Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cần nhiều phim truyền hình cho giới trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Phim truyền hình hiện nay khai thác đa dạng các nội dung về tình cảm gia đình, song còn ít phim về người trẻ trong hành trình trưởng thành, lập nghiệp

Phim về chủ đề giới trẻ trên màn ảnh nhỏ gần nhất là "Lối nhỏ vào đời" do Nguyễn Đức Hiếu và Lê Đỗ Ngọc Linh làm đạo diễn. Tập cuối của phim phát sóng trên VTV1 vào ngày 15-7.

Có sức hút riêng

Nội dung "Lối nhỏ vào đời" kể về Dũng (Tạ Hoàng Long đóng) là học sinh cấp III, thiếu sự quan tâm từ cha là ông Hoàng (Phan Anh). Ông Thành (NSND Bùi Bài Bình) 60 tuổi, làm nghề xe ôm để giảm bớt cảm giác lạnh nhạt từ vợ chồng con trai.

Hai người thuộc thế hệ khác nhau nhưng từ mối quan hệ "khách hàng và ông xe ôm" đã dần trở thành bạn do cùng hoàn cảnh thiếu thốn tình thân. Phim khai thác hành trình trưởng thành của Dũng, bên cạnh những tình huống vui nhộn, hài hước còn mang đến các thông điệp đầy tính nhân văn. Mối quan hệ gia đình, bạn bè, tình yêu… được tạo dựng chân thật xoay quanh nhân vật chính với những vấn đề của tuổi vào đời.

Phim có được lượng khán giả theo dõi và nhận nhiều bình luận từ các trang phim, diễn đàn. Những phản hồi tích cực tập trung vào chuyện phim, nhất là ở phần đầu nhưng như nhiều tác phẩm truyền hình khác, "Lối nhỏ vào đời" có phần kết chưa được lòng khán giả. Họ cho rằng phim còn nhiều nút thắt chưa được xử lý tốt, một số nhân vật chưa rõ ràng số phận thế nào và nhận định là "đầu voi đuôi chuột". Dẫu vậy, tác phẩm vẫn có sức hút riêng khi khai thác về giới trẻ ở góc độ khoảng cách thế hệ, hành trình trưởng thành.

Trước đó, phim "Lối về miền hoa" do Vũ Minh Trí đạo diễn cũng là câu chuyện về người trẻ. Tác phẩm kể về Lợi (Trọng Lân) cùng 2 người bạn là Linh Béo (Lâm Đức Anh) và Bão (Mạnh Quân) cùng lớn lên ở một làng hoa ven đô. Lợi sống bằng nghề buôn hoa, lấy hoa từ làng rồi đem bán cho các cửa hàng trong tỉnh.

Phim khéo léo đan xen sự hài hước cùng câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ, hành trình trưởng thành, tạo sức hút với khán giả. Họ nhận xét: "Phim hay, không lan man, tôi vô cùng thích và mong có được nhiều phim về giới trẻ như thế", "Mỗi tập rất thú vị dù nội dung đơn giản, không quá kịch tính với các tình huống bi thương như một số phim truyền hình gần đây".

Năm 2021, phim "11 tháng 5 ngày" do Nguyễn Đức Hiếu và Lê Đỗ Ngọc Linh đạo diễn cũng từng nhận được lời khen ngợi từ khán giả. Câu chuyện của nữ chính Tuệ Nghi (Khả Ngân) chinh phục được nhiều khán giả trẻ với lời nhận xét là dễ thương, cuốn hút, bắt kịp xu hướng hiện đại. Phần diễn xuất tốt của các diễn viên cũng mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.

Cần nhiều phim truyền hình cho giới trẻ - Ảnh 1.

Phim “Lối nhỏ vào đời”. Ảnh chụp từ màn hình

Theo nhận định của người trong giới, chủ đề về giới trẻ thời gian qua ít được khai thác là vì nhà sản xuất không mặn mà. Với họ, tác phẩm an toàn, phù hợp thị hiếu khán giả là những bi kịch tình yêu, mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, ngoại tình, người thứ ba… vì dễ tạo nên câu chuyện kịch tính, gây sốc và thu hút sự chú ý hơn. Phim về giới trẻ sẽ rất khó để gây sốc, tạo bi kịch tương tự mà không lấn át màu sắc tươi vui, thông điệp tích cực cần thiết.

"Dàn diễn viên trẻ hiện nay chưa có được cái tên nổi bật về diễn xuất đủ để tạo ấn tượng với khán giả. Nhà sản xuất phải tìm kiếm dàn bao là các diễn viên gạo cội để hỗ trợ. Song cũng vì vậy mà không ít phim về giới trẻ nhưng nhân vật chính lại mờ nhạt, khán giả bị thu hút bởi dàn diễn viên gạo cội do diễn xuất tốt" – nhà biên kịch Kim Ngọc nhận xét.

Tuy nhiên, theo nhà biên kịch Kim Ngọc, ngoài những khó khăn trên, hiện nay phim về giới trẻ bắt đầu cho thấy nhiều tiềm năng bởi những phim khai thác bi kịch gia đình, mâu thuẫn tình cảm gia đình đang khiến khán giả dần cảm thấy nhàm chán. Nhà sản xuất đã nhận thấy điều này và bắt đầu đặt hàng những phim về người trẻ nhiều hơn.

Những nước có thị trường phim truyền hình phát triển trong khu vực như Hàn Quốc có nhiều phim khai thác chủ đề xoay quanh giới trẻ từng tạo được dấu ấn với khán giả như: "Itaewon Class", "Ký sự thanh xuân", "Khởi nghiệp"… Không chỉ là những câu chuyện thanh xuân, học đường nhẹ nhàng, họ mạnh dạn khai thác các khía cạnh thương tổn, hoang mang thuở đầu lập nghiệp, những mánh khóe lọc lừa gây nên bi kịch cho nhân vật cũng như tạo kịch tính cho phim.

"Tiềm năng của phim khai thác chủ đề về giới trẻ hiện nay và sắp tới là rất lớn, vì sau khi chinh phục đối tượng khán giả nội trợ, nhà sản xuất và nhà đài đã và đang chuyển hướng đến khán giả trẻ. Tuy vậy, muốn thu hút đối tượng khán giả này là một thử thách không nhỏ, những phim về chủ đề người trẻ buộc phải được khai thác với sự mới mẻ, độc đáo, tránh đi vào lối mòn" – nhà biên kịch Đông Hoa bày tỏ.

Theo các nhà chuyên môn, phim về giới trẻ có nhiều vấn đề cần được khai thác như hành trình trưởng thành, khởi nghiệp, mối quan hệ với gia đình, bạn bè, quan điểm sống… Ngoài việc cần đẩy mạnh khai thác để thu hút đối tượng khán giả trẻ, còn mang đến sự đa dạng cho “món ăn tinh thần”, thúc đẩy sự phát triển của phim truyền hình.
Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)