Học sinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn tại ngày hội
|
Trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh vừa diễn ra tại Trường ĐH Cần Thơ (TP.Cần Thơ), gần 30.000 học sinh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được tiếp cận với các thông tin bổ ích như cách thức đăng ký môn thi và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015. Cơ cấu đề thi THPT quốc gia…
Chọn 5-6 môn là vừa sức
Trao đổi với các em học sinh tại ngày hội, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Kỳ thi THPT quốc gia có 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Thi với mục đích nào, thí sinh đánh dấu vào các ô đối tượng tương ứng khi đăng ký dự thi. Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Các câu hỏi từ dễ đến khó. Các em có thể tham khảo đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, cấu trúc đề thi 2015 cũng giống vậy. Đề ra theo hướng dạng mở, không yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng. Các em bình tĩnh, tự tin, chăm chỉ học tập để nắm vững kiến thức thì làm bài sẽ tốt. Để xét tuyển vào ĐH, CĐ, các em phải đăng ký thêm các môn tùy theo yêu cầu xét tuyển theo quy định của các trường”.
Trong khi đó PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, khuyên: “Các em cần cân nhắc kỹ khi chọn môn thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Không nên ôm đồm đăng ký thi 8 môn, tuy có nhiều cơ hội xét tuyển nhưng việc ôn tập dàn trải sẽ khó hiệu quả. Đặc biệt, các em cần cân nhắc đăng ký những môn thi là thế mạnh của mình. Theo tôi, các em chọn 5-6 môn là vừa”.
Ngành nhiều khả năng có việc làm
Nhanh chóng đổi nguyện vọng nếu khả năng không đậu
PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, khuyên: “Khi xét nguyện vọng 1, trong vòng 20 ngày của đợt 1, nếu thấy không có khả năng đậu thì các em nên rút hồ sơ nộp trường khác hoặc thay đổi nguyện vọng ở trường đó. Các em cần thường xuyên theo dõi trang web về tuyển sinh của các trường mà mình sẽ đăng ký nguyện vọng bổ sung vì đây là kênh thông tin tham khảo sơ tuyển khá đầy đủ.
|
Một phụ huynh ở tỉnh Sóc Trăng hỏi: “Tôi được biết năm nay tổng điểm ưu tiên khá cao. Chẳng hạn, nếu con tôi thi được 25 điểm, trong khi thí sinh khác chỉ 21 điểm nhưng được cộng điểm ưu tiên sẽ khiến con tôi bị rớt, có đúng không? Con tôi chỉ muốn học ngành bác sĩ đa khoa, không thích học các ngành khác của Trường ĐH Y dược Cần Thơ, nếu không trúng tuyển xin cho biết con tôi cần đăng ký bổ sung vào trường nào để học ngành này?”. ThS. Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược Cần Thơ, trả lời: “Khi đăng ký xét tuyển thí sinh nên theo dõi bảng điểm trên trang web của trường, trên đó ghi cụ thể điểm thi và điểm ưu tiên của các thí sinh; vì vậy thí sinh có thể biết ngay mình đậu hay rớt. Nếu thấy mình không có khả năng trúng tuyển con chị nên đăng ký nguyện vọng bổ sung ở những trường khác có đào tạo ngành bác sĩ đa khoa”. PGS.TS Trần Văn Nghĩa bổ sung thêm: “Nếu chỉ chọn một ngành bác sĩ đa khoa thì rủi ro khá cao. Trong vòng 20 ngày nếu con chị không có khả năng trúng tuyển thì chị phải cân nhắc và quyết định ngay để rút hồ sơ. Chị có thể đăng ký cho cháu vào Khoa Y thuộc ĐHQG TP.HCM”. Em Phan Thanh Luân (học sinh Trường THPT Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang), thắc mắc: “Các ngành kỹ thuật công nghệ học rất khó, học phí lại cao. Vậy ra trường có dễ xin việc làm không?”. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trả lời: “Học phí các ngành kỹ thuật công nghệ không cao lắm. Cụ thể, học phí tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là 5,8 triệu đồng/năm, trong khi nhiều ngành khác học phí hơn 10 triệu đồng/năm, chưa kể trường tư thục còn cao hơn rất nhiều. Hiện nay các khu chế xuất, khu công nghiệp phát triển rất mạnh nên tại trường chúng tôi rất nhiều sinh viên có việc làm từ năm thứ 3. Việt Nam là nước đang phát triển rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến mở nhà máy, công ty, và rất cần nhân lực kỹ thuật nên khả năng có việc sau khi học xong của sinh viên khối này hầu như chắc chắn. Tuy nhiên tôi có lời khuyên các em: Nếu các em không mạnh về các môn khoa học tự nhiên thì không nên chọn ngành kỹ thuật công nghệ vì học sẽ rất vất vả. Những em có óc sáng tạo chúng tôi khuyến khích nên học ngành này vì các em có nhiều cơ hội sáng chế những sản phẩm phục vụ cuộc sống…”. Trong khi đó em Nguyễn Phạm Thanh Trúc (học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm, TP.Cần Thơ) hỏi: “Em thích học ngành cây trồng, đặc biệt là thích tạo ra những giống chất lượng cao. Em xin hỏi Trường ĐH Cần Thơ có dạy ngành này không?”. PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, thông tin: “Em nên chọn ngành khoa học cây trồng thuộc Khoa Nông nghiệp. Học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo về lĩnh vực công nghệ sinh học ứng dụng trong lĩnh vực cây trồng”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Cần ăn đủ chất, ngủ đủ giấc
Trả lời câu hỏi của một học sinh ở tỉnh Vĩnh Long về việc làm sao để không hạ huyết áp, calci mỗi khi căng thẳng? TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: “Để không bị hạ huyết áp em cần ăn đủ chất, ngủ đủ giấc. Mang theo bữa ăn phụ trong cặp như trứng luộc, chuối hoặc hộp sữa tươi, khi nào thấy đói, mệt là ăn ngay. Điều quan trọng là phải học tốt, nắm được kiến thức cơ bản thì sẽ đủ tự tin, không căng thẳng khi bước vào phòng thi”.
|
Bình luận (0)