Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần phụ huynh đồng hành, chia sẻ các hoạt động giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 30-8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết bậc tiểu học năm học 2021-2022. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đánh giá, năm học 2021-2022 là năm học đặc biệt với ngành GD-ĐT TP nói chung, bậc tiểu học nói riêng khi phải chuyển đổi hình thức dạy học tự trực tiếp sang trực tuyến ngay từ đầu năm học. Để có thể duy trì chất lượng dạy và học, các nhà trường, giáo viên đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau… là kinh nghiệm để thầy cô chuyển đổi số, thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu Chương trình GDPT 2018.

Năm học mới 2022-2023, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý nhà trường thực hiện nhiệm vụ năm học trên tinh thần đảm bảo an toàn trường học, phòng chống dịch, không chủ quan.

Theo ông, năm học 2022-2023, Chương trình GDPT 2018 sẽ được thực hiện ở các khối 1, 2, 3 với nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất, nguồn lực. Các phòng giáo dục phải có sự chỉ đạo sâu sát, phân công nhân sự hỗ trợ điều phối, nhất là ở bộ môn tiếng Anh, tin học hỗ trợ các nhà trường. Về mặt quản lý, nhà trường phải xây dựng được chiến lược kế hoạch dài hơi 5 năm để có thể dự báo tình hình giáo viên dựa trên đặc thù của trường, có hướng xử lý, tham mưu… UBND TP.HCM cũng sẽ có những hướng tháo gỡ thực trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học bên cạnh đội ngũ khác…

"Trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học, giáo viên vẫn chưa thực sự thay đổi được thói quen, cách thức đã quen thực hiện trong chương trình cũ, từ việc chỉ đặt mục tiêu trang bị kiến thức, thay đổi sang hướng trang bị phẩm chất, năng lực cho học sinh trong Chương trình GDPT 20118. Đâu đó thầy cô vẫn chờ hướng dẫn cụ thể như trước đây, việc thay đổi 1 chương trình nhiều SGK tác động lớn đến thầy cô", ông Nguyễn Bảo Quốc thẳng thắn.

Ông nhấn mạnh, tùy đặc thù vùng miền sẽ chọn bộ SGK phù hợp, tùy nội dung giảng dạy mà thầy cô sẽ chọn ngữ liệu phù hợp. Chương trình mới là quan trọng nhất, kéo theo đó là việc kiểm tra, đánh giá phải được điều chỉnh phù hợp. Quan trọng nhất là xây dựng được chất lượng giáo dục có kết quả đánh giá trung thực hướng đến học sinh.

"Năm học tới TP sẽ thực hiện khảo sát lớp 3, nhằm đánh giá được sự khác biệt của 2 chương trình (lớp 3 cũ và mới), trên cơ sở đó phân tích mặt được và chưa được khi triển khai chương trình. Ngoài ra, địa phương và các cơ sở giáo dục cũng sẽ đánh giá được thầy cô đã thay đổi hay chưa, từ đó có sự điều chỉnh, thực hiện mục tiêu chương trình…", Phó Giám đốc Nguyễn Bảo Quốc nói thêm.

Ông cũng lưu ý các trường tiểu học khi triển khai nhiệm vụ năm học cần bổ sung các đề án đặc thù của thành phố, đưa vào trong chương trình nhà trường. Khi tổ chức xong Chương trình GDPT 2018 thì vẫn có thể tổ chức thêm các hoạt động chương trình nhà trường như tiếng Anh, tin học, với sự đồng thuận của phụ huynh, quan tâm hỗ trợ học sinh khó khăn.

Đặc biệt, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh các trường chú ý công tác truyền thông giáo dục, làm sao truyền thông sâu, rộng đến đội ngũ, phụ huynh học sinh để cùng đồng hành, chia sẻ các hoạt động giáo dục nhà trường. Ví dụ, việc triển khai vở bài tập cho học sinh, thì quan trọng là cách truyền thông đến giáo viên, phụ huynh để hiểu rằng đây là tài liệu bổ trợ hỗ trợ các em học tập tốt hơn, các em không phải tốn nhiều thời gian khi phải ngồi kẻ ô, kẻ dòng, dành thời gian vào rèn luyện các kỹ năng khác…

Dịp này, Sở GD-ĐT TP.HCM đã khen thưởng 24 tập thể và 24 cá nhân có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2021-2022, TP có 561 trường tiểu học với tổng số 662.195 học sinh. Số trường học 2 buổi/ngày đạt 95,7%. Số học sinh được học tiếng Anh ở 5 khối lớp đạt 97,2%. Con số này ở môn tin học là 68,2%. Định mức phòng học/lớp đạt 0,9. Định mức giáo viên/lớp đạt 1,4.

Sĩ số bình quân/lớp đạt 38,5 em, trong đó TP.Thủ Đức, Q.12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân và huyện Hóc Môn là các địa phương có sĩ số bình quân trên 40 học sinh/ lớp (cao nhất là Q.12 với 45,7 học sinh/lớp, Hóc Môn là 45,1). Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ ngày toàn thành phố đạt 73,7%. Trong đó nhiều quận huyện đạt 100% như Nhà Bè, Cần Giờ, Q.3, 5, 6, 7, 10 song nhiều quận có tỷ lệ đạt dưới 30% như Q.12 (25,6%), Tân Phú (27,5%).

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, báo cáo các đơn vị cho thấy năm học 2022-2023 các trường gặp khó khăn về thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, giáo dục học sinh hòa nhập, nội dung giáo dục địa phương…

Yến Hoa 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)