Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần nâng cao chất lượng nhân lực công nghệ – truyền thông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những đột phá của công nghệ trong nhiều lĩnh vực (trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, công nghệ nano, công nghệ sinh học…) đã đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm và sản xuất kinh doanh.


Nhiều bạn trẻ tìm hiểu cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Tuy nhiên, vấn đề này cũng tạo ra những thách thức đối với nguồn nhân lực công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT), đòi hỏi lực lượng lao động và cả công tác đào tạo phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.

Nhu cầu ngày càng tăng…

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) cho biết, nhu cầu nhân lực CNTT-TT tại TP.HCM ngày càng tăng. Cụ thể, dự báo nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm qua đào tạo của ngành CNTT-TT chiếm 94,36%, trong đó nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp nghề chiếm 23,72%; trung cấp chiếm 22,15%; cao đẳng chiếm 21,15%; đại học trở lên chiếm 27,34%. Ngoài ra, thành phố cũng đang có nhu cầu cao về lực lượng chuyên gia CNTT-TT. “Trong những năm gần đây, TP.HCM đã chứng kiến sự tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia CNTT-TT cho dù thị trường lao động có những khó khăn nhất định. Các doanh nghiệp địa phương, quốc tế và cả cơ quan Nhà nước đang nỗ lực tuyển dụng nhân sự CNTT-TT đáp ứng các tiêu chí của từng đơn vị”, ông Tuấn nói. Một số chuyên gia cũng nhận định, nhu cầu về nguồn nhân lực máy tính và CNTT sẽ tăng rất cao trong thời gian tới. Trong đó, lực lượng lao động chuyên ngành CNTT vẫn tiếp tục phát triển, đặc biệt là các công ty làm gia công cho quốc tế. Cùng với đó lực lượng cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị sẽ tăng cao bởi thực tế nhu cầu của chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam. Thực hiện xã hội số cũng hướng tới phục vụ cho người dân được thụ hưởng càng nhiều thành tựu của công nghệ càng tốt.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tính từ tháng 6-2023, số lao động đã qua đào tạo tại thành phố là 4,38 triệu người trong tổng số 5 triệu lao động, chiếm 86,08% so với chỉ tiêu cả năm 2023 là 86,45%. Hiện TP.HCM có trên 80% các trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo nhóm ngành CNTT-TT. Để tồn tại và phát triển trong ngành CNTT, nhân lực cần phải đảm bảo 3 yếu tố sau: Vững về khái niệm cốt lõi; vững về các kỹ năng thiết kế phần mềm và có khả năng tích hợp các ứng dụng bằng các công nghệ then chốt.

Được biết, hiện nay có trên 5.500 doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành điện tử – CNTT, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 3% số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Trong khi đó, số doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT là hơn 1.400 (chiếm 70%)…

… Nhưng không đáp ứng nhu cầu

Mặc dù nhu cầu lớn nhưng TP.HCM đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng trong lĩnh vực CNTT-TT. Lý giải về điều này, ông Võ Long Triều (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức – Trưởng Tiểu ban ngành CNTT-TT) phân tích, sự thiếu hụt này đến từ nhiều phương diện. Trong đó chủ yếu do nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, trong khi đội ngũ nhân sự mới lại thiếu những kỹ năng cần thiết để vận hành. Nguyên nhân khác đến từ một phần do chương trình đào tạo tại các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của khoa học công nghệ hoặc chưa đúng trọng tâm doanh nghiệp tìm kiếm. Nhiều sinh viên rất giỏi CNTT ra trường nhưng lại thiếu kiến thức về mặt nghiệp vụ. Ngược lại, nhân lực nhiều ngành khác không có sự trang bị ban đầu về tính hệ thống, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là tốc độ thay đổi về công nghệ như sinh viên CNTT. Mức độ gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường việc làm cũng đang trở thành thách thức không nhỏ đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành CNTT-TT. Để giải quyết thực trạng này, ông Triều cho rằng bên cạnh các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là những trường đào tạo công nghệ phải nhận thức sâu sắc sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực ngành CNTT-TT. Có như vậy mới tạo ra được nguồn nhân lực theo kịp đòi hỏi của thị trường lao động, gia tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Song song đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT-TT phải không ngừng trau dồi, rèn luyện khả năng ngoại ngữ. “Thực tế cho thấy nhiều lập trình viên ở TP.HCM mặc dù có nhiều hiểu biết, kinh nghiệm công tác song chưa có sự thành thạo cần thiết để làm việc với khách hàng quốc tế hoặc cộng tác với các nhóm lập trình ở quốc gia khác. Ngoài tiếng Anh, lợi thế đối với một số ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn cũng là yếu tố rất quan trọng giúp hoàn thiện nguồn nhân lực và thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Bên cạnh bộ phận nguồn nhân lực được đánh giá đáp ứng gần như đầy đủ các yêu cầu của ngành CNTT-TT thì vẫn còn một bộ phận thiếu các kỹ năng mềm cần thiết để làm việc hiệu quả. Trong đó phải kể đến kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng tự tổ chức và giải quyết vấn đề… Ngoài ra, việc thiếu tư duy kinh doanh thực tế để hiểu rõ sản phẩm, dịch vụ của công ty cũng tạo ra khoảng cách về kỹ năng và có thể cản trở sự phát triển của các công ty công nghệ”, ông Triều cho biết.


Theo các chuyên gia, muốn có việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, người lao động phải tự trau dồi kỹ năng nghề nghiệp

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT-TT, lực lượng lao động đang công tác trong lĩnh vực này phải có những thay đổi phù hợp. Cụ thể, lực lượng lao động CNTT-TT phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành tri thức, bản lĩnh, tránh được sự đào thải của thị trường lao động. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục tại TP.HCM cần phải cải thiện chương trình học để phù hợp với yêu cầu của ngành công nghiệp và tập trung vào việc học thực tế, thực hành. “Tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, năm 2023 tuyển 529 sinh viên bậc cao đẳng ngành CNTT và ngành truyền thông – mạng máy tính trong tổng số 4.159 sinh viên nhập học (chiếm tỷ lệ 12,7%). Đặc biệt, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo đến khóa thứ 5 chương trình CNTT theo thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Freesia và Trường CĐ Công nghiệp Tokyo (Nhật Bản). Qua đó, sinh viên được tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến, được tham gia thực tập và làm việc tại Nhật Bản”, ông Triều cho hay.n

Bài, ảnh: Kiều Khánh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)