Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần quan tâm hơn đến giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Trong quan điểm chung, nói đến luật là phải nói sự bền vững, đúng đắn, đúng hướng, bắt buộc xã hội phải thực hiện. Luật Giáo dục thì ngành giáo dục phải thi hành, phải quản lý để thầy và trò thi hành đúng điều luật này.

Một tiết học văn của học sinh Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM). Ảnh: N.Tuấn

Liên quan đến thầy và trò, phụ huynh cũng phải thi hành và xã hội cũng phải có trách nhiệm thi hành Luật Giáo dục. Lâu nay Luật Giáo dục ban hành chỉ đề cập đến trách nhiệm quản lý giáo dục, thầy trò chứ chưa nghe đề cập việc thi hành luật này trong phụ huynh và trong xã hội. Do đó, phải bổ sung như thế nào để khi thi hành luật chặt chẽ, hoàn chỉnh, không có kẽ hở. Việt Nam phải có giáo dục triết lý xuyên suốt, đúng hướng, đúng đắn, lâu dài, đừng để luật mà năm nay thay đổi thế này năm sau thấy chưa được lại thay đổi. Thay đổi đó không còn là luật nữa.

Theo quy định hiện hành, hệ thống giáo dục quốc dân đã hoàn chỉnh từ MN đến ĐH. Nên bổ sung một số yêu cầu mới để phù hợp như tính liên thông giữa các cấp lớp. Học sinh không phải tất cả khi học hết THCS thì trình độ, khả năng đều như nhau, do đó cuối THCS mạnh dạn phân loại tiêu chuẩn. Ai có khả năng học thì tiếp tục vào THPT, thi lên ĐH. Ai không có khả năng chuyển sang học nghề, để học sinh có 3 năm đi sâu học nghề. Sau đó vào trường đào tạo tiếp tay nghề mới giỏi, ra đời mới có thợ giỏi, phục vụ sản xuất.

Hiện nay, các trường quốc tế mở tràn lan, ai muốn thu học phí bao nhiêu, tùy tiện. Ai muốn dạy chương trình gì cũng tự do, không có quy định rõ ràng. Thường người theo học các trường quốc tế sau này khi chuyển qua chương trình Việt theo không kịp có khi không học được. Có một số học sinh thực giỏi học trường quốc tế. Còn đa số là yếu kém, cha mẹ có tiền, không thi vào được trường công lập thì học trường quốc tế. Vì thế đề nghị xem xét lại hệ thống các trường quốc tế tại Việt Nam. Các nước có nền kinh tế cao hơn ta nhiều nhưng rất ít nơi có trường quốc tế từ MN lên đến THPT. Số học sinh này không nhỏ. Ai giáo dục chính trị tư tưởng cho các em. Sau này số học sinh lớn lên phục vụ ai? Phục vụ thế nào? Nhiều vấn đề đặt ra. Các trường này thu một số tiền khổng lồ hằng năm. Việc họ làm nhiệm vụ đóng góp xây dựng nước ta thế nào cho phù hợp? Về hệ thống giáo dục quốc dân phải có mục tiêu rõ ràng, thiết thực, không chung chung, mơ hồ. Nội dung giáo dục phải khoa học, tiên tiến có tính hệ thống, có tính truyền thống, không nặng kinh điển, phải thiết thực cho cuộc sống. Phương pháp dạy học tiên tiến, giáo viên phải nắm cho được phương pháp tiên tiến. Trong lớp thầy cô là người biết truyền thụ kiến thức cho trẻ, là linh hồn của lớp học. Hướng dẫn học sinh nắm kiến thức mới. Biết giúp mọi học sinh nắm bài giảng. Cả nước phải có chương trình học chung cho tất cả các cấp từ thành phố đến nông thôn, miền núi xa xôi cũng phải có một chương trình chung. Giảng dạy phải đảm bảo kiến thức chung. Đẩy mạnh dạy ngoại ngữ cho học sinh, để học sinh ra trường THPT có thể sử dụng được ngoại ngữ. Để người lao động Việt Nam sớm hội nhập được trong khu vực và quốc tế.

Luật Giáo dục trước tiên phải nói đến nhà giáo. Nhưng ở đây không nói đến lương là không thể được. Đừng cho rằng Nghị quyết 29-NQ/TW đã xác định lương của nhà giáo được ưu tiên xét cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp tùy theo tính chất công việc… Lâu nay nói cải cách toàn diện triệt để giáo dục Việt Nam mà không nói lương giáo viên như thế nào là điều không bao giờ thực hiện được. Làm việc phải ăn, phải sống, phải nuôi gia đình con cái, phải ngang cuộc sống như mọi người. Phụ cấp thâm niên sau đó cũng bị cắt. Hiện một số giáo viên nghỉ hưu sống quá khổ cực. Mỗi lần bổ sung Luật Giáo dục đã khó nếu để lương lại bàn sau thì chẳng biết bao giờ mọi người mới giải quyết vấn đề cốt lõi này. Có giải quyết vấn đề này thì mới giải quyết được vấn đề chất lượng giáo dục. Lương đủ sống thì giáo viên không cần dạy thêm, tập trung vào bài giảng, giờ giảng. Hiện tại, tại sao giáo viên còn đưa học sinh về nhà dạy thêm vì lương giáo viên quá thấp, không đủ sống. Có cấm dạy thêm, học thêm vẫn biến tướng. Do đó, muốn bổ sung Luật Giáo dục đầu tiên phải nói đến lương giáo viên. Lương giáo viên là vấn đề không thể không đặt ra trong bổ sung Luật Giáo dục. Vấn đề bồi dưỡng giáo viên hiện nay cần phải làm hằng năm. Mỗi mùa hè giáo viên có 3 tháng, cần tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu cho từng môn, làm cho giáo viên theo kịp bước phát triển của xã hội, khu vực và của thế giới. Giáo viên nào không tiếp thu được những kiến thức mới nên chuyển sang bộ phận khác phục vụ giáo dục. Để đội ngũ giáo viên càng ngày càng đáp ứng được yêu cầu cao của ngành. Đội ngũ quản lý giáo dục phải qua trường lớp đào tạo. Nên tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý nhà trường, phải họp phụ huynh, phải nghe phản hồi về giảng dạy của đội ngũ thầy cô, cuối học kỳ phải cho học sinh phản ánh phương pháp giảng dạy của đội ngũ, có như thế mới tránh được những điều đáng tiếc xảy ra.

Miễn học phí cho sinh viên sư phạm là điều cần thiết thu hút được nhiều người giỏi vào ngành sư phạm. Tại sao thời gian qua đội ngũ này ra trường không có việc, không được phân công. Kế hoạch phải biết mỗi năm cần bao nhiêu sinh viên sư phạm, ngành gì. Cho chỉ tiêu các trường sư phạm tuyển. Ra trường phải bố trí các em vào các trường theo kế hoạch. Người nào không nhận việc xin bồi thường tiền đào tạo. Tránh được bỏ việc, tránh được nạn tham nhũng khi bố trí người đi dạy. Nhất thiết không được thu học phí sinh viên sư phạm.

Nhà giáo Nguyễn Thị Yến Thu
(Hội Cựu giáo chức TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)