Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Cần mở rộng tự chủ đại học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đến nay, Chính phủ đã cho phép 12 trường ĐH thí điểm tự chủ giai đoạn 2015-2017. Các trường sau khi tự chủ có phát triển tốt hơn, người học được hưởng lợi ra sao?

ThS Lâm Mạnh Hà giảng dạy cho sinh viên năm 1 ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
ThS Lâm Mạnh Hà giảng dạy cho sinh viên năm 1 ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Theo TS Nguyễn Thiên Tuế – hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, từ nhiều năm nay hầu hết các trường ĐH công lập đều nhận được sự hỗ trợ kinh phí rất lớn từ Nhà nước để chi cho đầu tư cơ sở vật chất và chi thường xuyên.

Các trường cũng chưa chịu áp lực giám sát của xã hội, áp lực cạnh tranh chưa cao, chất lượng đào tạo chậm được cải thiện, trình độ giảng viên chậm được nâng cao, thư viện còn nghèo, giáo trình tài liệu chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng… Đó là những yếu tố chính làm hạn chế chất lượng giáo dục ĐH, chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua.

“Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH công lập chính là thúc đẩy sự phát triển hệ thống trong một thị trường giáo dục có cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo giám sát về chất lượng chặt chẽ từ ba phía: Nhà nước – xã hội – người học. Hơn nữa, quản lý ĐH theo cơ chế tự chủ sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước giải phóng khỏi gánh nặng điều hành trực tiếp để tập trung thực hiện tốt chức năng quản lý vĩ mô

TS 
NGUYỄN THIÊN TUẾ

Nhiều thuận lợi hơn

GS Lê Vinh Danh – hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng – cho biết từ khi thành lập, trường đã hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Sau khi Chính phủ có quyết định 158/QĐ-TTg cho nhà trường thí điểm tự chủ toàn diện, “nhà trường đã có nhiều thuận lợi hơn.

Thứ nhất, trường danh chính ngôn thuận được thu học phí cao hơn các trường công khác. Thứ hai, các trường công được thí điểm tự chủ trước đây Nhà nước bao cấp một phần nay sẽ không được bao cấp nữa và không còn lợi thế hơn ĐH Tôn Đức Thắng và học phí ưu đãi. Thứ ba, nhà trường được tự chủ một số mặt về chuyên môn, hợp tác quốc tế. Trong khi nhu cầu phát triển của trường còn rất lớn, những lợi ích trên có tác dụng tích cực nhất định” – ông Danh nói.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho rằng nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ đã quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

“Với nghị định 43, nhà trường đã có bước chuẩn bị cần thiết để đi đến giai đoạn hoàn toàn tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên với chiến lược phát triển toàn diện, xứng tầm là trường ĐH trọng điểm quốc gia, nghị định này vẫn có những “rào cản” nhất định, cụ thể mức trần về học phí. Việc tự chủ toàn diện giúp nhà trường hoạt động hiệu quả hơn, năng động hơn” – ông Nhựt khẳng định.

ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing, cho biết trường đã ấp ủ cơ chế tự chủ từ năm 2009 và ngay từ năm đó, nhà trường đã tự chủ chi thường xuyên. Lãnh đạo nhà trường khi đó đã thấy được hướng tự chủ giúp trường mở rộng hoạt động và phát triển tốt. Khi Chính phủ và Bộ Tài chính có chủ trương cho phép các trường ĐH công lập thí điểm tự chủ nhưng trường lại vướng chỗ “bán công”, phải làm đề án nhiều lần.

“Trường chúng tôi đã tự chủ tài chính nhiều năm nay nên khi Chính phủ có chủ trương cho phép các trường thí điểm tự chủ toàn diện, cơ chế này đúng với định hướng của nhà trường nên trường chọn ngay” – ông Tuấn nói.

Nhà trường, sinh viên đều được hưởng lợi

Ông Tuế cho biết thêm: “Nhờ cơ chế này, nhà trường đã chủ động trong các vấn đề tài chính, tổ chức nhân sự để đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo như: triển khai đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất, tuyển dụng giảng viên trình độ cao, tăng cường các hoạt động phục vụ sinh viên… Đời sống cán bộ, nhân viên nhà trường cũng được cải thiện đáng kể khi nguồn tài chính được tăng cường với cơ chế tự chủ”.

Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho hay từ khi được thí điểm tự chủ đến nay, tiền lương của cán bộ, giảng viên trường đã được nâng lên 15-30% tùy theo kết quả công việc. Chính sách thu hút người giỏi về trường cũng mạnh hơn. “Hiện trường đang có 70 giáo sư nước ngoài, trong đó có những người được trả lương khoảng 40.000 USD/năm.

Tới đây, nhà trường sẽ xây dựng nhà công vụ để cấp cho các giáo sư trong và ngoài nước có đủ tiêu chuẩn về làm việc tại trường với mức hỗ trợ 60% tiền thuê nhà. Trước đây nhà trường không có nguồn để chi trả được như vậy. Khi trường tự chủ, sinh viên cũng được hưởng lợi rất nhiều. Hiện 100% phòng học của trường được gắn máy lạnh. Cùng với việc phát triển đội ngũ, chất lượng đào tạo đã tăng lên nhiều…” – ông Danh chia sẻ.

Tương tự, ông Hứa Minh Tuấn cũng cho rằng việc tự chủ toàn diện đã tạo ra cơ chế thông thoáng hơn cho trường, được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo, liên kết hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, tự chủ tài chính và thu hút nhân lực…

Những bộ phận nào còn thiếu nhân sự trường sẽ tổ chức xét tuyển ngay, ưu tiên tiến sĩ, thạc sĩ học ở nước ngoài về. Trường đã phổ biến cơ chế tự chủ này xuống các khoa, bộ phận để các đơn vị xây dựng cơ chế hoạt động, tăng tính chủ động. Nhà trường cho phép một số trung tâm, viện trực thuộc được tự chủ toàn diện.

Trong khi với cơ chế cũ thì rất khó thực hiện điều này. Hiện nay, trường có điều kiện thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên, cải tiến chương trình đào tạo, giáo trình, cơ sở vật chất… Trước đây toàn bộ học phí nhà trường thu phải gửi kho bạc nhà nước, nhưng nay trường gửi vào ngân hàng để lấy tiền lãi xây dựng quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên khó khăn.

Theo ông Nhựt, sau khi được tự chủ, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có thêm thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao và có năng lực nghiên cứu khoa học đến làm việc. Trường đang tăng cường trang bị và triển khai các phần mềm quản lý đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Việc được thu học phí theo mức mới giúp nhà trường có thêm điều kiện cải thiện cơ sở vật chất phục vụ người học, thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, học bổng khuyến khích học tập; trang bị học liệu, giáo trình cho chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế; đẩy mạnh tài trợ nghiên cứu…

Tự chủ vẫn có thể thu hút nguồn lực

Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng nếu cổ phần hóa toàn bộ cơ sở giáo dục ĐH, một khi đã chấp nhận cho tư nhân đầu tư vào trường thì không thể yêu cầu họ không hưởng lợi nhuận. Khi không thể ngăn cản nhà đầu tư mưu cầu lợi nhuận, đến lúc họ nắm được quyền sở hữu đa số trong hội đồng quản trị, không ai cấm họ định hướng hoạt động nhà trường sang mục tiêu vì lợi nhuận. Nhà trường sẽ trở thành công ty và ngày càng xa rời dịch vụ công.

Trong khi với tự chủ, các trường ĐH công vẫn thu hút được nhiều nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển, không cần giải pháp cổ phần hóa. Nhà trường huy động mọi nguồn lực xã hội từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, các nguồn tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để có thêm kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ cao.

Những hướng huy động nguồn lực trên đều được các trường này tích cực triển khai, kể cả vay vốn trong nước và nước ngoài cho những dự án trọng điểm cần đầu tư kính phí lớn.

Các trường đã được tự chủ đều đang kết nghĩa và ký kết hợp tác toàn diện với nhiều địa phương. Theo đó, các tỉnh đặt hàng trường đào tạo nhân lực và đặt hàng đề tài nghiên cứu cho tỉnh. Đây là cách để nhà trường có thêm nguồn kinh phí từ chuyển giao khoa học – công nghệ.

 

TRẦN HUỲNH/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)