Xe chạy bằng điện là một giải pháp tiết kiệm nhiên liệu trong thời điểm hiện nay, nhất là khi giá xăng tăng cao. Có thể nói, chưa bao giờ nhu cầu sử dụng xe điện lại tăng vọt như thời gian gần đây. Tuy nhiên, chất lượng xe điện cũng có nhiều điều đáng bàn.
Có đi, mới biết…
Có thể thấy được một điều rằng trước đây, do hàng tiêu thụ chậm nên các cơ sở sản xuất cạnh tranh nhau bằng chất lượng và dịch vụ. Còn bây giờ, nhu cầu của khách hàng tăng mạnh, để nhanh chóng có hàng bán thì mạnh ai nấy làm, nhiều cơ sở mua toàn linh kiện rẻ tiền để lắp ráp, một chủ cơ sở sản xuất xe điện còn tiết lộ, nhiều người vì muốn hốt bạc nên đã tranh thủ nhập cả xe nguyên chiếc về để bán (chủ yếu là nguồn xe Trung Quốc), giá nhập chỉ khoảng 2 triệu đồng/xe, loại xe này chất lượng rất thấp và phức tạp.
Chị Phạm Thúy Loan (Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh) nói chị mua xe đạp điện mới hoàn toàn nhưng mới sử dụng được 3 tháng thì xe liên tục bị mất điện (dù ngày nào cũng sạc bình). Mang xe đến điểm bán xe thì phải đến một tuần sau họ mới gọi lại nhận xe, khi đến, họ nói phải thay bình điện mới với giá 500.000 đồng. Trong khi nhiều khách hàng khác đang chọn mua xe tại một cửa hàng trên đường Võ Thị Sáu thì có một khách hàng mang chiếc xe đạp điện cũng đang trong tình trạng “chết máy” đến, tranh thủ lúc các nhân viên đang bận bịu, tôi hỏi anh về chiếc xe, anh tâm sự: anh mới mua chiếc xe giá 6,8 triệu để đi làm, ba tuần đầu không có gì, nhưng đến tuần thứ tư thì tự nhiên chết máy, không cách nào khởi động lại được. Tấp vào điểm sửa xe đạp nhờ sửa thì họ lắc đầu, tìm đến tiệm sửa xe máy gần đó thì bị họ từ chối. Vừa đạp vừa đẩy tìm gần cả giờ mới có tiệm nhận sửa. Thế nhưng chỉ chạy được hai ngày xe lại hư tiếp… Cái khó của xe đạp điện là không phải ai cũng sửa được, vì nó không giống xe đạp, cũng chẳng phải xe gắn máy. Phải là thợ có hiểu biết về điện, điện cơ cũng như điện tử mới xử lý tốt các trục trặc của xe. Anh Nguyên, một chủ tiệm sửa xe có thâm niên trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh cho hay, do lượng xe ngày càng nhiều, chất lượng xe lại quá thấp nên hư hỏng liên miên; trong khi đó các địa điểm sửa xe điện bài bản lại quá ít nên nhiều điểm sửa xe đạp và xe gắn máy không có tay nghề cũng nhận sửa. Với thợ tay ngang, cứ thấy xe không có điện là đòi thay bình điện, mạch điều khiển gặp trục trặc cũng đòi thay nguyên bo mạch, tay ga nên gây nhiều tốn kém không cần thiết cho khách hàng…
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh, thành gửi đến Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, quản lý lưu hành đối với xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông. Theo đó, tại văn bản về tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5929: 2005 đối với mô tô xe máy và Tiêu chuẩn TCVN 7448: 2004 đối với xe đạp điện, đủ điều kiện làm căn cứ để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng an toàn kỹ thuật cho loại phương tiện này. Việc quản lý lưu hành đối với hai loại phương tiện giao thông này, Bộ đề xuất với Chính phủ, trước mắt chỉ nên thực hiện kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, tổ chức đăng ký, cấp biển số đối với xe máy điện. Để đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe máy điện, xe đạp điện khi tham gia giao thông cũng phải đội mũ bảo hiểm.
