Không quản được thì cấm!
Điển hình của việc không bảo đảm an toàn trong trường học gần đây nhất là vụ xảy ra ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) với việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không tuân thủ nội quy của nhà trường, cho taxi chạy vào trường trong giờ ra chơi. Việc vi phạm nội quy đó đã khiến một học sinh lớp 2 bị xe đụng gây gãy xương đùi, phải nhập viện. Đó cũng là khởi điểm của vụ tai tiếng trong ngành giáo dục thủ đô khi hiệu trưởng, hiệu phó có hành vi thiếu trung thực, không thừa nhận sự việc xảy ra ở sân trường, vi phạm đạo đức nhà giáo, dẫn đến hậu quả hiệu trưởng, hiệu phó bị cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Tương tự, vụ việc một nữ học sinh bị bỏng ở Hà Nội do một số nam sinh nghịch trong giờ thực hành hóa học vừa qua cũng là những tai nạn không phải hiếm ở học đường.
Ngoài các vụ tai nạn thương tích, trường học cũng là nơi diễn ra nhiều vụ bạo hành, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tinh thần trẻ em, học sinh mà báo chí vừa qua đã nhiều lần phản ánh. Không chỉ là các em học sinh nam đánh nhau, mà còn xảy ra khá nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, với những cử chỉ thô bạo, nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều học sinh thiếu ý thức, vô cảm trước những hành vi bạo lực, không can ngăn mà còn sử dụng điện thoại di động để quay video clip và đưa lên mạng xã hội như một sự cổ súy cho những hành vi bạo lực này. Những vụ việc đó đã và đang làm đau lòng những người làm giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Vì vậy, một môi trường an toàn trong trường học luôn là điều mà học sinh, phụ huynh mong mỏi.
Một ngày trải nghiệm làm kỹ sư xây dựng của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM. Ảnh: KHÁNH BÌNH
Điều đáng nói là khi điều đó chưa đáp ứng được kỳ vọng thì nhiều nhà trường, nhiều giáo viên đã thực hiện biện pháp “phòng” một cách cứng nhắc. Theo ghi nhận của phóng viên, ở không ít trường học, giáo viên đã cấm học sinh xuống sân trường trong giờ ra chơi để tránh chạy nhảy, va chạm gây thương tích cho nhau. Tại một số trường, cô giáo cấm học sinh mang bóng đến trường, không được chơi cầu lông để tránh va chạm… Những cấm cản nhằm bảo đảm không có thương tích xảy ra vô tình gây ức chế cho học sinh.
Bảo đảm an toàn cho học sinh là điều cần thiết, nhưng những giải pháp mang tính “không quản được thì cấm” rõ ràng không phải là điều học sinh, phụ huynh mong muốn. Điều mà phụ huynh mong muốn là ngành giáo dục, các trường học, giáo viên có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan ở địa phương, các hội đoàn thể để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau và các hành vi bạo lực, xâm hại đối với học sinh, cũng như bảo đảm một môi trường an toàn trong các cơ sở giáo dục. Các trường học cần thực hiện đầy đủ các nội dung, quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, các quy định về quản lý và xử lý các loại hóa chất độc hại, quy trình quản lý phòng thí nghiệm, an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo môi trường trường học an toàn.
Sẽ có nghị định về phòng chống bạo lực học đường
Trước thực tế hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo Nghị định Quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường để trình Chính phủ. Đáng chú ý, dự thảo quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện là cơ sở giáo dục không bị ảnh hưởng xấu của các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, văn hóa và các loại hình kinh doanh, dịch vụ khác xung quanh trường học. Thành viên thuộc cơ sở giáo dục phải tôn trọng sự khác biệt; không kỳ thị, phân biệt đối xử về đặc điểm cá nhân, giới tính và hoàn cảnh gia đình đối với thành viên khác. Đặc biệt, cơ sở giáo dục phải có các hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường. Cán bộ, giáo viên trong trường học không được sử dụng phương pháp bạo lực, không xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, không được cổ vũ, kích động hành vi bạo lực…
Nghị định này ra đời hy vọng sẽ có thêm cơ sở pháp lý để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường cũng như tai nạn thương tích trong nhà trường, bảo đảm một môi trường học đường an toàn. Nhưng để có học đường an toàn, rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, môi trường giáo dục gia đình, môi trường xã hội lành mạnh, không bạo lực, tạo điều kiện cho học sinh được phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ, tâm hồn đạo đức trong sáng và lành mạnh.
Ngành giáo dục cũng cần tham mưu cho chính quyền các cấp rà soát cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục trên địa bàn, kiên quyết loại bỏ các công trình không đảm bảo chất lượng, không an toàn đối với học sinh và nhà giáo. Cải tạo, sửa chữa các công trình đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, xây mới các công trình còn thiếu…Và quan trọng hơn nữa, phải liên tục giáo dục ý thức cho học sinh để các em thực sự là chủ thể của môi trường học đường an toàn. |
LÂM NGUYÊN (SGGP)
Bình luận (0)