Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần nhiều sân chơi về biển, đảo quê hương

Tạp Chí Giáo Dục

Du khách đến với Nha Trang (Khánh Hòa) vào dịp Festival biển Nha Trang – Khánh Hòa tháng 5-2019 này sẽ thấy thú vị khi có nhiều bức tranh vẽ về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được đóng khung chỉn chu, treo lên từng dãy ở đường bờ biển Trần Phú (Nha Trang). Điều đặc biệt là những tác phẩm này không phải của những họa sĩ chuyên nghiệp mà do những em ở lứa tuổi tiểu học, THCS của tỉnh Khánh Hòa múa cọ. Ngạc nhiên hơn nữa là tất cả hình ảnh liên quan về hai quần đảo thân yêu này được các em tưởng tượng ra chứ không hề xem qua sách báo, tranh ảnh, internet hay ti vi. Thật ngạc nhiên khi các em lại có trí tưởng tượng phong phú tạo ra những bức tranh vô cùng sinh động.

Từ đề tài chủ đạo là biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các em nhỏ đã cho ra đời những bức tranh đầy màu sắc. Nào là hình ảnh những chiến sĩ hải quân đúng gác trên đảo, chiến sĩ vui đùa cùng em nhỏ, các em nhỏ tặng quà cho chiến sĩ hải quân, ngư dân ra khơi cùng chiến sĩ hải quân… Ấn tượng nhất là bức vẽ về các em học sinh nắm chặt tay người lính biển đang canh giữ thềm lục địa nơi nhà giàn DK1. Hoạt động vẽ tranh này thu hút hàng trăm học sinh tham gia cũng như rất nhiều phụ huynh đi theo ủng hộ. Dù có nhiều bức vẽ chưa được sắc sảo, hoàn thiện lắm nhưng qua đó cho thấy tinh thần yêu biển đảo nước nhà của các em là như thế nào.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương trong khắp cả nước nên tổ chức những sân chơi, cuộc thi bổ ích như thế để các em có dịp tìm hiểu thêm về biển đảo quê hương, cũng như có dịp họp mặt chơi đùa cùng nhau. Đây cũng là cách giúp các bé hạn chế chăm chăm vào màn hình máy vi tính, điện thoại để chơi game. Nếu hoạt động này diễn ra vào ngày hè nữa thì lại càng hay. Bởi vào ngày hè, trẻ con nghỉ học, mà sân chơi ý nghĩa thì lại cực hiếm. Cha mẹ dẫn trẻ đi siêu thị, tắm biển, ăn uống mãi cũng nhàm chán. “Nhốt” trẻ trong nhà hoài với bốn bức tường và chiếc ti vi vô hồn thì trẻ bị gò bó, khó chịu. Cho nên những sân chơi này là “vị cứu tinh” để bé phát triển tư duy, sống vui, kết bạn, hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa. Không nhất thiết những tỉnh có biển, đảo mới tổ chức những sinh hoạt này, mà tỉnh nào cũng cần phải thế. Và chủ đề này cũng nên mở rộng ra thể loại thơ ca, múa hát… Trí tưởng tượng của trẻ con phong phú lắm, và đó là niềm tin, là tình yêu mãnh liệt của một công dân đối với quê hương, Tổ quốc.

Như chúng ta đều biết, biển đảo là một phần máu thịt của quê hương, Tổ quốc Việt Nam ta. Việc tìm hiểu, bảo vệ biển đảo quê nhà không chỉ là trách nhiệm của người lớn mà còn ở trẻ nhỏ. Trẻ em rất cần phải biết về nguồn gốc biển đảo để kế thừa giá trị truyền thống của ông cha, ra sức xây dựng và bảo vệ biển đảo bền chặt. Những bức tranh hồn nhiên, dù trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa, nghĩ sao vẽ vậy, nhưng nếu mỗi ngày chúng ta gieo vào lòng trẻ một chút tình yêu biển, đảo bất diệt thế này thì lớn lên, đất nước sẽ có những người con ưu tú, sống có trách nhiệm với Tổ quốc Việt Nam.

Nguyn Thanh Vũ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)