơn, thay vì chờ thầy cô giáo “bày tỏ”, thể hiện động cơ và sự phấn đấu vào Đảng bằng những hoạt động phong trào bề nổi, thì cần soi xét, đánh giá cho đúng những hoạt động thầm lặng, kiên trì của họ; quá trình cống hiến “tất cả vì học sinh thân yêu” của họ. Đồng thời, cấp ủy cơ sở cũng phải “mở rộng” cánh cửa để mời họ vào Đảng, tuyệt đối không để tâm lý hoặc thủ tục “xin cho” chen vào quá trình này.
Đội ngũ làm công tác giáo dục, đặc biệt là thầy cô giáo, những người trực tiếp đứng trên bục giảng – những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, những kỹ sư tâm hồn, theo cách nói lâu nay – là lực lượng quan trọng trong giai đoạn hiện nay, thuộc lĩnh vực ngành nghề được Đảng, Nhà nước xác định là “quốc sách hàng đầu” thì rất cần sự phát triển Đảng mạnh mẽ hơn nữa.
NHUẬN ĐỨC

Bình luận (0)