Apollo vừa thành lập trường Đại học Anh Quốc tại Việt Nam. Ông Khalid Muhmood – Chủ tịch HĐQT trường Đại học Anh Quốc nói về bước tiến mang tính đột phá này.
– Tại sao Apollo lại chọn thời điểm này để thành lập một trường đại học có quy mô tại Việt Nam, thưa ông? Ông có thể giới thiệu sơ lược về quy mô, chương trình đào tạo của trường?
Như các bạn đã biết, Apollo đã hoạt động tại Việt Nam từ nhiều năm nay và đã giúp nhiều học viên nâng cao khả năng tiếng Anh cũng như các kỹ năng phát triển nghề nghiệp. Thực tế là có nhiều bạn trẻ ham học và mong muốn được đi du học, đặc biệt là du học tại Anh nhưng lại không có đủ điều kiện kinh tế. Chúng tôi quyết định đây chính là thời điểm thích hợp để thành lập trường đại học Anh quốc đầu tiên tại Việt Nam, một trường đại học quốc tế có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học uy tín nhất tại Anh quốc.
Các trường đại học |
Trước mắt, chúng tôi dự định tuyển 1.000 sinh viên, nhưng mục tiêu xa hơn của chúng tôi là 10.000 sinh viên mỗi năm. Mức học phí sẽ sớm được công bố, nhưng chắc chắn chi phí sẽ thấp hơn nhiều so với chi phí học tập tại Anh. Sinh viên sẽ được theo học các chương trình đại học quy củ nhất và nhận được bằng cấp của các trường đại học uy tín hàng đầu thế giới như là Đại học London và Đại học Staffordshire. Các chương trình học, phương pháp giảng dạy, giảng viên, các kì thi đều phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo của các trường đối tác và đều được thanh tra đều đặn.
– Điểm khác biệt của Trường Đại học Anh quốc so với một số Trường Đại học quốc tế tại Việt Nam là gì, theo ông?
Chúng tôi có những thế mạnh riêng. Thứ nhất, chúng tôi chú trọng vào việc tạo cơ hội việc làm cho sinh viên của mình, nghĩa là chúng tôi sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ sinh viên tìm được công việc tốt với những công ty năng động như HSBC, VNPT, Prudential. Thứ hai, những gì sinh viên tiếp thu được tại Trường Đại học Anh quốc sẽ không chỉ bó hẹp trong kiến thức sách vở, mà họ còn học được cách suy nghĩ sáng tạo, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian và những kỹ năng khác hữu ích cho cuộc sống. Hơn nữa, bằng cấp của chúng tôi là bằng cấp giáo dục Anh quốc.
– Việt Nam đang khuyến khích mô hình đào tạo liên kết giữa các trường đại học nước ngoài và đại học hoặc cao đẳng trong nước. Theo ông, mô hình này có sự khác biệt như thế nào so với hoạt động của các trường đại học quốc tế như Apollo và RMIT?
Mục tiêu của chúng tôi là mang nền giáo dục tốt nhất của Anh quốc đến với Việt Nam. Chúng tôi có những mối quan tâm khác chứ không chỉ riêng về vấn đề bằng cấp, đồng thời chúng tôi đặt trọng tâm vào kinh nghiệm học tập cũng như chất lượng học tập. Tôi tin tưởng rằng những kinh nghiệm học tập tại trường đại học của chúng tôi sẽ tạo nên sự khác biệt so với những trường đại học khác tại Việt Nam. Tôi nhận thấy cán cân cung cầu đối với bậc giáo dục đào tạo sau đại học tại Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các trường đại học nếu họ biết tập trung vào thế mạnh của chính mình.
