Sự kiện giáo dụcTin tức

Cần phải đầu tư thêm cho giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Các đại biểu trao đổi bên ngoài hội nghị

Ngày 6-12, đã diễn ra ngày làm việc thứ nhất của kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa VIII, trong đó lĩnh vực giáo dục là một vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm…
Đầu tư cho giáo dục… không tăng
Ngân sách chi thường xuyên cho GD-ĐT năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2011 là trên 5.200 tỷ đồng, trong khi năm 2010 chỉ có trên 3.689 tỷ đồng. Định mức đầu tư ngân sách/học sinh ở khối nhà trẻ từ 5,4 triệu đồng (năm 2010) lên 6,1 triệu đồng (năm 2011), mẫu giáo từ 3,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng, tiểu học từ 2,4 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng, THCS: 2,4 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng, THPT: 3,1 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng… Tùy theo bậc học mà mức đầu tư của ngân sách tăng từ 13-14%.
Tuy vậy, theo đại biểu Huỳnh Công Hùng (Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP) thì: “Chi thường xuyên cho giáo dục tăng là tăng theo trượt giá, còn thực chất là không tăng”.
Đồng quan điểm với đại biểu Hùng, đại biểu Võ Anh Dũng (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong) cho rằng: “So với lạm phát thì mức đầu tư của ngân sách cho giáo dục là không tăng. Nhưng với mức đầu tư lên tới trên 27% tổng ngân sách TP như hiện nay thì việc tăng đầu tư cho giáo dục là rất khó. Vì vậy cần phải có một nguồn thu khác. Đó chính là học phí. Mức học phí mà các trường đang thu đã được quy định từ hơn một thập kỷ, như vậy thật vô lý. Thực tế nhiều tỉnh, thành khác đã thay đổi học phí. Đề nghị phải thay đổi học phí vào năm học mới 2012-2013. Chúng ta cứ lo lắng, nếu học phí tăng sẽ ảnh hưởng đến việc học hành của con em những gia đình khó khăn. Song, nếu TP mở rộng đối tượng miễn giảm học phí thì con em những hộ gia đình này vẫn được học tập bình thường. Trên thực tế, TP có rất nhiều gia đình đủ điều kiện để đóng học phí cao hơn mức học phí hiện nay”…
Trong khi đó, đại biểu Hùng thì đưa ra giải pháp là nên cho các trường thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43. Bởi, “nếu không thực hiện tự chủ tài chính thì những khó khăn trong giáo dục và cả y tế sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới”, đại biểu Hùng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn cho biết, Sở GD-ĐT đã hoàn thành đề án tăng học phí cũng như việc tự chủ tài chính theo Nghị định 43 đối với một số trường học. Tuy nhiên, do chủ trương bình ổn của TP nên chưa trình HĐND…
Phải xây dựng trường lớp bằng nhiều nguồn

Nhiều công trình trường học được đưa vào sử dụng nhưng vẫn quá tải (ảnh chụp tại Trường TH Bình Hưng, Bình Chánh). Ảnh: Q.Huy

Nhiều đại biểu lo lắng về vấn đề quá tải trường lớp, đặc biệt là trường mầm non. Một đại biểu bức xúc: Theo Điều lệ trường mầm non thì các trường mầm non phải nhận trẻ từ 4 tháng tuổi vì bà mẹ chỉ được nghỉ thai sản có 4 tháng. Nhưng trên thực tế ở TP.HCM không có trường mầm non công lập nào nhận giữ trẻ 4 tháng tuổi… Vì vậy mà các nhóm trẻ gia đình đã ra đời nhưng không phải nhóm nào cũng đảm bảo an toàn cho trẻ.
Không chỉ có vậy, “Năm 2012 TP phải cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Với điều kiện trường lớp như hiện nay nếu phải hoàn thành thì sĩ số cháu/lớp sẽ rất đông, lên tới 50 cháu”, đại biểu Hùng tâm tư.
Nguyên nhân chính là do số trẻ tăng trong khi trường lớp xây dựng không kịp. Ông Hùng đưa ra dẫn chứng, từ năm 2005 đến 2009 chỉ có 16 dự án xây dựng trường mầm non được đưa vào sử dụng, từ 2009 đến 2010 có 12 dự án, từ năm 2010 đến cuối năm 2011 sẽ có 13 dự án. Sở dĩ năm 2010 và 2011 có nhiều dự án trường mầm non hoàn thành là do có Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.
“Nhưng những năm tiếp theo sẽ rất khó có thêm trường mầm non mới nếu không có sự đầu tư của tư nhân. Chủ trương của Nhà nước đối với mầm non là xã hội hóa, trong đó 80% học sinh học ở trường ngoài công lập, chỉ có 20% học trường công lập. Hiện nay, TP.HCM mới chỉ có trên 40% trẻ học ở trường ngoài công lập. Để thu hút người dân đầu tư vào giáo dục mầm non, TP cần có những chính sách khuyến khích về thuế, đất đai, vay vốn. Có như vậy mới đảm bảo trường lớp cho con em nhân dân theo học”, đại biểu Hùng đưa ra giải pháp.
Đối với vấn đề xây dựng trường lớp, ông Lê Hồng Sơn cho biết: “Năm 2010, TP đã xây mới 2.276 phòng học, từ đầu năm 2011 đến nay cũng có 1.292 phòng học mới. Tuy nhiên, số phòng học mới này cũng chỉ đáp ứng được chỗ học cho trẻ nhập cư. Bởi, mỗi năm TP có thêm 35-40 ngàn học sinh nhập cư, nhiều nhất là mầm non và tiểu học. Để giải quyết căn cơ tình trạng quá tải trường lớp, tôi đề nghị trong phương hướng nhiệm vụ năm 2012 của TP cần đưa ra chỉ tiêu trên 10 ngàn dân thì phải có 300 phòng học. Ngoài ra, ngành GD-ĐT TP cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo các khu công nghiệp, khu chế xuất và các ban ngành liên quan nhanh chóng triển khai xây dựng trường mầm non phục vụ việc gửi con của công nhân…”.
Một trong sáu chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ IX đưa ra là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì phải bắt đầu từ bậc phổ thông. Vì vậy không thể không đầu tư xây dựng trường lớp, tăng kinh phí cho giáo dục bằng nhiều nguồn…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)