Từ kết quả số lượng heo được đeo vòng truy xuất chỉ đạt khoảng 34% vào thời điểm TP.HCM chính thức áp dụng quy định thịt heo vào chợ đầu mối phải có thông tin truy xuất nguồn gốc từ ngày 31-7, cơ quan chức năng của TP.HCM cũng như Đồng Nai đều có chung đề xuất nên thực hiện truy xuất nguồn gốc đều khắp tại các tỉnh, nhằm góp phần đảm bảo chất lượng thịt cũng như sự công bằng cho người chăn nuôi.
Lực lượng chức năng đề xuất nhân rộng mô hình “đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo” ra các địa phương nhằm đảm bảo chất lượng thịt cũng như mang lại sự công bằng cho người chăn nuôi |
Vẫn còn bất cập từ giá vòng đeo
Mục đích của Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” do TP.HCM và Đồng Nai phối hợp thực hiện là nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi, hạn chế thịt kém chất lượng vào địa bàn thành phố. Theo ông Trần Văn Quang (Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai), vì heo trên địa bàn tỉnh chủ yếu cung ứng cho thị trường TP.HCM, nên thương lái và người dân địa phương muốn bán heo cho thành phố thì phải tuân thủ quy định đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho heo. Ưu điểm của đề án này vừa tạo thuận lợi hơn cho nhà nước trong việc quản lý về vấn đề an toàn thực phẩm, đồng thời cũng góp phần xây dựng ý thức cho người chăn nuôi. Vì với quy định truy xuất nguồn gốc, các hộ sẽ không thể sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như đã cam kết. Qua đó cho thấy, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ chú trọng vào khâu kiểm tra, kiểm soát trên thị trường, mà còn tập trung sâu vào cả khâu sản xuất.
Từ việc ủng hộ đề án này, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã mở các lớp tập huấn ở các xã và hướng dẫn cách đăng ký và thực hiện đeo vòng vòng truy xuất nguồn gốc cho heo. Theo đó, mỗi trang trại, cơ sở chăn nuôi sẽ được cấp một tài khoản riêng (gồm thông tin về tên trang trại, thời gian, địa điểm xuất bán, số lượng heo xuất bán…). Trước khi xuất chuồng, vòng nhận diện (còn gọi là vòng truy xuất nguồn gốc) phải được kích hoạt và cột vào chân heo nhằm giúp khách hàng có thể truy xuất thông tin. Đây là loại vòng do hệ thống Tefood cung cấp, có mã QR Code, có khóa chốt an toàn không thể tháo ra được. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích các hộ chăn nuôi tham gia đề án, lực lượng chức năng còn hỗ trợ 50% kinh phí đeo vòng cho heo cho mỗi gia đình. Nhờ vậy mà chỉ trong tháng đầu tiên thực hiện, toàn tỉnh đã có 350 trang trại lớn đăng ký tham gia đề án và 60.000 con heo sống đeo vòng truy xuất được tiêu thụ vào các chợ đầu mối của TP.HCM là Hóc Môn, Bình Điền. Tính đến cuối tháng 6 đã có khoảng 1.300 trang trại tham gia đề án. Tuy nhiên, cái khó lúc này là mỗi trang trại có hàng trăm cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hàng chục cơ sở giết mổ, hàng trăm tiểu thương, thương nhân kinh doanh, nên việc kiểm soát thực hiện bị quá tải. Bên cạnh đó, cũng vẫn còn tình trạng những hộ không tham gia đề án vì lo chi phí tăng khi giá heo giảm sút, hoặc cũng có những trường hợp khai báo thông tin sơ sài, chỉ đeo vòng mà không kích hoạt vòng vì cốt yếu chỉ mang tính đối phó gây khó khăn cho công tác truy xuất.
Bên cạnh đó, bất cập về chính sách hỗ trợ giá vòng đeo truy xuất cũng là nguyên nhân gây bức xúc cho người nuôi, vì thực tế TP.HCM đã và đang có chính sách giảm 50% chi phí vòng đeo cho heo để hỗ trợ người chăn nuôi. Nghĩa là người chăn nuôi đáng lẽ chỉ tốn 3.000 đồng tiền phí mua vòng đeo, nhưng muốn mua được thì họ phải lên đến Sở Công thương TP.HCM để mua. Chính điều bất tiện này khiến các trang trại hoặc các hộ chăn nuôi đều phải mua từ thương lái theo giá “chợ đen”. Trường hợp của ông Lê Văn Vọng, chủ trại heo ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) là một ví dụ. Vì có đợt ông vừa phải bán lỗ vốn 120 con heo với giá 24.000 đồng/kg hơi, vừa bị thương lái trừ mất 10 ngàn đồng chi phí vòng đeo. Tuy là có bức xúc nhưng vì người nuôi luôn cần đến thương lái nên ông Vọng đành ngậm bồ hòn cho qua.
Có thể nói, bên cạnh những bất cập trên, thì việc thực hiện truy xuất nguồn gốc chưa đều khắp ở các địa phương là nguyên nhân dẫn đến kết quả truy xuất đạt tỷ lệ thấp. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa (Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM), trước tình hình này, thành phố đang rất cần đến sự hợp tác của các địa phương, vì hiện nay TP.HCM có đến 85% sản lượng thịt heo được cung ứng từ các tỉnh.
Nên thực hiện trên diện rộng để đảm bảo chất lượng và tính công bằng
Theo anh Nguyễn Hồng Phong ở xã Gia Kiệm (Đồng Nai), việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ là hợp lý, nhằm tránh tình trạng bất công giữa người chăn nuôi heo chân chính, và người nuôi heo không tuân thủ quy trình sản xuất sạch. Đó là lý do mà mỗi tháng xuất bán từ 100 đến 120 con heo, anh Phong vẫn mạnh dạn chi khoảng 800-1.000.000đ cho chi phí đeo vòng truy xuất nguồn gốc.
Nhằm góp phần thực hiện tốt đề án trong thời gian sắp tới, ông Nguyễn Ngọc Hòa (Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM) cho biết, bên cạnh việc tăng cường giám sát và xử lý những trường hợp đối phó trong công tác thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo, ban quản lý đề án đã triển khai việc dán tem truy xuất tại 146 gian hàng của Vissan, 23 chợ truyền thống nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã gửi thông báo về thời điểm chính thức áp dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo đến các tỉnh có nguồn cung thịt heo lớn cho thị trường TP.HCM . Điều đáng mừng là lãnh đạo các địa phương đều ủng hộ và chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực phối hợp thực hiện. |
Tuy nhiên, theo đề xuất của một số hộ chăn nuôi ở thủ phủ heo Đồng Nai, cơ quan chức năng nên kết hợp với địa phương nhằm cung ứng vòng truy xuất nguồn gốc trực tiếp cho người chăn nuôi, tránh bán cho thương lái như hiện nay. Như vậy sẽ tránh được tình trạng thương lái ép giá bán heo của người chăn nuôi khi heo dội chợ.
Nhằm thực hiện đề án tốt hơn, ông Nguyễn Trí Công (Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai) đề xuất các cơ quan chức năng cần nhân rộng việc thực hiện đề án ở tất cả các địa phương. Đồng thời, ông cũng khuyến khích người tiêu dùng nên ủng hộ người chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt heo an toàn, không nên mua hoặc sử dụng các sản phẩm thịt trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)