– Thực tế cho thấy sinh viên Việt Nam thường có kết quả học tập tốt nhưng sau khi tốt nghiệp họ lại thiếu các kỹ năng cần thiết để được tuyển dụng. Theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Vấn đề chính nằm ở chỗ các trường đại học Việt Nam thường tập trung vào truyền tải lý thuyết nhưng lại thiếu sự truyền đạt cho sinh viên những kiến thức thực tế. Những sinh viên tốt nghiệp có kiến thức khá chắc về lĩnh vực họ theo học, nhưng lại không có các kỹ năng mà bất cứ một công ty nào cũng yêu cầu như: khả năng suy nghĩ sáng tạo, cách làm việc độc lập, cách làm việc theo nhóm và khả năng quản lý thời gian… Những kỹ năng này không được học qua các bài giảng lý thuyết trên lớp mà phải được tiếp thu qua quá trình học tập của sinh viên. Đó là lý do tại sao tại Trường Đại học Anh quốc, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo cho sinh viên cả kiến thức và kinh nghiệm thực tế của lĩnh vực mà học viên đang theo học.
Những hình thức hỗ trợ sinh viên rèn luyện những kĩ năng sống trong quá trình học tại trường sẽ rất đa dạng và được lồng ghép trong suốt quá trình học tập – bao gồm những bài tập làm việc theo nhóm và các bài tập dạng này sẽ chiếm một số điểm lớn trong tổng kết quả đánh giá học tập của mỗi sinh viên. Chương trình hỗ trợ cũng có thể dưới hình thức đào tạo của những giảng viên thỉnh giảng hiện đang làm việc cho các tập đoàn lớn như HSBC, Prudential, KPMG và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đó cũng có thể là những kì thực tập tại các công ty trong và ngoài nước như một yêu cầu tất yếu cho việc tốt nghiệp. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng các doanh nghiệp để cung cấp cho sinh viên nhiều cơ hội tương tác thực tế với cộng đồng doanh nghiệp.
– Mặc dù đã có rất nhiều cải cách, nhưng dường như hệ thống giáo dục và đào tạo Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với những mong muốn của Chính phủ và người dân về chất lượng giảng dạy. Ông có gợi ý gì cho Chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề này?
Có một số điểm mà chúng ta cần lưu ý. Thứ nhất, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều gặp phải các vấn đề khác nhau liên quan tới hệ thống giáo dục chứ không riêng gì Việt Nam. Lời giải cho vấn đề này là khuyến khích phát triển của các cơ sở giáo dục và đào tạo tư nhân. Sự khuyến khích này đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm và việc một số tổ chức tư nhân được cấp phép hoạt động chứng tỏ tiến trình trên đang diễn tiến rất tốt đẹp.
– Dù đang thu hút đầu tư, song Việt Nam hiện mới có các dự án quy mô nhỏ, tập trung vào các bậc giáo dục cấp thấp hoặc đào tạo ngắn hạn. Theo ông đâu là những rào cản đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào hệ thống giáo dục và đào tạo ở Việt Nam?
Rào cản lớn nhất là tệ tham nhũng và bè phái trong việc đưa ra quyết định, tuy nhiên những rào cản này có thể vượt qua được bằng sự kiên nhẫn, quyết tâm và tầm nhìn xa.
Ngoài ra, khi một tổ chức đã được cấp phép hoạt động thì lại vướng phải vấn đề địa điểm. Các tổ chức giáo dục không thể trả chi phí thuê đất, văn phòng tương tự như các doanh nghiệp thương mại. Vì vậy, theo ý kiến cá nhân tôi, Chính phủ Việt Nam nên tạo ra các khu vực dành riêng cho giáo dục và tôi hy vọng việc này sẽ giúp các tổ chức giáo dục dễ dàng hơn trong việc xây dựng cơ sở đào tạo của mình.
Tôi hy vọng chúng tôi sẽ góp phần làm thay đổi những “định kiến” về giáo dục tư nhân tại Việt Nam, đồng thời sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của các cơ sở giáo dục tư nhân của Việt Nam để sánh ngang với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Tôi nghĩ rằng việc làm thay đổi nhận thức về hệ thống giáo dục tư nhân sẽ không thuộc về trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam, mà chính các tổ chức giáo dục tư nhân phải có trách nhiệm làm điều đó.
Hồng Ngọc (dddn)
Bình luận (0)