Y tế - Văn hóaThư giãn

Cần một kế hoạch tầm quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Hội nghị ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam lần 13 (khóa 7) vào tháng 6 vừa qua đã quyết định thành lập ban tổ chức và tổ thư ký hội nghị quảng bá văn học VN ra nước ngoài do nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch hội, làm chủ tịch.

 

Tác phẩm VN quen thuộc trên quầy sách dành cho du khách nước ngoài vẫn chỉ là Nỗi buồn chiến tranh (The sorrow of war) của Bảo Ninh. Ảnh chụp trên đường Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Hội nghị dự định làm vào cuối năm nay. Đây là hội nghị lần hai với nội dung này, sau hội nghị quốc tế các dịch giả văn học Việt Nam tổ chức mấy năm trước, cũng do Hội Nhà văn VN chủ trì. Ý tưởng về hội nghị là tốt, nhưng cách tổ chức lần một chưa tốt và hiệu quả cũng chưa nhiều, chưa cao. Do vậy, lần thứ hai này cần phải xác định rõ nội dung và mục tiêu để từ đó có cách làm cụ thể, đưa tới những kết quả cụ thể.

Theo tôi, việc trước tiên là phải có một báo cáo kiểm kê, hệ thống đội ngũ các dịch giả văn học VN ở nước ngoài. Điều này không đơn giản, dễ dàng. Đội ngũ này bao gồm cả người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài, có sự phân loại và đánh giá công việc họ làm để có cách tiếp cận thích hợp đối với họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận được văn học VN ở phía họ quan tâm và sở trường nhất. Hội nghị này cũng cần phải quan tâm đến một đội ngũ dịch văn học Việt Nam là người trong nước, cho họ cơ hội tiếp xúc, trao đổi với các dịch giả nước ngoài, thiết lập các quan hệ hỗ trợ, hợp tác lâu dài trong việc dịch thuật.

Thứ hai, cần phải có một báo cáo kiểm kê, hệ thống về các bản dịch tác phẩm văn học VN ra các thứ tiếng nước ngoài. Ít nhất là trong một phần tư thế kỷ trở lại đây, khi VN mở cửa và hội nhập, khi văn học được dịch không còn chỉ là vì hữu nghị, ngoại giao, khi văn học trong nước ra nước ngoài có đa dạng kênh, đường hơn.

Hai báo cáo mang tính tổng hợp này sẽ là tư liệu bổ ích cho các dịch giả thế giới biết về nhau và biết về công việc của nhau, là cây cầu nối cho họ liên thông nhau trong một công việc chung là giúp giới thiệu văn học VN ra thế giới. Hai bản báo cáo đó cũng là một thứ bản đồ để nước chủ nhà biết được mình đã đi đến đâu trên hành trình văn hóa đưa dân tộc ra nhân loại thông qua các tác phẩm văn chương.

Thứ ba, cần phải có một danh sách những tác phẩm xuất sắc, độc đáo về giá trị văn chương giới thiệu cho các dịch giả thế giới nhân dịp này. Một danh sách do một hội đồng đủ đức tài, công tâm và khách quan lựa chọn, sao cho vừa bao quát vừa tiêu biểu cho văn học VN. Phải thuyết trình cụ thể để có thể thuyết phục các dịch giả về sự vận động của văn học Việt Nam qua từng mốc tác phẩm, từ đó họ có thể chủ động nhận dịch. Tôi lấy thí dụ trường hợp dịch giả Nhật Bản Kato Sakae. Bà là người nổi tiếng dịch văn học VN ở Nhật Bản, dịch có kế hoạch, lớp lang, nhờ bà độc giả xứ mặt trời mọc đã được biết đến các tác phẩm văn học nước ta đa dạng, khác nhau, từ Ma Văn Kháng đến Nguyễn Huy Thiệp, từ Nguyễn Trí Huân đến Nguyễn Nhật Ánh, từ Nguyễn Thị Thu Huệ đến Đỗ Hoàng Diệu. Đáng tiếc ở hội nghị lần một, Kato Sakae không được mời.

Một, hai hội nghị vẫn chỉ là bước khởi đầu, rồi sẽ còn những hội nghị khác nữa. Nhưng ngay từ bước khởi động nếu chúng ta quan niệm đây là họp công việc, họp để làm việc, chứ không phải vui vẻ, hội hè thì ta sẽ biết định hướng cho từng bước đi cụ thể. Cố nhiên, công việc to lớn này Hội Nhà văn VN một mình không thể lo liệu được. Nó cần một chính sách, một kế hoạch vĩ mô tầm quốc gia của Chính phủ. Như Chính phủ Nhật Bản đầu thế kỷ 21 đã đưa ra một danh sách những tác phẩm văn học nước mình cần giới thiệu để dịch ra nước ngoài và đã có một chính sách hỗ trợ việc quảng bá đó.

PHẠM XUÂN NGUYÊN (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)