Liên kết đào tạo với nước ngoài để cung ứng lao động đang là xu hướng mới của các trường nghề tại Việt Nam.
Các học sinh đang tìm hiểu về ngành thiết kế đồ hoạ của một cơ sở đào tạo nước ngoài. Ảnh: N.Th
|
Vừa học, vừa làm thu nhập cao
Trường trung cấp nghề Châu Hưng, trụ sở chính tại Hưng Yên mới ra mắt phân hiệu tại TP.HCM hôm 24.8, công bố đào tạo chương trình liên kết với tổ chức Edexcel thuộc vương quốc Anh ba ngành quản trị kinh doanh, tài chính và công nghệ thông tin với gần 400 chỉ tiêu, bằng do Edexcel cấp. Theo ông Lê Khắc Cư, phó trưởng phân hiệu của Châu Hưng tại TP.HCM, chương trình này nhận được sự tài trợ tới 2 tỉ USD bởi tập đoàn Karyattama, một công ty Nhật Bản tại Malaysia, để đầu tư cơ sở vật chất và đảm bảo chất lượng. Sau khi tốt nghiệp, tuỳ lựa chọn, học viên sẽ có cơ hội việc làm do Karyattama cung cấp trong nước hoặc nước ngoài với mức lương từ 1.000 USD/tháng trở lên.
Trước đó, trường đào tạo Úc Việt (741 – 745 Lê Hồng Phong, quận 10) cũng vừa ký hợp tác với công ty tuyển dụng hàng đầu của Úc là Global Development về việc bảo đảm cho sinh viên sau khi nhận bằng Diploma tại trường sẽ được chuyển tiếp sang Úc học tiếp và việc làm thêm ngoài giờ thu nhập cao. Theo cam kết được nhà trường công khai, sinh viên sau khi học năm đầu tiên tại trường Úc Việt sẽ chuyển sang Úc học, thực tập và nhận bằng cử nhân do các trường đại học hay cao đẳng nghề của nước này cấp. Ông Phạm Cao Hưng, chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường cho biết, các chương trình liên kết này phù hợp với trình độ học sinh tốt nghiệp trung học hoặc chỉ cần học hết lớp 11. Những ngành tuyển sinh hầu hết đang có nhu cầu thu dụng lao động lớn tại Úc như điều dưỡng – chăm sóc người cao niên, bếp trưởng, quản trị kinh doanh, quản trị nhà hàng – khách sạn, kế toán, marketing… nên sinh viên rất dễ có cơ hội được hoàn phí thông qua chương trình làm việc ngoài giờ. “Với những sinh viên có tay nghề vững, giỏi tiếng Anh có thể vừa học vừa làm chính ngành nghề được đào tạo với thu nhập lên đến 20.000 AUD trong năm đầu tiên”, ông Hưng nói.
Trường trung cấp nghề Ánh Sáng (quận 12) cũng mới giới thiệu chương trình đào tạo điều dưỡng đa khoa phối hợp với học viện BIB (Bildungs Institutes Bruckner) của Đức. Học viên sau hai năm học điều dưỡng đa khoa tại Việt Nam sẽ sang BIB để tiếp tục vừa bổ sung, vừa thực tập với mức lương khoảng 800 euro. Ngay quốc gia ít thu hút đối với du học nghề như New Zealand cũng có chương trình liên kết như khoá học chuyên ngành khách sạn giữa trường Queenstown Resort College với trường nghề Huấn Nghệ. Sinh viên sau khi hoàn thành khoá học sẽ được tham gia chương trình thực tập có lương chín tháng tương đương 15.000 NZD; sau tốt nghiệp được gia hạn visa 12 tháng và giới thiệu việc làm tại các khách sạn ở Queenstown.
Ngoài ra, còn nhiều đơn vị khác cũng có các chương trình liên kết đào tạo tương tự.
Cân nhắc để tránh rủi ro
Với mô hình liên kết đào tạo với nước ngoài để cung ứng lao động nói chung, các trường nghề ngoài mục tiêu đào tạo nghề đã kiêm thêm vai trò của nhà xuất khẩu lao động. Về phía người học, những thí sinh bị rớt cả ba nguyện vọng ở kỳ thi đại học – cao đẳng, thậm chí chưa tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn có thể ra nước ngoài du học để lấy bằng cao đẳng, đại học. Học phí tuỳ mỗi chương trình, có mức chênh lệch từ 14.000 – 30.000 USD/năm. Ở góc độ kinh tế, những chương trình này dễ tiếp cận, chi phí thấp và khả năng kiếm được việc làm cao. Nhưng mặt khác, học viên cũng cần tính đến những rủi ro có thể xảy ra. Vì phần lớn các chương trình liên kết nói trên thực chất là hình thức đào tạo vừa học vừa làm. Bên cạnh đó, các trường nghề cũng không có chức năng hợp đồng xuất khẩu lao động mà đứng sau đó là các doanh nghiệp với hình thức đưa thực tập sinh đi nâng cao tay nghề hay hợp đồng lao động cá nhân dưới dạng bảo lãnh.
Theo một chuyên gia về tư vấn du học, để tránh các sự cố đáng tiếc, học viên khi đăng ký nhập học cần tham khảo kỹ các điều khoản cam kết về giới thiệu việc làm của trường nghề lẫn đối tác nước ngoài; cân nhắc bài toán về chi phí và thu nhập để có sự lựa chọn đúng khả năng và phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Du học sinh cũng nên chú ý đến các quy định liên quan đến lao động ở mỗi nước, chẳng hạn số giờ làm việc trong tuần/mức thu nhập tối đa là bao nhiêu? Chi phí cho một khoá học nghề cũng không nhỏ mà tại những nước như Úc không phải lúc nào cũng dễ dàng kiếm được việc làm thêm có thu nhập cao. Kỹ năng ngoại ngữ cũng là một yếu tố quan trọng. Thực tế nhiều thực tập sinh mặc dù được giới thiệu chỗ làm tốt nhưng vẫn bị nơi sử dụng lao động từ chối và cuối cùng phải về nước vì khả năng ngoại ngữ không đạt.
Cũng nên tỉnh táo trước các thông tin như tỷ lệ 100% sinh viên ra trường được giới thiệu việc làm hay mức thu nhập cao. Bởi vì, ngay cả đối tác là tập đoàn cung ứng nhân lực có uy tín quốc tế chăng nữa thì việc trả lương hay điều kiện làm việc, thực tập… như thế nào còn tuỳ thuộc vào đơn vị sử dụng lao động.
Diệu Thuỳ
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ kiểm định dạy nghề thuộc Tổng cục dạy nghề:
Hiện nay có một số ít các trường nghề trong nước liên kết với trường đào tạo nghề nước ngoài để tuyển sinh đào tạo. Những trường nghề trong nước chỉ được phép liên kết sau khi được tổng cục Dạy nghề thẩm định điều kiện, năng lực đào tạo và chương trình đào tạo tại nước ngoài. Về cam kết việc làm, ông Tiến khẳng định đây là thoả thuận riêng sau đào tạo của người học với cơ sở đào tạo. Hiện tại khi xét duyệt chúng tôi chỉ xét trên giấy, nếu trường nghề nước ngoài cam kết có việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp thì phải có giấy đồng ý từ chính quyền nước sở tại. Bởi xin visa đi học và xin visa làm việc là hai quy trình hoàn toàn khác nhau.
Bích Phượng
Theo SGTT.VN
Bình luận (0)