Lễ chào cờ “cải tiến” ở Trung tâm GDTX quận 3, trong đó phần nghi lễ, hành chính diễn ra ngắn gọn, phần sinh hoạt và giải trí theo chủ đề do học sinh các lớp tự tổ chức, dàn dựng, điều khiển là một sáng kiến hay, có tác dụng tích cực và ý nghĩa thiết thực rất cần được phổ biến nhân rộng. Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ “cải tiến” này, học sinh của trung tâm không còn thụ động ngồi nghe các thầy cô “độc thoại” mà đã được tham gia một cách chủ động, tích cực vào buổi sinh hoạt với các hình thức và cách thể hiện thật sinh động, hấp dẫn và bổ ích. Trong điều kiện học sinh của chúng ta hiện còn rất thiếu các sân chơi lành mạnh, thiếu hụt các kỹ năng sống, lễ chào cờ “cải tiến” ở Trung tâm GDTX quận 3 đã khai thác và phát huy được những khả năng, những mặt tích cực tiềm ẩn trong mỗi cá nhân học sinh cũng như định hướng cho các em những cảm xúc, những giá trị tích cực của cuộc sống… Do đó, Sở GD-ĐT TP.HCM và Bộ GD-ĐT cần quan tâm khuyến khích, tuyên truyền phổ biến và nhân rộng mô hình này cho các trường học khác trong TP và trên khắp cả nước. Ban Chấp hành Đoàn, Đội ở các trường dưới sự chỉ đạo của ban giám hiệu sẽ là lực lượng nòng cốt gợi ý, tư vấn, định hướng cho học sinh các lớp trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh các chủ đề có ý nghĩa chính trị như: Các ngày kỷ niệm của đất nước, tình yêu Tổ quốc, biển đảo quê hương…, các chủ đề của lễ chào cờ cũng nên hướng tới việc giáo dục học sinh các kỹ năng sống, đặc biệt trong các vấn đề “nóng” của nhà trường và xã hội như: Bạo lực học đường, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tình yêu tuổi học trò… Qua đó giúp các em nhận thức được các chân giá trị của cuộc sống: Sự cống hiến, sự hi sinh, lòng trung thực, tình bạn, tình yêu… một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Hình thức tổ chức và cách thực hiện cũng nên đa dạng và phong phú để mọi học sinh có thể tham gia tùy theo khả năng của mình. Ngoài đàn hát, diễn kịch, tấu hài, có thể tổ chức thi sáng tác các bài hát, đọc rap, làm thơ, làm phim ngắn… có ý nghĩa định hướng giáo dục, phục vụ cho chủ đề. Với nội dung phong phú và hình thức thể hiện đa dạng như vậy, lễ chào cờ “cải tiến” chắc chắn sẽ là sân chơi bổ ích, hấp dẫn thu hút học sinh tham gia; là nơi để các em có khả năng, năng khiếu trong các lĩnh vực được thể hiện mình theo định hướng giáo dục tích cực. Đây cũng là mô hình có thể kết hợp việc giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh rất thiết thực, hiệu quả. Nếu được nhân rộng và phát triển đúng cách, mô hình này sẽ góp phần không nhỏ trong việc giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh, giúp giảm thiểu bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội khác trong trường học.
Nguyễn Thị Dung
(Trường CĐ Công thương TP.HCM)
Bình luận (0)