Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Cân nhắc với các chính sách riêng trong ưu tiên xét tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Trong phương thức ưu tiên xét tuyển, từng trường ĐH lại có những chính sách riêng mang tính ràng buộc để thu hút thí sinh cũng như lọc thí sinh ảo vào trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đứng trước những chính sách này, người học cần cân nhắc dựa trên các yếu tố nguyện vọng học tập tại trường, nắm rõ thông tin về môi trường học tập, ngành học, mức học phí…

Học sinh Trường THPT Võ Trường Toản trao đổi với chuyên gia tư vấn xung quanh thông tin tuyển sinh năm nay

Thông tin đáng chú ý trên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm 2020 vừa diễn ra tại nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Cừ, Võ Trường Toản… Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

“Níu chân” thí sinh bằng hình thức giữ chỗ

Mùa tuyển sinh năm 2020, Trường ĐH FPT triển khai thêm phương thức xét tuyển ưu tiên dành cho những thí sinh đóng phí giữ chỗ học tại trường. Theo đó, thí sinh khi nộp hồ sơ xét tuyển vào trường qua hình thức xét tuyển học bạ nên cân nhắc đóng phí giữ chỗ học, với mức phí giữ chỗ là 4,6 triệu đồng. Mức phí giữ chỗ này sẽ được chuyển thành tiền học phí đối với những trường hợp thí sinh nhập học chính thức; được hoàn trả trong trường hợp thí sinh không đủ điều kiện học tập (rớt tốt nghiệp THPT). Tuy nhiên, sẽ không được hoàn trả nếu thí sinh đủ điều kiện nhưng không nhập học.

Chia sẻ rõ hơn về hình thức đóng phí giữ chỗ, bà Nguyễn Thị Tú Loan (Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH FPT) cho biết năm nay là năm đầu tiên trường triển khai chính sách này. Đây chỉ là hình thức giúp trường “ràng buộc trách nhiệm của thí sinh”. Việc đóng phí giữ chỗ học trường cũng không ép buộc thí sinh mà chỉ lưu ý thí sinh cân nhắc xem nguyện vọng theo học của bản thân tại trường để đóng. “Năm 2020, trường cởi mở hơn về quy chế xét tuyển. Do vậy, cùng với sự đa dạng về các phương thức tuyển sinh của các trường ĐH, thí sinh sẽ cùng lúc nộp nhiều hồ sơ vào nhiều trường khác nhau. Việc đóng phí giữ chỗ là một cách để trường hạn chế bớt thí sinh ảo, ưu tiên thí sinh thực sự có nguyện vọng học tập tại trường”, bà Loan nói.

Năm 2020, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng áp dụng hình thức ưu tiên thí sinh “giữ chỗ”. Tuy nhiên, không phải là “giữ chỗ” bằng hình thức đóng phí đặt cọc mà “giữ chỗ” qua việc đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển sớm. “Trường khuyến khích thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển qua hình thức trực tuyến hay trực tiếp tại trường bằng hình thức xét học bạ. Với phương thức này, trường nhận hồ sơ qua nhiều đợt, kéo dài từ đầu tháng 4 cho đến hết ngày 18-10. Thí sinh nộp hồ sơ càng sớm thì càng có cơ hội trúng tuyển cao. Thí sinh có thể bổ sung bản sao học bạ và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời sau khi nhập học”, ThS. Đặng Thế Hiệp (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) chia sẻ.

Không riêng gì Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, hầu hết các trường ĐH ngoài công lập khi tuyển sinh bằng phương thức học bạ đều áp dụng nhiều đợt tuyển sinh, đồng thời luôn khuyến khích thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển sớm. Nếu có mong muốn học tập tại trường, người học cũng nên cân nhắc việc nộp hồ sơ càng sớm thì càng tăng cơ hội trúng tuyển.

Riêng với hình thức ưu tiên thí sinh trúng tuyển qua việc đóng phí giữ chỗ học tại Trường ĐH FPT, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng người học phải hết sức cân nhắc, nếu thực sự có mong muốn học tập tại trường, với ngành học đó thì mới nên thực hiện. “Luật giáo dục ĐH không hề có quy định các trường không được làm điều này. Việc đóng phí giữ chỗ được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa thí sinh và nhà trường. Yêu cầu đóng phí giữ chỗ là cách để nhà trường lọc thí sinh ảo. Do đó, nếu thí sinh có mong muốn theo học, hiểu về môi trường học tập, mức học phí tại trường, tính toán về mặt tài chính gia đình đủ để theo thì thực hiện, còn nếu không biết chắc thì chưa nóng vội”, ông Nghĩa khuyên.

Ngành học không “dễ” như tên gọi

Đây là lời khuyên được nhiều chuyên gia nhắn nhủ đến các em học sinh lớp 12. Theo đó, các chuyên gia cho rằng hiện tại thí sinh có xu hướng chọn học những ngành “nghe xuôi tai”, những ngành học “hot”. Tuy nhiên, việc chọn ngành học như thế không chỉ gây ra những hệ luỵ về công việc mà trước hết sẽ gây ra những hệ lụy trong việc học của thí sinh. “Bất cứ ngành học nào khi lựa chọn các em cũng phải suy nghĩ thật nghiêm túc về ngành học đó. Tìm hiểu thêm về những yếu tố xung quanh của ngành học như tố chất ngành nghề, những khó khăn khi theo nghề xem có phù hợp với bản thân”, ThS. Trần Thị Mộng Loan (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) nhấn mạnh. Cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Tú Loan cho hay, CNTT là một trong những ngành học hàng năm tỷ lệ sinh viên đổi ngành học khá cao. Ngành an toàn thông tin cần tư duy logic cao và kiến thức toán khó chứ không dễ như cái tên của nó. Do vậy, thí sinh cần phải đặc biệt cân nhắc, tìm hiểu từ thực tế xung quanh mình trước khi quyết định theo học ngành nào. “Các em sẽ còn một cơ hội điều chỉnh nguyện vọng nữa sau khi đã biết điểm thi tốt nghiệp. Vì vậy, một lần nữa hãy tìm hiểu thật kỹ về ngành học mình đăng ký”, bà Loan lưu ý.

Chuyên gia giải đáp thông tin ngành nghề đào tạo cho học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến

Năm 2020, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM mở thêm ngành học mới là kiến trúc, tuyển sinh 40 chỉ tiêu. Tuy nhiên, ThS. Trần Phong Nhã (Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường) cho hay, khác với ngành kiến trúc ở các trường ĐH khác, mảng kiến trúc của trường thiên về đặc thù dành cho các công trình giao thông và dân dụng. Môn vẽ sẽ xét từ điểm thi vẽ của các trường ĐH khác chứ trường không tổ chức thi vẽ.

Trước băn khoăn của các em học sinh rằng hiện nay ngành quản trị kinh doanh đang rất “hot”, liệu sau 4 năm nữa ngành này có bão hòa, dư thừa nguồn nhân lực? Trả lời vấn đề này, ThS. Đặng Thế Hiệp khẳng định, quản trị kinh doanh là ngành học rất rộng, bao quát ở nhiều lĩnh vực chứ không hẳn là lĩnh vực kinh doanh. Khi theo học ngành học này, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng từ tiếp thị, tâm lý, tài chính, kế toán, quản trị, quản trị nhân sự… Tùy theo năng lực, người học có thể làm những công việc khác nhau, từ khởi nghiệp cho đến làm việc ở các công ty, doanh nghiệp…

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)