Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cận oan vì… kính!

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đây 4 năm, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát 2.000 cửa hàng bán kính thuốc nhưng chỉ có khoảng 20% trong đó đủ điều kiện kinh doanh kính thuốc và có nhân viên có kiến thức về y khoa (chứ chưa hẳn là nhãn khoa). Vậy nên mới có tình trạng “cận 1 – đo 3”, gây ra không ít hậu quả đáng tiếc.
Cận thị lại… đeo kính lão!
Cậu bé Nguyễn Vân Tùng (11 tuổi) ở Mao Rộc, Quế Võ, Bắc Ninh phát hiện bị tật cận thị cách nay 3 tháng. Dù đã đeo kính thường xuyên nhưng mắt Tùng vẫn đỏ tấy, chảy nước và nhìn không rõ cả khi đeo kính. Không yên tâm, chị Nguyễn Thị Dung (mẹ Tùng) đưa cháu lên Bệnh viện Mắt trung ương khám lại.
Được các bác sĩ giải thích, chị Dung mới tá hỏa khi biết rằng, mắt con trai chị bị đau và nhức mỏi là do đeo kính không đúng độ cận. Chị cho biết, chị đưa cháu ra một cửa hàng kính nhỏ tại thị xã Bắc Ninh đo độ cận và cắt kính. Thời gian đo rất nhanh, chỉ khoảng 10 phút và được chỉ định đeo kính 3 đi-ốp (trong khi 2 mắt cháu chỉ bị cận 1 và 1,25 đi-ốp).
Đo mắt tại một cửa hàng bán mắt kính (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: CAO THĂNG
Chuyện bị đo nhầm độ cận như cháu Tùng không phải là hiếm. Đến bây giờ, chị Nguyễn Thanh Tuyền ở Quảng Ninh vẫn “ấn tượng khó quên” về lần đầu tiên đi đo kính. Sau khi đo rất nhanh, chủ cửa hàng bán kính đưa ra kết luận chị bị cận thị nặng, tới 3 đi-ốp. Nhưng khi lên Hà Nội để đo lại, kết quả chị chỉ bị cận 1 đi-ốp.
TS.BS. Vũ Bích Thủy – Trưởng khoa Mắt trẻ em – Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, nếu đeo kính không đúng độ cận, người bị cận sẽ suy giảm thị lực nhanh hơn không đeo kính, bởi khi đeo vượt độ cận thực tế quá nhiều, ảnh điểm bị đẩy ra xa hơn, làm mắt phải tập trung nhiều mới nhìn rõ sự vật.
BS.TS. Thủy cung cấp thêm: “Nếu chỉ kiểm tra bằng máy đo khúc xạ và đọc bảng chữ thì chưa đủ. Đặc biệt, khi đo kính cho trẻ bị cận thị, loạn thị, nhất thiết phải nhỏ thuốc liệt điều tiết mắt để kiểm tra mới đạt độ chính xác. Ngoài ra, kết quả còn phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của bác sĩ khám và trang thiết bị có đạt tiêu chuẩn hay không”.
Theo TS. Nguyễn Đức Minh – Viện Khoa học giáo dục VN (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khảo sát mới nhất vào tháng 11-2008 của viện này cho thấy, đa số giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về công tác chăm sóc mắt học đường cho học sinh, chữ giáo viên quá xấu khiến học sinh phải tập trung lâu để “dịch”, nhiều trường học chưa đủ ánh sáng, bàn cao ghế thấp, đèn bố trí không đúng chỗ gây lóa bảng, nhức mỏi mắt cho học sinh… Đó là những nguyên nhân khiến số học sinh bị cận thị tăng rất nhanh và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Không những thế, việc cấp kính không phù hợp và không có kiến thức chăm sóc mắt khiến số học sinh cận thị ngày càng bị cận nặng hơn. Hiện cả nước có 3,96 triệu trẻ mắc tật khúc xạ, trong đó chủ yếu là cận thị. Số trẻ ở thành phố bị cận thị cao hơn ở nông thôn. Điển hình như ở TPHCM, chỉ có 51% số trẻ có tật được chỉnh kính đúng, trong khi có tới 29% số trẻ có tật khúc xạ mà không có kính.
