Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cân nhắc việc rút ngắn thời gian học phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh lớp 12 trong giờ học môn địa lý. Ảnh: ANh Khôi
Mới đây, trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã đề nghị rút ngắn thời gian học phổ thông từ 12 năm xuống 11 năm, theo cơ cấu từ 9+3 xuống 9+2.
Lý giải cho quan điểm này, nhiều người cho rằng hướng giáo dục này sẽ tiết kiệm hơn, giúp trẻ vào đời sớm hơn, cung cấp lực lượng lao động đông đảo và nhanh hơn cho xã hội; đồng thời sẽ tác động để chương trình giáo dục phổ thông theo hướng thiết thực hơn, thay vì dạy quá nhiều kiến thức chưa bám sát thực tế… Thực ra ý kiến này không mới. Trước đây đã từng có đề xuất này và cho rằng đó là xu hướng chung của xã hội.
Xét vấn đề này một cách toàn diện e là không đơn giản dừng lại chỉ ở giáo dục, mà có tác động đến nhiều mặt của xã hội. Trước hết, tham khảo giáo dục một số nước, chúng tôi thấy rằng chương trình giáo dục phổ thông 12 năm và kết thúc lúc 18 tuổi là khá phổ biến. Tuổi 18 cũng được nhiều nước coi là tuổi thành niên, có độ chín chắn nhất định để bắt đầu vào đời. Ở Mỹ, tùy theo tiểu bang, nhưng hầu hết trẻ em bắt đầu chương trình giáo dục tiểu học sau khi xong mẫu giáo (thường là 5 hoặc 6 tuổi) và hoàn thành chương trình giáo dục trung học sau khi học xong lớp 12 (thường vào lúc 18 tuổi). Trong một số trường hợp, HS có thể học “nhảy lớp”. Ở Anh, HS kết thúc chương trình trung học thường ở tuổi 16-17; từ 17 đến 21 tuổi là giáo dục tiền HS; giáo dục nghề và giáo dục HS từ 18 tuổi trở lên…
Chúng tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam, so sánh mặt được và chưa được, cần hết sức cân nhắc việc rút ngắn chương trình giáo dục phổ thông xuống 11 năm, vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, chương trình 12 năm là tương đối phù hợp với xu thế chung của thế giới, đảm bảo cung cấp những kiến thức cơ bản để người đến độ tuổi 18 có thể bắt đầu cuộc sống tự lập hoặc học nghề, học ĐH, cả về tâm sinh lý lẫn thể chất. Đồng thời, điều này có thể không “khớp” với giáo dục một số nước, nhất là khi HS Việt Nam đi du học.
Thứ hai, việc rút chương trình xuống 1 năm cũng đồng nghĩa với giảm tải chương trình (lược bỏ một số kiến thức) hoặc thay đổi kết cấu chương trình (giảm môn hoặc lược một số nội dung của các môn, nhất là thực hành, sinh hoạt ngoại khóa…). Như vậy phải xây dựng quan điểm giáo dục mới, xây dựng sách giáo khoa mới…
Thứ ba, giáo dục Việt Nam hiện nay đã bị cho là dạy quá nhiều, cả những điều không thực sự cần thiết, nếu rút bớt 1 năm thì e rằng việc nhồi nhét còn trầm trọng hơn, thậm chí việc học thêm – dạy thêm còn nghiêm trọng hơn bởi thời gian trên lớp chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không đủ tải hết các kiến thức.
Thứ tư,khi người 17 tuổi tốt nghiệp phổ thông thì cũng cần thiết phải tính tới thay đổi các quy định trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân – Gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thanh niên… bởi hiện nay, độ tuổi 18 là tuổi “chuẩn” về thành niên, kết hôn (đối với nữ), thực hiện nghĩa vụ quân sự, miễn tù chung thân và tử hình (đối với người chưa đủ 18 tuổi)… Điều này e là không cần thiết vào lúc này và gây tốn kém nhiều cho xã hội.
Nêu lên một đề xuất thì dễ nhưng việc triển khai đề xuất đó có hiệu quả trên thực tế thì rất khó, thậm chí có thể không mang lại kết quả tích cực một cách toàn diện.
Từ đó cho thấy, nêu lên một đề xuất thì dễ nhưng việc triển khai đề xuất đó có hiệu quả trên thực tế thì rất khó, thậm chí có thể không mang lại kết quả tích cực một cách toàn diện. Với đề xuất này, nếu muốn thực hiện cần thiết có sự khảo sát, nghiên cứu thấu đáo, toàn diện, khoa học. Và trên hết, nó phải phù hợp với một chủ trương lớn về giáo dục hay một triết lý giáo dục chứ không phải chỉ là một biện pháp riêng lẻ đơn thuần.
Tuy nhiên, đề xuất này không nên bỏ qua mà cần có sự tiếp thu một cách hợp lý, vào thời điểm hợp lý. Trong đó, cần thiết xem xét những yếu tố liên quan đến vấn đề này. Chẳng hạn, liệu có thể thay đổi chương trình phổ thông một chút, bằng cách tăng bậc THCS lên 5 năm, để tải những kiến thức cơ bản, còn 2 năm của bậc THPT nên định hướng nghề nghiệp bằng cách để HS chọn các phân ban? Liệu có thể tồn tại song song hệ giáo dục phổ thông 12 năm và hệ giáo dục phổ thông – dạy nghề 9+4 để lấy bằng trung cấp và 9+5 để lấy bằng CĐ nghề? Liệu trở lại tú tài 1 (hết lớp 11) và cho phép có thể chuyển sang học nghề 2 hoặc 3 năm để lấy bằng trung cấp, số học tiếp tú tài 2 (hết lớp 12 và thi tốt nghiệp phổ thông) để vào ĐH? Hay có thể thực hiện điều này vào khoảng 10 năm nữa, nhất là sự trưởng thành của trẻ em Việt Nam có dấu hiệu ngày càng sớm hơn các thế hệ trước, đặc biệt là về mặt thể chất? Thậm chí, liệu có thể hạ tuổi vào lớp 1 từ 6 tuổi xuống còn 5 tuổi, bởi thực tế hiện nay trẻ 5 tuổi đã bắt đầu học chữ rồi?…
ThS. Nguyễn Minh Hải
Đặc cách cho HS “nhảy lớp”
Để tránh “cào bằng” trong giáo dục và nhằm phát hiện, bồi dưỡng các nhân tài, cần thiết thực hiện rộng rãi hơn việc đặc cách cho một số trẻ 5 tuổi vào học lớp 1, cho phép “nhảy lớp” với những HS thực sự xuất sắc và vượt qua được các kỳ thi sát hạch. Trên thực tế, với những HS này, kéo dài thời gian học như các HS khác có thể không cần thiết và gây thiệt thòi cho bản thân các em đó, cũng như giảm cơ hội phát huy năng lực đặc biệt cho xã hội. Tức là, nên “mở” với những ai thực sự có năng lực, chứ đừng “đóng” với tất cả mọi người.
 
 

Bình luận (0)