Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cân nhắc kỹ khi chọn ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Các em HS lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu đăng ký thông tin tại bàn tư vấn

Do thời gian chỉ có 90 phút nên các em học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) đã rất tích cực khai thác các vấn đề liên quan đến quy chế thi, tính chất ngành nghề, nhu cầu việc làm… tại buổi tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức vừa qua tại trường.
Đa số các câu hỏi đều “xoáy” vào trọng tâm vấn đề tuyển sinh năm nay như điểm sàn, điểm chuẩn, nguyện vọng 1, 2 và nguyện vọng bổ sung. Nhiều em tỏ ra lo lắng trước quy chế liên thông giữa bậc CĐ lên ĐH.
TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác HS-SV (ĐHQG TP.HCM), khẳng định: Theo quy định mới, những thí sinh (TS) dự thi liên thông có bằng tốt nghiệp trung cấp, CĐ chưa đủ 36 tháng (từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi) phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành TS đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy. Nếu TS không trúng tuyển vào trường đăng ký cũng sẽ được xét tuyển vào học liên thông ở những trường khác có cùng khối thi, trong vùng tuyển. Những TS này cũng sẽ phải tuân thủ các quy định về xét tuyển như hệ chính quy, mức điểm xét tuyển cũng phải tuân theo mức điểm sàn của hệ chính quy. “Các em nên căn cứ vào học lực, sở thích và điều kiện kinh tế gia đình để đưa ra lựa chọn. Nếu sức học vừa phải, các em có thể chọn học trung cấp, CĐ đúng ngành yêu thích rồi liên thông lên ĐH”, TS. Lê Thị Thanh Mai khuyên.
Không có ngành học nhẹ nhàng
Em Trần Lê Uyên, HS lớp 12A5, tâm sự: “Nhà chỉ có mỗi mình em là con gái nên ba mẹ muốn em chọn một ngành học để sau này vừa có thể xin việc gần nhà, lại vừa nhẹ nhàng, ổn định. Theo ba mẹ thì em nên chọn ngành kế toán hoặc văn phòng vì đây là những công việc ít phải di chuyển, nhu cầu tuyển dụng cao mà lương cũng khá hấp dẫn. Trong khi đó, em lại thấy mình hợp với ngành du lịch vì khả năng tiếng Anh và giao tiếp tốt. Liệu ngành du lịch có nhẹ nhàng không?”. Chia sẻ vấn đề này, ThS. Nguyễn Trọng Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn, cho biết tiềm năng du lịch đang được Nhà nước tích cực khai thác trong nhiều năm qua và nhu cầu nhân lực của ngành này khá dồi dào. Du lịch thuộc nhóm ngành nghề dịch vụ nên người theo nghề này phải có tinh thần phục vụ, luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn người khác. “Nếu chọn làm công việc hướng dẫn viên, em cần phải có sức khỏe, tính kiên nhẫn, kiến thức văn hóa xã hội… Nhưng nếu muốn chọn công việc nhẹ nhàng như ý em nói thì có thể chọn công tác quản lý, điều hành hay những nghề nghiệp thuộc lĩnh vực hành chính như: Nhân viên văn phòng, văn thư lưu trữ, thư ký hành chính…”, ThS. Nguyễn Trọng Hoàng hướng dẫn.
Học gì để làm… ông chủ
Trong khi bạn bè quan tâm nhiều tới tính chất ngành nghề, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp thì em Hoàng Hải Đăng, HS lớp 12A1, lại bàng quan với vấn đề này vì… có hậu phương vững chắc. Theo Đăng, gia đình em có điều kiện về kinh tế nên vấn đề học trường công lập, tư thục, trường quốc tế hay thậm chí du học nước ngoài là điều em không mấy quan tâm. “Vấn đề em suy nghĩ là học ngành gì để khi ra trường có thể tự kinh doanh, tự làm chủ trong tất cả mọi việc”.
ThS. Lê Thị Ngọc Huyên (Trường ĐH Hoa Sen) cho rằng để có thể đứng ra làm chủ một mô hình kinh doanh sản xuất, người đứng đầu phải am hiểu nhiều lĩnh vực: Kinh tế, pháp luật, nhân sự… Do đó, nếu muốn tự kinh doanh, em phải học rất nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực đó. “Một điều rất dễ hiểu khi em là ông chủ của một doanh nghiệp thì điều đầu tiên phải xác định là kinh doanh lĩnh vực gì, luật pháp quy định như thế nào về ngành nghề kinh doanh đó, trong quá trình kinh doanh phải quản lý nhân sự ra sao và điều hành sản xuất thế nào để vừa đảm bảo phát triển lại vừa không vi phạm pháp luật? chăm sóc khách hàng ra sao?… Ngoài ra, một người kinh doanh tốt còn cần phải chú ý đến những vấn đề kỹ thuật của sản phẩm để phục vụ tốt cho khách hàng”, ThS. Lê Thị Ngọc Huyên khẳng định.
Tuy nhiên, ThS. Lê Thị Ngọc Huyên cũng cho rằng, để việc kinh doanh không gặp khó khăn bởi những bỡ ngỡ ban đầu thì người kinh doanh phải bắt đầu từ việc học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình tương tự. “Sau thời gian học tập em nên ứng tuyển vào những công ty cùng chung mô hình tự kinh doanh như mình để đúc rút kinh nghiệm từ thực tế. Theo tôi, em nên trải nghiệm ở nhiều mô hình khác nhau để có cái nhìn tổng quan và bài học kinh nghiệm cho mình về sau”, ThS. Lê Thị Ngọc Huyên nói thêm.
Bài, ảnh: Tường Vi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)