Quản lý hiệu kính thuốc – cần nhưng chưa làm
Đóng vai người đi mua kính cận, chúng tôi tới “phố kính” Lương Văn Can (Hà Nội). Chỉ một bên phải tuyến phố có chiều dài khoảng 50m từ ngã tư cắt với Hàng Gai đến ngã tư Hàng Hành mà có tới 17 cửa hàng bán kính thuốc, kính thời trang. Vào cửa hiệu V. T., dù không treo biển kính thuốc và cửa hàng chỉ có diện tích khoảng 2m², nhưng chị chủ cửa hàng vẫn nhiệt tình hướng dẫn tôi cách nhìn vào bảng tên của một ngân hàng ở cách đó khoảng 50m, thấy tôi nói nhìn lờ mờ, chị “phán”: “Mắt em chỉ khoảng 0,75 thôi nhưng muốn biết chính xác em lên cửa hàng kính Tràng Tiền đo, đưa kết quả về đây chị cắt mắt kính cho, loại đi-ốp nào cũng có!”.
Khảo sát 5 cửa hàng bán kính trên đường Lê Duẩn đều có bảng đo thị lực, máy đo thị lực, một số loại kính tròng chia độ. Tôi không bị cận thị nhưng nhân viên một cửa hàng ở ngã ba Lê Duẩn – Đỗ Hành sau khi đo thị lực bằng vài thao tác di máy đơn giản liền kết luận độ cận của tôi là 0,75 đi-ốp! Khi thấy tôi lảng tránh vấn đề mua kính mà chỉ hỏi về việc đo và lắp kính, chị ta quay luôn vào trong không buồn trả lời!
DS. Hà Thị Vinh – Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian tới, bộ sẽ tăng cường quản lý chất lượng kính thuốc. Cụ thể, ngày 1-9-2009 tới, các sở y tế trên toàn quốc sẽ đồng loạt rà soát chất lượng kính thuốc và trình độ chuyên môn chủ cửa hàng kính thuốc trên toàn quốc để có thống kê đầy đủ.
Trên thực tế, Bộ Y tế cũng đã có thông tư hướng dẫn hành nghề kinh doanh kính thuốc, trong đó quy định cụ thể về cơ sở, trình độ chuyên môn, nhân sự khi kinh doanh kính thuốc. Văn bản đã có hiệu lực nhưng vẫn “vô tác dụng”, còn chủ cửa hàng kinh doanh kính thuốc thì cứ mặc sức bán kính cho khách theo cảm tính để thu lời!
Theo BS. Nguyễn Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt Trung ương, 40% nguyên nhân gây cận thị là do yếu tố môi trường như làm việc trong điều kiện không đủ sáng, ánh sáng không phù hợp, làm việc quá lâu, bàn cao ghế thấp, xem ti vi và chơi game ở cự ly quá gần. Vì vậy, BS. Cương lưu ý, để phòng ngừa cận thị, học sinh cần học tập với thời gian hợp lý. Khi học nên ngồi ở tư thế thẳng, để sách cách mắt khoảng 25-30cm, ngồi ở chỗ đủ ánh sáng, tốt nhất là có ánh sáng tự nhiên. Về dinh dưỡng, nên cho trẻ bổ sung các loại vitamin như A, B, C, E và can xi.
Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn quá nhiều đường bởi khi cơ thể hấp thu nhiều đường sẽ khiến hàm lượng vitamin B1 giảm, lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới lượng vitamin cung cấp cho thần kinh thị giác, dẫn tới cận thị.
Để phòng ngừa cận thị, cũng cần loại bỏ những thói quen xấu như nằm, quỳ để đọc sách hoặc viết bài, đọc sách báo khi đang đi ô tô, tàu hỏa hoặc máy bay. Ngoài ra, nên cho trẻ vui chơi dưới ánh nắng mặt trời vì ánh sáng mặt trời sẽ kích thích sự tăng tiết các hợp chất giúp ngăn ngừa sự lồi ra của nhãn cầu – nguyên nhân gây ra cận thị.
Bình Vũ (Theo SGGP)

Bình luận (0)