Bước vào năm học mới, thị trường thiết bị chống cận thị đang dần “nóng” lên. Nhiều bậc phụ huynh xem những thiết bị này như là “bảo bối” giúp con mình chống cận thị. Nhưng, theo giới chuyên môn, nguy cơ tiền mất tật mang nếu lạm dụng những sản phẩm này.
“Trăm sự” nhờ… thiết bị
Dạo quanh các nhà sách tại TP.HCM và Hà Nội, chúng tôi ghi nhận hầu hết đều có bán sản phẩm chống cận thị và rất được các bậc phụ huynh tin dùng. Bán “đắt như tôm tươi” hiện nay là đèn chống cận thị. Đèn Trung Quốc giá khoảng 120.000 đồng – 200.000 đồng/cái, đèn do các công ty trong nước sản xuất giá khoảng 300.000 đồng/cái. Nếu muốn “xịn” hơn thì dùng đèn nhập từ Pháp, Thái Lan, với giá khoảng 800.000 đồng – hơn 1.000.000 đồng/cái. Theo lời giới thiệu của người bán, do bóng đèn không hoạt động theo nguyên lý chớp sáng nên không gây ảnh hưởng đến mắt.
Sản phẩm giá đỡ cằm chống cận thị giá khoảng 150.000 đồng hiện cũng đang được bán rất chạy. Nguyên nhân, như lời chị Quỳnh Chi ngụ ở đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM, đang có con vào lớp 1: “Con tôi ngồi viết cứ hay cúi xuống gần bàn. Sợ con bị cận thị, tôi mua thiết bị này vì theo nhà sản xuất nó rất hiệu quả, chỉ cần gắn với bàn học ngay trước ngực trẻ sẽ khiến trẻ không thể cúi thấp khi đọc và viết. Từ đó tránh được cận thị”. Với bảng chống cận thị cũng thế, chị Thanh Thảo – ngụ ở quận 3, TP.HCM – cho rằng với chiếc bảng này chị sẽ không còn lo con mình phải cúi sát xuống bàn học gây ảnh hưởng đến mắt hay ngồi ẹo người qua lại gây cong vẹo cột sống.
Ngoài ra, hiện nay nhiều phụ huynh rất háo hức với sản phẩm bút chống cận thị đang được quảng cáo trên đài truyền hình (hiện chưa có bán tại các nhà sách). Với chiếc bút này, nếu bé ngồi học không đúng tư thế, ngòi bút sẽ thụt vào…
Nhiều phụ huynh xem những sản phẩm có chức năng chống cận thị như là công cụ hữu ích cho các bé đang tuổi ăn tuổi học, nhất là đối với những phụ huynh quá bận rộn công việc, không có thời gian theo dõi tư thế ngồi học của con. Và thế là họ “khoán” việc này cho… thiết bị.
Nguy cơ tiền mất tật mang
Quan sát sản phẩm thanh chắn đỡ cằm được cho là có tác dụng chống cận thị cho học sinh tiểu học, bác sĩ Hoàng Anh Tùng, khoa Xương – khớp, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) tỏ ra khá ngạc nhiên vì chưa bao giờ nhìn thấy hay đọc được một công trình nghiên cứu về dụng cụ này. Theo ông, nói dụng cụ này chống cận thị là không chính xác mà chỉ có thể nói nó có khả năng giúp cho học sinh tiểu học duy trì được khoảng cách tốt cho mắt và vở trong lúc học bài. Nhưng nếu dùng nhiều, bé tì cằm lên thanh lâu quá sẽ gây nhức mỏi vùng cơ xương quanh cằm. Thậm chí, dụng cụ này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển xương mặt của bé khi dùng trong thời gian dài. Với những cháu đã bị cận thị có khi còn phản tác dụng vì lúc đó mắt các cháu phải điều tiết nhiều hơn, căng ra để nhìn cho rõ. Còn bảng chống cận thị có thể gây đau cổ tay do trẻ hay gồng mình để viết. Trẻ con thường khá máy móc và đôi khi sợ cha mẹ mắng nên cố gắng chịu đựng, về lâu dài sẽ có ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của cơ, xương vùng cánh tay.
Còn đối với những loại đèn được quảng cáo có tác dụng chống cận thị, bác sĩ – thạc sĩ Hồ Quang Minh Đạo, chuyên khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TP.HCM) cho biết: Thiết bị này cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ chống cận thị vì ánh sáng không chớp nháy. Nhưng nếu dùng đèn này mà trẻ ngồi học không đúng tư thế, không nghỉ ngơi hợp lý thì vẫn bị cận thị.
Để phòng tránh bệnh cong vẹo cột sống hay cận thị cho học sinh tiểu học, bác sĩ Đạo đưa ra lời khuyên, các bậc phụ huynh không nên quá lạm dụng các dụng cụ chống cận thị nêu trên để tránh tình trạng tiền mất tật mang. Vai trò của cha mẹ trong việc điều chỉnh tư thế học cũng như cách sinh hoạt của con em mình là quan trọng hơn hết, không một dụng cụ nào có thể thay thế. Cụ thể, cha mẹ cần cho bé ngồi học với bộ bàn ghế phù hợp, hướng dẫn bé đặt sách vở cách bàn học khoảng 30-33 cm và cho mắt nghỉ ngơi khoảng 20 giây sau khoảng 20 phút ngồi học bằng cách nhìn ra xa. Sẽ hết sức sai lầm trong trường hợp trẻ nghỉ giải lao giữa giờ học lại chuyển qua đọc truyện hay chơi game, vì lúc này xem như mắt bé không hề nghỉ ngơi. Nơi bé ngồi học phải đủ ánh sáng. Lúc xem ti vi, khoảng cách giữa bé với ti vi phải bằng 4 lần chiều dài đường chéo màn hình ti vi. Đèn ngủ phải thật tối, cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ tránh thói quen để đèn sáng trong lúc ngủ vì còn đèn sáng là mắt còn điều tiết, không được nghỉ ngơi sẽ dẫn đến tật cận thị…
Cẩm Nhi – Hồng Minh / TNO
Bình luận (0)