Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cân nhắc giữa năng lực-sở thích-tài chính

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi tranh nhau đặt câu hỏi cho Ban tư vấn
Vừa qua, hơn 600 học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM) đã được Ban tư vấn chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức cung cấp nhiều thông tin hữu ích, thiết thực về ngành nghề.
Công nghệ thực phẩm: Ngành học có tính bền vững
Em Vũ Ngọc Phương Thanh (học lớp 12A7) đã đặt câu hỏi rất thú vị: “Em nghe nói công nghệ thực phẩm (CNTP) là ngành có tính ứng dụng cao trong việc chế biến và tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu của đời sống. Trong tương lai, ngành này có phát triển không? Và nếu chọn hướng đi khác, em có thể tự mình chế biến các sản phẩm từ những mặt hàng nông sản thường ngày hay không?”.
Trả lời câu hỏi này, ThS. Trần Hữu Xuân Thu, Trưởng ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech), khẳng định: Ngành CNTP được xếp thứ 2 trong 3 nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2012-2015. Bộ Công thương cũng xếp ngành này vào nhóm ngành đang có lợi thế cạnh tranh và cùng với đà phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đây sẽ là một ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới. “Ứng dụng của ngành CNTP rất đa dạng vì tất cả những gì liên quan đến đồ ăn thức uống, an toàn thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức ngành học này. Sinh viên học ngành CNTP sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng về nhiều lĩnh vực như phân tích thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ sản xuất rượu bia – nước giải khát, công nghệ chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, bảo quản và chế biến thủy sản, bảo quản và chế biến rau quả, chế biến trà – cà phê – ca cao… Sự đa dạng của ngành nghề chính là lợi thế để các em tìm cho mình một công việc thích hợp sau khi ra trường, nhất là những kỹ sư có tay nghề cao và tâm huyết với nghề. Hiện nay, nhu cầu nhân lực trình độ cao cho ngành này vẫn còn là một bài toán chung cho các công ty, nhà máy thuộc lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng. Vì thế, những kỹ sư CNTP tài giỏi và đam mê với nghề không chỉ được đảm bảo ở sự vững vàng mà còn có thể vươn xa hơn trong sự nghiệp”, ThS. Trần Hữu Xuân Thu khẳng định.
Riêng với hướng đi mà em Phương Thanh nêu ra, ThS. Trần Hữu Xuân Thu cho rằng đây là suy nghĩ rất mới mẻ và táo bạo, phù hợp với sự năng động và dấn thân của những người trẻ tuổi. “Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nhân lực. Nước ta đang thực sự thiếu những người lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực thực phẩm. Hướng đi của em rất phù hợp với nhu cầu thực tế, nhất là khi nhiều mặt hàng nông sản của nông dân Việt Nam bị tồn đọng, thất thu khi được mùa hoặc bị thương lái o ép. Tuy nhiên, để hướng đi đó được vững chắc, ngoài việc trang bị tốt kiến thức về chế biến các mặt hàng thực phẩm, em cần phải có sự liên kết, phối hợp cùng nhiều cá nhân khác trong việc đầu tư công nghệ, sản xuất, quảng bá sản phẩm ra ngoài thị trường…”, ThS. Trần Hữu Xuân Thu cho biết.
Phải xem xét khả năng tài chính
Em Trần Thế Bảo (học lớp 12A5) đặt một câu hỏi khá “hóc búa” và cho rằng đây là nỗi lòng của nhiều học sinh trước mùa thi: “Em có năng lực học ngành này, nhưng cũng thích và có năng lực học ở một ngành khác. Nhưng điều kiện tài chính gia đình lại không đủ để cho em theo đuổi ngành đó. Vậy có cách nào để em theo đuổi được ngành học mà em vừa có năng lực, vừa đam mê không?”.
Với câu hỏi này, ThS. Mai Mỹ Hạnh (Trung tâm Đào tạo và tư vấn tâm lý Ý Tưởng Việt) khẳng định: Câu hỏi mà em đưa ra là vấn đề mà rất nhiều học sinh hiện nay đang mơ hồ. Với hệ thống giáo dục gồm nhiều ngành và trường học như hiện nay, học sinh thường rất khó đưa ra quyết định cho riêng mình, nhất là khi phải cân nhắc giữa năng lực, sở thích, nhu cầu xã hội và tài chính. “Thật ra, tài chính gia đình cũng là vấn đề mà học sinh cần phải suy nghĩ trước khi đặt bút chọn ngành, chọn trường. Mỗi trường ĐH, CĐ trong và ngoài công lập đều có một mức học phí khác nhau, được công bố trên các phương tiện truyền thông và kênh thông tin của trường. Học sinh có thể truy cập các kênh thông tin này để chọn ra trường có mức học phí phù hợp. Ngoài ra, các trường đều có chính sách học bổng hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực trong học tập. Các em có thể phấn đấu để đạt học bổng và sử dụng học bổng này cho mục tiêu mình đặt ra”, ThS. Mai Mỹ Hạnh phân tích.
Bài, ảnh: Linh Vy
Phải cân nhắc giữa các đợt tuyển sinh
TS. Lê Thị Thanh Mai, Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐHQG TP.HCM) lưu ý các em học sinh cân nhắc kỹ khi sử dụng giấy báo điểm cho các đợt tuyển sinh. Thông thường, nhiều trường ĐH, CĐ thuộc hệ thống công lập và trường có các ngành truyền thống sẽ tuyển đủ thí sinh ngay từ đợt tuyển sinh đầu tiên, các đợt sau sẽ rất hạn chế và lấy điểm rất cao. Do đó, các em học sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh trường hợp… rớt oan (điểm cao mà không vào được trường có mức điểm tương xứng) như các anh chị trước đây. Bên cạnh đó, TS. Lê Thị Thanh Mai cũng lưu ý các em học sinh có ý định sử dụng học bạ để xét tuyển theo phương án riêng của các trường ĐH, CĐ phải phấn đấu ngay từ khi còn học lớp 10. Quá trình phấn đấu tích cực, bền bỉ chính là cơ sở để các trường ĐH, CĐ xem xét và lựa chọn.
 
 
Ngành QTKD rộng nhưng không lan man
Tại chương trình, một học sinh thắc mắc: “Em nghe nhiều người nói quản trị kinh doanh (QTKD) là ngành học rất rộng và lan man, thường học hết 1-2 năm mới bắt đầu phân chuyên ngành cụ thể. Vậy tại sao không phân ngành ngay từ đầu?”.
ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó giám đốc truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM – UEF) trả lời: QTKD là ngành học khá rộng với nhiều chuyên ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực như quản trị thương mại, quản trị nhân sự, marketing, ngoại thương, kinh doanh tổng hợp, tài chính doanh nghiệp… Ở 1-2 năm đầu tiên, các em sẽ được học các kiến thức chung về ngành QTKD, rồi tự đánh giá mình tương thích với lĩnh vực nào trong số các chuyên ngành đó để lựa chọn. Mỗi chuyên ngành sẽ có những môn học phù hợp với lĩnh vực và hướng đi sau khi ra trường của các em. Do đó, ngành này chỉ rộng chứ không lan man như thông tin mà em đã nghe.
 

Bình luận (0)