Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cân nhắc với đề xuất tăng – giảm thuế mặt hàng thép

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét kỹ đề xuất tăng thuế xuất khẩu với phôi thép, giảm thuế nhập khẩu một số thành phẩm thép trong bối cảnh hiện nay…
Trước tình trạng giá thép tăng "phi mã" thời gian qua, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép, giảm thuế nhập khẩu một số loại sắt thép.
Tránh tác động đến sản xuất
Từ cuối năm 2020, giá thép điều chỉnh mạnh và kéo dài sang những tháng đầu năm 2021, tăng 40%-50% so với cùng kỳ 2020. Việc giá thép tăng cao bất thường buộc Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan có biện pháp chặn đà tăng mặt hàng này, tránh tác động tiêu cực tới các ngành sản xuất khác trong nước.
Cân nhắc với đề xuất tăng - giảm thuế mặt hàng thép - Ảnh 1.
Việc điều chỉnh thuế suất đối với sản phẩm thép có thể ảnh hưởng đến sản xuất thép trong nước 

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng mạnh thời gian qua chủ yếu do tăng giá nguyên liệu sản xuất thép và ngành thép phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Cơ quan này nhấn mạnh việc giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công; ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất.
Để góp phần giảm giá mặt bằng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) của một số loại sắt thép. Đối với thuế xuất khẩu, bộ này đề xuất tăng thuế suất mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%. Phương án này góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường, hạn chế xuất khẩu, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn. Bên cạnh đó, để giúp giảm giá thép nguyên liệu đầu vào, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng thép đang chịu mức 15% hiện hành xuống 10%, mặt hàng thép có mức thuế 20% và 25% giảm xuống 15%.
Cân nhắc thời điểm áp dụng
Trước đề xuất của Bộ Tài chính, trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết quan điểm của VSA là vẫn giữ nguyên mức thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép như hiện hành để thúc đẩy xuất khẩu. Cần cân nhắc nhu cầu trong nước các thời điểm, bởi hiện nay, nhu cầu sản xuất thép trong nước đang bị chậm lại, tất cả lĩnh vực đang ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trong văn bản vừa gửi Bộ Tài chính, VSA và các nhà sản xuất thép kiến nghị không điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và không giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép thành phẩm. VSA cho rằng đề xuất này chưa phù hợp với thực trạng ngành sản xuất thép trong nước hiện nay. Theo VSA, đợt dịch thứ 4 từ cuối tháng 4-2021 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ. Vì vậy, công tác xây dựng cơ bản từ công nghiệp đến dân dụng đều ngưng trệ, tình hình tiêu thụ thép trong nước đã giảm mạnh, giá thép thành phẩm trong nước tháng 6-2021 đã giảm 20% so với tháng 5 và chỉ tăng 1% so với cùng kỳ 2020.
Mặt khác, VSA cho biết xuất khẩu thép hiện tại là hướng mở rộng thị trường để tiếp tục duy trì sản xuất – kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, mang lại nguồn thu cho DN. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ ngành thép gia tăng trên toàn thế giới để bảo vệ sản xuất thép trong nước. Ngành thép đang từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại hóa để cải thiện sức cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thép trong nước sẽ làm thép từ bên ngoài tràn vào, đe dọa hoạt động sản xuất của các DN trong nước vốn đang rất khó khăn.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đề xuất về thuế như trên của Bộ Tài chính được xem là một biện pháp phòng ngừa từ xa sau đợt tăng mạnh giá thép vừa qua. Theo ông Long, về nguyên lý thì biện pháp này phù hợp nhưng xét về bối cảnh, cung cầu thị trường là chưa hợp lý. "Ở trong nước, so với nhu cầu sản xuất thép hiện nay thì lượng phôi đang dư, do vậy phải xuất khẩu, không thể để ứ đọng nguồn cung quá mức nhưng tăng thuế xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến DN" – ông Long phân tích.
Theo ông Ngô Trí Long, đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép thành phẩm cần được tính toán cẩn trọng để vừa góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững vừa bình ổn thị trường thép nội địa.
Đại diện một DN sản xuất thép cho rằng giá thép trong khoảng 1 tháng qua đã hạ nhiệt, thị trường bình ổn trở lại nhưng do tác động kéo dài của dịch Covid-19, việc bán hàng gặp không ít khó khăn, lượng cầu giảm, tồn kho tăng. Trong bối cảnh này, DN buộc phải cắt giảm công suất, cho nên việc đề xuất tăng thuế suất xuất khẩu đối với phôi thép là chưa phù hợp, nên cân nhắc về tính thời điểm.
Về phía quản lý, Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng làm giảm thu ngân sách nhà nước trong khi mức ảnh hưởng thì, theo dự báo, là không lớn do nhu cầu nhập khẩu các loại sắt thép này hiện nay không cao. Đây là những loại thép mà trong nước cũng đã sản xuất được và cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
Dù vậy, việc điều chỉnh này sẽ thúc đẩy DN trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm thép nhập khẩu, thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững.
MINH CHIẾN (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)