Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cần nhiều giải pháp để nâng giá cá tra xuất khẩu

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, tại Hội nghị doanh nghiệp chế biến và XK cá tra năm 2010 được tổ chức tại Tp Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã đưa ra 4 nhóm giải pháp phát triển “con cá tra” trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lương Lê Phương đã đến dự và ông cũng ủng hộ 4 nhóm giải pháp này.

Hầu hết các DN đều đồng thuận nâng mặt bằng giá cá tra xuất khẩu (XK) trong thời điểm này, tuy nhiên về lâu về dài cần giải quyết vấn đề quy hoạch ngành cá tra Việt Nam để ngành này phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Trước cuộc họp mở rộng, 20 DN xuất khẩu cá tra hàng đầu, chiếm khoảng 60% thị phần, đã nhóm họp cũng đã thống nhất 4 nhóm giải pháp cơ bản này.

 

Tăng giá xuất khẩu trung bình

Ông Dương Ngọc Minh- Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP khẳng định, đây là thời điểm thích hợp để lập lại trật tự cho cá tra Việt Nam vì trước đó cá tra phát triển quá “nóng” cùng với khủng hoảng thị trường. Thời điểm này sản lượng cá tra nguyên liệu đã “cạn” dần, lượng hàng dự trữ của các nhà nhập khẩu tại thị trường nước ngoài cũng đã hết. Vì vậy, giá cá tra XK đã được chào bán tăng ở hầu hết các thị trường trong vòng 10 ngày nay.

Mỗi thị trường cần một lượng cầu nhất định do đó khi cung vượt cầu tất yếu giá phải giảm. Khi một thị trường mới mở ra, các DN tranh nhau XK và xảy ra việc cạnh tranh nhau để giành thị phần bằng cách hạ giá bán kéo theo chất lượng giảm. Hậu quả, giá XK trung bình liên tục giảm trong khi giá đầu vào tăng. Không có lãi, người nuôi dần bỏ ao gây thiếu hụt nguyên liệu, ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành nuôi cá tra và DN xuất khẩu. Giá XK trung bình liên tục giảm còn là cái “cớ” để một số nước lên chiến dịch bôi xấu, kiện chống bán phá giá.
Trong 3 năm qua, mặc dù khối lượng XK tăng không đáng kể nhưng giá XK giảm. Tại thị trường châu Âu, giá cá xuất khẩu vào các nước chênh lệch rất lớn. Ba thị trường nhập khẩu (NK) chính là Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức chiếm hơn 55% thị phần nhưng lại có giá trung bình chênh lệch đến 0,30- 0,4USD/Kg. Còn thị trường Mỹ giá NK trung bình cũng liên tiếp giảm 6% mỗi năm trong khi khối lượng lại tăng đáng kể.
Để giải quyết vấn đề này, DN xuất khẩu cá tra đề nghị cần thiết lập và định hướng giá sàn XK cho cá tra bắt đầu từ năm 2011. Theo đó, các DN phải đăng ký XK vào nhóm thị trường cụ thể theo giá sàn của VASEP và cam kết tuân thủ thỏa thuận về giá sàn, trước mắt áp dụng cho mặt hàng philê cá tra đối với các nhóm thị trường EU, Mỹ và Trung Đông (bao gồm Ai Cập), sau đó tùy tình hình các DN có thể quyết định mở rộng hoặc không cho các nhóm thị trường khác.
Định kỳ 3 tháng hoặc có thể đột xuất, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP triệu tập cuộc họp với sự tham gia của 20 20 DN xuất khẩu nhiều nhất và đại diện NAFIQAD để xem xét công bố mức giá sàn và rà soát các trường hợp bán dưới giá sàn để lập danh sách trình Bộ NNN & PTNT thông báo rộng rãi trong cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp DN vẫn tiếp tục bán dưới giá sàn sẽ đề nghị NAFIQAD tạm ngưng cấp chứng thư XK có thời hạn.
 

Ổn định sản lượng nguyên liệu- cân đối cung cầu

Ngành sản xuất cá tra những năm qua đã phát triển nhanh chóng với sự “bùng nổ” các nhà máy chế biến cùng sự gia tăng đáng kể trong nuôi trồng. XK cá tra đã vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD, chiếm trên 30% tỷ trọng XK, tuy nhiên khi đạt đến con số 600.000 tấn thì vấn đề mất cân đối cung cầu, tình trạng tranh giành thị phần bắt đầu diễn ra gay gắt.