|
Khác với xe máy hay xe đạp thông thường, xe đạp điện và xe máy điện cũng rất kén người sử dụng. Trọng lượng chỉ giới hạn 100kg nên nếu thường xuyên chở hai người lớn thì xe sẽ “xuống” rất nhanh, bộ phận dễ hư hỏng nhất là bình điện (ắc quy) mỗi lần ắc quy hỏng thay gần bạc triệu. Tại trung tâm xe máy Chợ Lớn (quận 5), khi được hỏi về phụ tùng linh kiện thay thế và nơi sửa chữa, nhân viên của trung tâm chỉ nói: “Tùy theo hãng, xe hãng nào hỏng thì chúng tôi sẽ tư vấn địa chỉ sửa chữa thay thế. Chúng tôi không có sẵn phụ tùng. Xe nhập về lô nào là bán hết lô đó rồi”.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, giá sửa và thay linh kiện một số hỏng hóc thông thường của xe đạp, xe máy điện hiện nay là: thay mạch từ 350 – 400.000 đồng, thay tay ga khoảng 200.000 đồng, thay động cơ xe đạp điện trên dưới 1 triệu đồng. Mặc dù thực tế cho thấy dùng xe điện kinh tế hơn rất nhiều so với xe máy, đi khoảng 60km mới nạp một lần hết khoảng 5 – 7.000 tiền điện nhưng vẫn còn nhiều người nói không với loại xe này. Anh Lộc, kỹ sư xây dựng sống ở Thủ Đức khẳng định, giá xăng có tăng đến mấy anh cũng không thể chuyển sang đi xe điện, bởi kiểu dáng xe như con nít không tiện đi giao dịch, xe hết bảo hành mà hỏng hóc giữa đường thì chỉ có nước dắt bộ về nhà vì không kiếm được nơi sửa. Thêm nữa, lại đang là mùa mưa, đường thành phố nhiều đoạn hễ mưa là ngập, mà xe điện thì kỵ nước, nếu dùng xe điện thì năm bảy tuần phải thay một bình ắc quy và bộ điều khiển tốc độ, tính ra vừa tốn kém vừa bất tiện.
Lo ngại vì không có nơi sửa
Điều lo ngại của nhiều người khi sử dụng xe đạp điện, xe máy điện đó là khi xe hư giữa đường khó có thể tìm được nơi sửa chữa bài bản, chuyên nghiệp vì hầu hết, các điểm sửa chữa xe máy, xe đạp thông thường chỉ là thợ tay ngang, chỉ sửa chữa những hỏng hóc thông thường. Do vậy, khách hàng khi chọn mua và sử dụng xe điện thường được khuyên: Khi mua xe, nên chọn những thương hiệu có uy tín, có chế độ bảo hành rõ ràng và chu đáo. Về cảm quan, lớp áo bằng nhựa bên ngoài phải cứng cáp, màu sắc không được đục mờ, linh kiện phải sắc sảo, khít khao. Người mua cần kiểm tra tài liệu hướng dẫn và phiếu bảo hành cẩn thận; Một số giải pháp sửa chữa các sự cố nhỏ khi sử dụng các loại xe dùng điện: Không nên đi xe khi ắc quy thấp hơn giới hạn cho phép, nạp điện hàng ngày kể cả không chạy cũng phải nạp điện vì nếu để lâu không nạp điện dễ bị hỏng ắc quy. Khi sạc điện không vào, cần kiểm tra lại nguồn điện, phích, ổ cắm sau đó sạc lại, nếu điện không vào cần thay cầu chì hay nối lại dây hoặc xem lại các mối tại các đầu cực bình ắc quy. Bình mới sạc nhưng đi không đủ xa như tiêu chuẩn cần chú ý luôn luôn bơm bánh xe đủ căng, sạc đúng quy định và không được chở quá tải. Bật khóa nhưng động cơ không hoạt động thì kiểm tra và nối lại các mối dây, mở cầu dao dưới yên xe và điều quan trọng là phải sạc bình đúng quy định. Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất thì không nên tự tháo gỡ các phụ tùng trên xe và liên hệ với các trung tâm bảo hành gần nhất để được phục vụ; một số điểm bảo hành, sửa chữa xe điện tại TP.HCM: số 206 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận; số 901, đường Hậu Giang, phường 11, quận 6.
Như Sương
Bình luận (0)