Giáo viên cần định hướng cho HS về kiến thức, nhận thức nghề nghiệp trong tương lai. Ảnh: H.Như
|
Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về đổi mới chương trình – sách giáo khoa giáo dục phổ thông với đa số phiếu tán thành. Theo đó, nghị quyết quy định cụ thể giáo dục phổ thông 12 năm gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm bậc tiểu học 5 năm và bậc THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT 3 năm).
Theo đó, giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh (HS) tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật nhà trường và khả năng tiếp thu của HS. Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới sẽ được triển khai áp dụng từ năm học 2018-2019…
Có thể thấy, đây là một chủ trương bám sát định hướng của nghị quyết TW 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Từ nghị quyết này, cần thiết tổ chức đổi mới nền giáo dục với những cụ thể hóa trên một số vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, bảo đảm trang bị tri thức phổ thông nền tảng. Với yêu cầu này, cần có chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, phục vụ nhu cầu phát triển đất nước với những dự báo về yêu cầu nguồn nhân lực cụ thể trên các ngành, lĩnh vực. Do đó, kiến thức phổ thông phải là những kiến thức thiết thực, căn bản, không nên nhồi nhét hoặc giáo dục theo kiểu “tầm chương trích cú”, nặng lý thuyết nhẹ thực hành, thiếu chú trọng việc áp dụng kiến thức được học để giải quyết những vấn đề thực tế của cuộc sống và rèn luyện kỹ năng sống. Trên cơ sở chương trình này, cần thiết có bộ sách giáo khoa phù hợp, cùng phương pháp giảng dạy và đánh giá hợp lý, các kỳ thi cũng xem xét tính sàng lọc để lựa chọn HS đạt những chuẩn nhất định hoặc vào những ngành học phù hợp.
Thứ hai, phân luồng mạnh sau THCS. Việc phân luồng cần chú ý cả bậc THPT và TCCN, TC nghề. Chương trình phân ban ở bậc THPT nên chú trọng cung cấp những kiến thức, kỹ năng nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất để HS có thể bước vào giai đoạn đào tạo nghề nghiệp một cách hiệu quả. Do đó, cần thiết có sự định hướng và tư vấn hợp lý để HS tốt nghiệp THCS có thể chọn ban phù hợp, từ đó chọn ngành học sau phổ thông sát với năng lực, nguyện vọng, sở thích, điều kiện cụ thể… Chương trình TCCN, TC nghề nên chú trọng cả HS tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp THPT theo công thức 9+4 để tốt nghiệp TC đồng thời tốt nghiệp THPT, 9+2 dành cho HS đã học xong chương trình lớp 12 để tốt nghiệp TC… Việc phân luồng hợp lý sẽ tạo điều kiện để HS không bỏ học nửa chừng đồng thời khuyến khích các em không theo hết chương trình THPT có thể học nghề và lấy được bằng tốt nghiệp THPT.
Thứ ba, tăng cường định hướng nghề nghiệp. Nhìn chung, công tác tư vấn, hướng nghiệp hiện nay đã được thực hiện khá tốt, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít HS “chọn nhầm” ngành học, một phần là do sự phân luồng ở bậc sau THCS chưa tốt. Do đó, kết hợp với việc thực hiện phân ban ở bậc THPT và tăng cường tuyển sinh vào các trường nghề, cần thiết có sự định hướng tốt hơn nữa kiến thức, nhận thức về nghề nghiệp cho HS bậc THPT, bám sát 3 thứ tự ưu tiên: Năng lực, sở thích, điều kiện cụ thể (của bản thân, gia đình, nhu cầu xã hội…). Đồng thời, ngành giáo dục phải tăng tính dự báo nhu cầu nguồn lao động ở các lĩnh vực cụ thể để tránh việc học theo “phong trào”, dẫn đến dư thừa lao động ở một số ngành nhất định, gây lãng phí cho xã hội.
Thứ tư, thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Với nguyên tắc “người học là trung tâm”, chương trình giáo dục phổ thông một mặt đảm bảo chương trình khung thống nhất trong cả nước của Bộ GD-ĐT, mặt khác phải tính đến điều kiện cụ thể của từng vùng, miền. Như trong việc sử dụng sách giáo khoa, việc xét tuyển vào các trường ĐH…, cần có sự tính toán hợp lý giữa miền xuôi và miền ngược, giữa thành thị và nông thôn, giữa HS bình thường và HS có khuyết tật…, sao cho khuyến khích, động viên mọi người có thể đến trường và học tập cho chất lượng, hiệu quả. Ngay trong một địa phương, cũng nên tính đến yếu tố linh hoạt này, bởi giữa các huyện, giữa các xã cũng có thể có sự cách biệt về điều kiện kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, sự linh hoạt phải tránh đi đến tùy tiện, thậm chí “cát cứ”, là biểu hiện phản giáo dục.
Với những chủ trương đó, chúng tôi mong mỏi nền giáo dục Việt Nam trong thời gian tới phải thực sự hướng đến mục tiêu thực học và thực nghiệp. Thực học là học có chất lượng, đủ kiến thức và kiến thức phải bám sát thực tiễn, góp phần giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống, nhất là giải quyết những yêu cầu từ đời sống của chính bản thân HS. Thực nghiệp (nhất là với đào tạo nghề) là học xong có thể ra làm việc ở một ngành nghề, một công việc nào đó, không phải mất thì giờ đào tạo lại hoặc học ngành này nhưng phải đi làm ngành kia.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Kiến thức phổ thông phải là những kiến thức thiết thực, căn bản, không nên nhồi nhét hoặc giáo dục theo kiểu “tầm chương trích cú”, nặng lý thuyết nhẹ thực hành… |
Bình luận (0)