Để nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, TP cần bắt đầu từ đào tạo. Cần phá bỏ vị trí “độc quyền” của cơ sở đào tạo chuyên ngành, đầu tư cho một trường công lập về hướng đào tạo này như một “đơn hàng” tạo nguồn nhân lực cho TP.
Vừa thiếu vừa yếu
GS.TS Nguyễn Xuân Tiên – Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho rằng, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn học, nghệ thuật và sự phát triển của xã hội. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo điều kiện cho hoạt động lý luận, phê bình để thúc đẩy sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Đời sống văn học, nghệ thuật chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội còn khiêm tốn; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa phát huy được tác dụng tích cực đối với đời sống văn học nghệ thuật. Sự hiểu biết lý luận chưa sâu sắc, thiếu các công trình nghiên cứu chuyên sâu có chất lượng về lý luận; có một số ngành nghệ thuật còn thiếu vắng lực lượng chuyên gia về lý luận. Lý luận văn học, nghệ thuật có những biểu hiện già cỗi, xơ cứng, kém năng động, xa rời thực tiễn sáng tác.
Ở lĩnh vực sân khấu, nhà báo Thanh Hiệp (Trưởng ban Lý luận – phê bình, Hội Sân khấu TP.HCM) cho biết, đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng hiện nay vừa thiếu vừa yếu, vừa có dấu hiệu lệch hướng. Điều này dẫn đến những hạn chế trong việc thúc đẩy sự phát triển của đời sống sân khấu. Làm thế nào để nâng chất lượng đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu, qua đó cổ vũ sáng tác, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, góp phần xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật sau cột mốc đổi mới là băn khoăn, trăn trở của không ít người trong giới nghề. Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình trong đó có lý luận, phê bình sân khấu là vô cùng cần thiết. Nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình sẽ góp phần thúc đẩy sáng tác, sáng tạo, tiếp nhận, thụ hưởng giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật của công chúng, có chủ trương rõ ràng. Giới chuyên môn đều nhìn nhận việc xây dựng, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà”.
Đổi mới phương pháp đào tạo
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM) khẳng định, phê bình là khoảng trống không chỉ trong đời sống âm nhạc đang sôi nổi ở TP.HCM mà còn là khoảng lặng của nội dung chương trình đào tạo đội ngũ. Người làm công tác lý luận, phê bình tại TP vừa thiếu vừa chưa chuyên nghiệp.
Để nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình, PGS.TS Liêm cho rằng, TP cần bắt đầu từ đào tạo bởi nguồn nhân lực sẽ được cung cấp bằng con đường đào tạo. Cần phá bỏ vị trí “độc quyền” của cơ sở đào tạo chuyên ngành âm nhạc của Nhạc viện TP.HCM, TP có thể đầu tư cho một trường công lập về hướng đào tạo này như một “đơn hàng” tạo nguồn nhân lực cho TP.HCM. Những người làm công tác giảng dạy sẽ là những người có kiến thức cơ bản, làm biên tập của các báo, đài và nhất là những người làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình âm nhạc.
Với việc chủ động đặt hàng, TP có thể đặt hàng cho việc nghiên cứu, biên soạn chương trình, nội dung đào tạo theo yêu cầu đối với chất lượng nhân lực, theo hướng giải quyết những vấn đề của đời sống âm nhạc TP. Bên cạnh đó, chúng ta cần đổi mới nội dung chương trình hoặc đột phá, mở rộng thêm hướng đào tạo kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực phê bình âm nhạc. Và tiếp nối là các chương trình bồi dưỡng đối với những đối tượng đang hành nghề. Từ việc bồi dưỡng sẽ nhanh chóng củng cố đội ngũ phê bình, nguồn nhân lực đã có kinh nghiệm thực tế nhưng thiếu kiến thức, phương pháp cơ bản.
Ông Trần Quốc Dũng (nhà nghiên cứu lý luận, phê bình nhiếp ảnh) góp ý, cần có chiến lược lâu dài cho công tác lý luận, phê bình nhất là đối với lý luận, phê bình nhiếp ảnh. Riêng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, TP có thể bắt đầu công tác đào tạo sinh viên trong các trường ĐH có liên quan đến nhiếp ảnh. Các trường ĐH có ngành nhiếp ảnh nên mở thêm bộ môn lý luận, phê bình. Sinh viên có thể không học cách chụp ảnh nhưng phải biết chụp cái gì, chụp với ý tưởng gì, chụp cho ai, chụp vì ai. Các lớp đào tạo của các hội nhiếp ảnh trong cả nước cần có những giờ học về lý luận, phê bình để người cầm máy có khái niệm về vai trò, mục đích của lý luận, phê bình trong hoạt động nhiếp ảnh. “Trong những năm 1980-2000, các khóa đào tạo nâng cao của Hội Nhiếp ảnh TP.HCM đã dạy môn “Tư tưởng trong nhiếp ảnh” rất bổ ích do cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài trực tiếp giảng dạy”, ông Dũng cho biết.
Ông Dũng nói thêm: “Nhằm giúp đội ngũ lý luận, phê bình phát huy tốt năng lực, hội nhiếp ảnh và cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật các tỉnh thành cần tăng cường trang mục “Lý luận, phê bình” trên các tạp chí văn học nghệ thuật địa phương. Từ đó, tạo những diễn đàn, tọa đàm và sử dụng hiệu quả các website giúp những người làm công tác lý luận, phê bình trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm”.
Kiều Khánh
Bình luận (0)