Hướng nghiệp - Tuyển sinh

Cần nhìn nhận đúng về kỳ thi “2 trong 1”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Xung quanh những bất cập trong tuyển sinh ĐH-CĐ trong thời gian qua, TS. Lê Vinh Quốc (nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến những bất cập đó.

Thí sinh tại TP.HCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: M.Tâm

Thi “2 trong 1” chỉ có ở… Việt Nam

Theo TS. Lê Vinh Quốc, kể từ khi Bộ GD-ĐT áp dụng kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, việc tuyển sinh ĐH-CĐ luôn phát sinh những vấn đề và sự cố phức tạp. Năm 2014 là sự bất hợp lý trong cách tổ chức các hội đồng thi và cách thức lựa chọn môn thi dẫn đến sự chồng chéo về hồ sơ tốt nghiệp THPT với hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ. Năm 2015 là sự rối loạn quanh vấn đề thay đổi nguyện vọng chọn trường với hiện tượng “rút ra nộp vào” liên tục các hồ sơ dự tuyển. Và năm nay 2016 là vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh của các trường bị thiếu hụt nghiêm trọng. Phải chăng sự thiếu hụt chỉ tiêu trong năm nay là biểu hiện của chất lượng thí sinh dự tuyển đã tăng lên theo quy luật “giảm số lượng để tăng chất lượng”? Nếu xem xét đề thi (và đáp án) của tất cả các môn thi, thì câu trả lời là không phải vậy. Chính cái ranh giới máy móc để phân biệt đối tượng dự thi “chỉ cần tốt nghiệp THPT” với đối tượng “muốn được tuyển vào ĐH-CĐ”; kèm theo đó là quy định cứng nhắc về số nguyện vọng được chọn “mỗi thí sinh được quyền nộp hồ sơ vào 2 trường, mỗi trường được chọn tối đa 2 ngành” và “thí sinh không được thay đổi sau khi nộp hồ sơ” (để khắc phục sự cố năm ngoái) đã tạo ra số lượng “thí sinh ảo” quá nhiều, khiến cho số thực sự đủ điểm đậu bị sút giảm so với các kỳ tuyển sinh trước đây. Thêm nữa, việc các trường phải hạ thấp điểm chuẩn để cố đạt chỉ tiêu lại càng chứng tỏ chất lượng thí sinh trúng tuyển năm nay đã thực sự giảm sút.

TS. Quốc cũng cho rằng: những vấn đề và sự cố phát sinh đó là cái giá phải trả của kỳ thi “2 trong 1” để thay cho 2 kỳ thi quốc gia riêng biệt với những hệ lụy tiêu cực khác. Hơn nữa, chất lượng và giá trị của việc tuyển sinh qua kỳ thi “2 trong 1” chẳng những không tốt hơn, mà thậm chí còn kém việc tuyển sinh qua kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ tiến hành sau kỳ thi tốt nghiệp THPT như trước năm 2014.

Mỗi kỳ thi có mục tiêu riêng của nó, vì thế việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” là trái với nguyên lý khoa học, khiến cho mục tiêu thi THPT không được đánh giá đầy đủ và mục tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ cũng không được đo lường chính xác, lại làm nảy sinh nhiều vấn đề và sự cố khác.

Vậy, phải tìm giải pháp nào để khắc phục những vấn đề và sự cố nêu trên? Nếu “rút kinh nghiệm” để tìm thêm cách mới nhằm tiếp tục cải tiến kỳ thi “2 trong 1”, thì “cách mới” ấy sẽ làm phát sinh vấn đề mới, tức là “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa” như thực tiễn 3 năm qua đã chứng minh. Trở lại với 2 kỳ thi quốc gia như trước cũng không ổn; vì khi ấy những hệ lụy tiêu cực cũ lại hồi sinh. Tình thế tiến thoái lưỡng nan này cho thấy việc cải tiến một kỳ thi quốc gia không hề đơn giản, không thể thực hiện bằng những ý tưởng chủ quan của cơ quan hữu trách để áp đặt cho xã hội thực hiện. Do vậy, ở nước ngoài không có loại kỳ thi “2 trong 1” như ở Việt Nam. Chỉ khi nào các nguyên lý của khoa học giáo dục được áp dụng một cách nghiêm túc thì mới tìm được giải pháp xác đáng cho việc đổi mới các kỳ thi này.

Nên “chọn 1 trong 2”

Theo TS. Lê Vinh Quốc, những vấn đề tồn tại và các sự cố phát sinh trong việc tuyển sinh ĐH-CĐ xuất phát từ một nguyên nhân: được tiến hành bằng các biện pháp hành chính thay vì các tri thức của khoa học giáo dục; cụ thể là các nguyên lý của bộ môn “Đo lường và Đánh giá” (Measurement and Evalution). Khoa học đã chỉ ra rằng: mọi quá trình giáo dục (hay chương trình học) đều bao gồm 4 yếu tố cơ bản có quan hệ tương tác với nhau là mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá (đó là nguyên lý nổi tiếng của Ralph Tyler). Do vậy, muốn đổi mới 1 trong 4 yếu tố đó, thì phải đổi mới đồng bộ nó với 3 yếu tố kia. “Khi chương trình THPT chưa đổi mới, việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT thành kỳ thi quốc gia THPT “2 trong 1”, tức là đổi mới yếu tố “đánh giá” trong lúc mục tiêu, nội dung và phương pháp vẫn như cũ là trái với nguyên lý khoa học”, TS. Quốc khẳng định.

Đồng thời, TS. Quốc cũng phân tích, khoa học cũng vạch rõ rằng: đánh giá phải nhất quán với mục tiêu; nghĩa là chỉ đánh giá các mục tiêu đã xác định, không được phép đánh giá những gì ngoài mục tiêu đã có. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ đánh giá các mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông; còn kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thì mới đo lường những năng lực thí sinh trong mục tiêu tuyển sinh của các trường này. Mỗi kỳ thi có mục tiêu riêng của nó, vì thế việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” là trái với nguyên lý khoa học, khiến cho mục tiêu thi THPT không được đánh giá đầy đủ và mục tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ cũng không được đo lường chính xác, lại làm nảy sinh nhiều vấn đề và sự cố khác.

Như vậy, các vấn đề và sự cố phát sinh từ vụ việc này chỉ có thể giải quyết bằng những giải pháp khoa học. Theo đó, kỳ thi “2 trong 1” cần được kết thúc để chuyển sang giải pháp “chọn 1 trong 2”. Tức là, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được duy trì và đổi mới phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ ban hành sau năm 2018. Còn kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ cần bỏ để trao quyền tự chủ tuyển sinh về cho các trường (về quyền tự chủ này, ĐHQG Hà Nội đã thực hiện rất tốt). Và để đảm bảo cho những sự đổi mới trên đạt được kết quả tốt, các bộ môn khoa học giáo dục hiện đại cần được giảng dạy và bồi dưỡng kỹ lưỡng cho giáo viên phổ thông tất cả các cấp.

Linh Vy (ghi) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)