Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần nghiêm túc với văn học cổ

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục TP.HCM ngày 27-10 có bài “Nhiều bài học không còn phù hợp” của nhà giáo Thái Hoàng nêu băn khoăn về một số bài học trong chương trình phổ thông không còn phù hợp về kiến thức, mức độ, nhu cầu, khả năng hiểu và cảm thụ… không chỉ đối với học sinh mà còn cả giáo viên.

Một tiết học môn ngữ văn của học sinh THPT. Ảnh: Anh Khôi

Bài viết thực sự đáng quan tâm, bởi hiện nay có một số nội dung, kiến thức không chỉ trong môn ngữ văn mà còn một số môn khác có sự lạc hậu đáng kể, cần được thay thế, bổ sung kịp thời.

Ở phần nói về văn học cổ, tác giả cho rằng các thể loại xa lạ với học sinh và thực tế giáo viên cũng rất khó khăn trong giảng dạy, truyền đạt. Điều này cũng rất đáng suy nghĩ, nhất là ở khía cạnh phải chọn tác phẩm nào cho phù hợp, phương pháp giảng dạy như thế nào, việc kiểm tra/đánh giá ra sao… đều phải hết sức lưu ý.

Đúng là văn học cổ bây giờ xa lạ với học sinh nhưng không vì thế mà xem nhẹ mảng tác phẩm này. Văn học cổ là một phần của lịch sử, văn hóa và văn học của dân tộc với những tác phẩm đặc sắc, in đậm những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc trong hàng ngàn năm qua. Các thể loại phú, hành, hịch, cáo, văn tế, kể cả thơ Đường luật, phần lớn khá lạ lẫm với nhiều người hiện nay, nhất là với giới trẻ, nhưng vẫn cần được quan tâm giảng dạy một cách nghiêm túc. Không chỉ vậy, với các quy tắc về vần, đối, biền ngẫu, việc sử dụng nhiều điển tích, nhất là phần nhiều được viết bằng chữ Hán, đọc âm Hán Việt và có nhiều bản dịch ra tiếng Việt, cũng là một thử thách thực sự cho giáo viên và học sinh, nhưng chính từ đây có thể mở mang được nhiều điều về kiến thức, ngôn ngữ… Do đó, bản thân giáo viên phải có nhận thức đúng đắn về văn học cổ, không được xem đó là một phần phụ, ráng dạy cho xong, mà phải xem đó là một phần của hồn dân tộc, của ngàn năm văn hiến, phải được truyền thụ một cách tương xứng với vị trí, vai trò của nó đến với học sinh.

Nhiều tác phẩm cổ của nước ta được dạy trong chương trình phổ thông như bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bạch Đằng giang phú, Cáo bình Ngô, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, các tác phẩm khác của Phạm Ngũ Lão, Đặng Dung, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Nguyễn Du…, kể ra cũng chưa nhiều, bởi “vốn liếng” văn học viết của cha ông ta khá phong phú, nhưng đó đều là những tác phẩm tiêu biểu. Phải học văn cổ bằng một tình yêu, một sự đầu tư tìm hiểu thực sự thì mới có thể thực sự thấu cảm. Từ đó sẽ mở cho người đọc, người học một cánh cửa rộng lớn, khoáng đạt về nhiều vấn đề, không đơn thuần về cảm thụ văn học.

Sự duy trì quá lâu những kiến thức lạc hậu rất có hại cho học sinh, bởi lẽ các em cần được cập nhật những hiểu biết mới, được nâng cao nhận thức và tư duy từ những thông tin gần gũi và thực tế hơn; và chính nó cũng tạo “sức ì” trong giáo viên bởi sự hạn chế đổi mới đó làm giáo viên ít đào sâu suy nghĩ, tìm kiếm những kiến thức mới, các phương thức truyền đạt mới…

Thí dụ, ở bài Thần, vừa qua có cuộc tranh luận về các bản dịch; sách giáo khoa đã chọn một bản dịch mới, khác với bản dịch vốn đã quen thuộc với nhiều người. Nhưng thực sự bản dịch của Lê Thước và Nam Trân ở câu “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” là “Chúng mày nhất định phải tan vỡ” phù hợp hơn câu “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” trong bản dịch của Trần Trọng Kim. Bởi ở đây, yếu tố sai mệnh trời thì tự nhiên sẽ bị trừng phạt hoàn toàn hợp logic với các câu ở trên, chứ không phải do bị đánh bại. Dù bản của Trần Trọng Kim hướng đến tinh thần chiến đấu ngoan cường, quyết chiến quyết thắng, nhưng dường như không phải là tinh thần của tác giả. Hay ở Bình Ngô đại cáo, những câu “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương/Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt thời nào cũng có…” thực sự đầy tự hào và khó thể nào quên được. Giáo viên cũng cần làm bật ý ở câu “Cố ư đãi hiền chi xa, thường cấp cấp dĩ hư tả” (Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả – các câu dịch trong bài này là của Ngô Tất Tố), bởi nó phản ánh một tâm thế chuộng hiền tài của minh chúa Lê Lợi, cũng là của nhiều minh quân trong lịch sử. Ở Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, có người cho rằng đó là “ngôi đền thiêng” trong văn học, phải được đọc, học, nghiền ngẫm bằng lòng thành kính vô biên, chứ không thể vì thấy khó, thấy lạ mà lơ là. Đã là ngôi đền của dân tộc, của cha ông, các thế hệ tiếp nối không được quên, không được bất kính…

Đã biết là lạ, là khó thì phải có cách dạy, cách học thực sự phù hợp. Ở đây, vai trò của giáo viên là hết sức quan trọng. Bản thân người đứng lớp phải có nhận thức đúng đắn về tác phẩm, hiểu đúng tác phẩm từ đó mới có thể truyền đạt cái vốn hiểu biết của mình, tình cảm của mình đến với học sinh. Trong việc kiểm tra, đánh giá, cũng cần có những cách thức linh hoạt hơn, mang tính gợi mở tạo điều kiện cho học sinh vận động tư duy thay vì “đóng khung” nhận thức. Có thể vận dụng kiến thức liên môn (nhất là môn lịch sử) để tham gia vào bài học nhằm giúp học sinh có thể tiếp thu một cách tốt nhất.

Trúc Giang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)