Trẻ con như búp trên cành, cần phải được cha mẹ yêu thương đúng mức (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.Lê |
Trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ (TPTTVTTT) dù không gây thương tích nhưng lại đau đớn cho trẻ. ThS. Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, quản lý Trung tâm Clever kids centre đã chia sẻ với Giáo Dục TP.HCM những nguyên nhân, hậu quả và biện pháp hạn chế hành vi này.
Theo Liên minh Cứu trợ trẻ em quốc tế, TPTTVTTT là hành vi sử dụng vũ lực, lời nói hoặc các hành vi khác nhằm gây ra đau đớn nhưng không gây thương tích. Hành vi trừng phạt thân thể và tinh thần thường được các bậc cha mẹ sử dụng như một hình thức kỷ luật. Trừng phạt thân thể có thể bao gồm: việc đánh trẻ bằng tay hay bằng đồ vật (gậy, thắt lưng, roi, giày), đá, lắc, ném, véo, giật tóc, buộc trẻ phải ngồi hay quỳ trong các tư thế khó chịu hay nhục hình như cởi truồng… Sỉ nhục hay hạ thấp nhân phẩm: gồm nhiều hình thức như trừng phạt về tinh thần, chửi bới, mỉa mai, xa lánh hay bỏ mặc trẻ. Như vậy, trừng phạt thân thể và trừng phạt tinh thần trẻ em không chỉ là những đau đớn về thể chất mà có thể là những tổn hại về tâm lý (khiến trẻ buồn, xấu hổ và thất vọng…).
PV: Gần đây, tình trạng TPTTVTTT có chiều hướng gia tăng, vậy đâu là nguyên nhân, thưa bà?
– ThS. Vũ Thu Hương: Theo tôi, nguyên nhân gia tăng TPTTVTTT xuất phát từ những áp lực trong cuộc sống hiện tại lên cha mẹ của các em, sự thiếu hiểu biết của phụ huynh về tâm sinh lý trẻ, áp lực của bệnh thành tích trong học tập của con trẻ và tâm lý cho rằng “thương cho roi cho vọt”. Một nguyên nhân khác không thể không đề cập đến đó là do cha mẹ không có đủ thời gian cần thiết để xử lý tình huống khi con mắc lỗi cũng như cha mẹ đang bế tắc không tìm được biện pháp giáo dục khác thay thế những biện pháp hiện nay họ đang sử dụng.
TPTTVTTT sẽ để lại hậu quả gì đối với sự phát triển của trẻ?
– Xung đột gia đình giữa con cái và cha mẹ sẽ là nguyên nhân của một số vấn đề tâm lý trẻ sau này như: gia tăng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái; bạo hành tinh thần và thân thể trẻ sẽ đẩy bố mẹ và con cái ra xa. Điều này sẽ khiến trẻ trở nên bơ vơ và mất lòng tin với mọi người; thiếu tự tin, mất phương hướng trong cuộc sống. Những trẻ em đã phải chịu phạt về thân thể và tinh thần có thể sẽ mặc cảm, tự ti và xấu hổ với bạn bè cùng trang lứa, nặng nhất có thể dẫn đến trầm cảm. Trẻ bị trừng phạt nhiều lần sẽ làm gia tăng xu hướng ứng xử bạo lực giữa trẻ với bạn bè và người thân vì trẻ sẽ hiểu rằng, bố mẹ đánh chúng khi chúng mắc lỗi thì trẻ cũng đánh được các bạn khi bạn có lỗi. Hơn nữa, TPTTVTTT còn kích thích sự giận dữ và mong muốn chạy trốn khỏi gia đình. Đó là chưa kể đến việc xâm phạm thân thể còn có thể để lại các di chứng về sức khỏe và tâm thần của trẻ.
Theo bà, có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này không?
– Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải được trang bị kiến thức về tâm sinh lý trẻ. Cha mẹ cần biết các tác hại của việc TPTTVTTT tới con cái mình. Đồng thời, cha mẹ cũng cần biết những biện pháp giáo dục cần thiết để dạy con không sử dụng bạo lực. Sự kiên trì, tình yêu thương, sự tôn trọng trẻ chính là chìa khóa của cha mẹ trong việc giáo dục con cái.
Xin cám ơn bà!
Trần Tuy An (thực hiện)
Điều 34, Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam: Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, xúc phạm, hành hạ con… Điều 104, khoản 1, Luật Hình sự Việt Nam: Người nào cố tình gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em mà tỷ lệ thương tật dưới 11% thì bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu tỉ lệ thương tật từ 31-61% thì bị phạt tù từ 5 đến 15 năm.
|
Bình luận (0)