Để ổn định sản lượng nguyên liệu, hội nghị đề xuất Bộ NN&PTNT quy hoạch và ổn định khối lượng XK cá tra khoảng 1 triệu tấn trong vòng 3 năm nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, người nuôi có lãi để tiếp tục đầu tư, các DN có thể bán cao hơn giá sàn thông qua hoạt động cạnh tranh chất lượng thay vì cạnh tranh giá như hiện nay. Ngoài ra, kiến nghị Bộ nghiên cứu và có các chính sách phù hợp trong quy hoạch vùng nuôi, định hướng sản lượng nguyên liệu hàng năm và phân bổ sản lượng cho các địa phương theo khả năng kiểm soát sản lượng, áp dụng tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn, chứng nhận quốc tế…, các địa phương áp dụng cấp chứng nhận thu hoạch cho sản lượng cá tra nguyên liệu XK để kiểm soát sản lượng hàng năm và tránh việc người nuôi ồ ạt tự phát nuôi trở lại khi thấy giá cá tăng .
Bản thân DN chỉ XK các sản phẩm có chứng nhận thu hoạch và tăng cường liên kết với người nuôi nhằm hỗ trợ người nuôi trong việc cải thiện chất lượng nguyên liệu, kiểm soát và chứng nhận vùng nuôi an toàn, cũng như phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng. Các quy định này sẽ giúp kiểm soát sản lượng nuôi, quy hoạch vùng nuôi một cách khoa học và tránh tình trạng nuôi tự phát làm cho nguyên liệu lúc thiếu lúc thừa, góp phần vào việc truy xuất nguồn gốc.
Tăng cường quản lý chất lượng
Về tên gọi thương mại thống nhất ghi trên bao bì là Pangasius. Riêng với thị trường Mỹ do phải theo quy định của FDA nên có thể sử dụng hai tên gọi là Pangasius hoặc Swai và có thể là Basa. VASEP đề nghị các DN tuân thủ quy định về mức mạ băng tối đa của các thị trường cũng như của Việt Nam là 20%. Bên cạnh đó, cần xem xét việc mạ băng cả ở khía cạnh bảo quản lẫn gian lận thương mại.
Ngoài ra, về lâu dài cần thống nhất chuyển dần việc mua bán sang dạng sản phẩm “không hóa chất” thay vì chào hàng song song cả hai loại sản phẩm “có hóa chất” và “không hóa chất”. Trước mắt hội nghị thống nhất khi tính giá sàn XK sẽ áp dụng mức độ tăng trọng tối đa là 12% trên khối lượng tịnh của cá như một biện pháp nhằm hạn chế việc lạm dụng hóa chất để tăng trọng gây ảnh hưởng đến hình ảnh và giá trị của cá tra Việt Nam.
Bên cạnh các công ty chế biến và XK cá tra là sự tồn tại song song của các công ty thương mại tham gia vào hoạt động XK cá tra. Nhiều công ty thương mại đã tham gia tích cực vào việc mở rộng thị trường, gia tăng doanh số XK và tạo được uy tín trên thị trường. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn nhiều đơn vị thương mại thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, chỉ tập trung khai thác các lợi thế ngắn hạn như giảm chất lượng, tăng trọng cao, mạ băng nhiều để hạ giá bán giành thị phần, ít nhiều làm ảnh hưởng đến các DN làm ăn tốt.

Để tạo sự lành mạnh và công bằng trong môi trường kinh doanh, các DN cá tra cho rằng, các công ty thương mại muốn mua bán, gia công thành phẩm và tự XK sẽ đăng ký tham gia XK cá tra với cơ quan quản lý chất lượng trên nguyên tắc: Phải có hợp đồng gia công dài hạn ít nhất là 6 tháng với các nhà máy đủ điều kiện và đăng ký danh sách các cơ sở này với cơ quan kiểm tra chất lượng. Có bộ phận kiểm tra chất lượng (KCS) chuyên nghiệp tương ứng với năng lực gia công và đăng ký trước danh sách với cơ quan chất lượng. Cam kết chỉ gia công chế biến sản phẩm tại các nhà máy đủ điều kiện đã đăng ký, không tổ chức sơ chế bên ngoài rồi thực hiện công đoạn cuối tại nhà máy, cam kết XK theo giá sàn. Trên cơ sở đó cơ quan quản lý chất lượng công nhận đủ điều kiện để tiến hành kiểm tra hàng hóa và cấp chứng nhận chất lượng XK.

Trong trường hợp các công ty thương mại mua thành phẩm theo phương thức đặt hàng hoặc hàng tồn kho thì công ty thương mại phải trực tiếp đăng ký kiểm tra chất lượng lô hàng chứ không phải là nhà máy và phải nộp bản sao có dấu sao y của nhà máy hợp đồng mua bán trong nước đi kèm lô hàng khi đăng ký xin cấp chứng nhận chất lượng XK làm cơ sở để thể hiện cả tên nhà XK và nhà cung cấp trên cùng chứng thư, chứng nhận chất lượng.
Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại
Để thực hiện các hoạt động PR quốc tế chuyên nghiệp, liên tục, lâu dài và hiệu quả cần có nguồn tài chính khá lớn và ổn định. Đề nghị thành lập “Quỹ phát triển XK cá tra Việt Nam ” do các DN cá tra đóng góp dựa trên khối lượng XK và Hội Đồng quản lý Quỹ với các thành viên là giám đốc của 20 DN XK hàng đầu. Quỹ được điều hành trên cơ sở Quy chế hoạt động của Quỹ.
Đề xuất các DN sẽ trích 2USD/tấn cá XK đóng góp vào Quỹ. Các khoản chi của Quỹ chỉ dành cho các dự án phát triển XK cá tra theo phê duyệt của Hội đồng quản lý Quỹ cho từng dự án, không chi cho các chi phí hành chính của văn phòng hoặc các khoản chi thường xuyên khác
Nguồn NOIT

Bình luận (0)