Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần rà soát và bỏ những khoản thu không cần thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM cần rà soát lại các khoản thu tại các trường học trên địa bàn thành phố, khoản thu nào không cần thiết thì nên bỏ…


Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, việc xây dựng tờ trình dự thảo các khoản thu luôn được Sở quan tâm

Rà soát danh mục khoản thu, thận trọng đưa ra mức thu

Trong buổi giám sát của Ban VHXH, HĐND TP.HCM với Sở GD-ĐT TP.HCM về các khoản thu dịch vụ giáo dục sáng 29-3, ông Cao Thanh Bình thông tin, Thường trực HĐND TP.HCM nhận được tờ trình 720 của UBND TP.HCM xin chủ trương xây dựng dự thảo nghị quyết thu chi. Ban đã có tham mưu thường trực HĐND TP.HCM chấp thuận để UBND TP.HCM xây dựng dự thảo nghị quyết liên quan đến các khoản thu phục vụ hoạt động hỗ trợ giáo dục của cơ sở giao dục công lập trên địa bàn thành phố từ năm học 2023-2024.

HĐND TP.HCM lưu ý, trong thời gian vừa qua việc thực hiện mức các khoản thu theo thông tư 55, 16 song quá trình tổ chức thực hiện ở góc độ nào đó chưa đồng bộ giữa các đơn vị. Mức thu ngoại thành, nội thành khác nhau, trong cùng một địa bàn cũng khác nhau, cá biệt mức thu tại các trường trong từng lớp cũng khác nhau.

Khi xây dựng tờ trình, ông nêu rõ, về danh mục các khoản thu, Sở GD-ĐT cần rà soát trên toàn địa bàn thành phố có bao nhiêu khoản thu. Sau đó ngồi lại đánh giá khoản thu nào cần thiết, khoản nào không nên, lọc ra danh sách.

Từ danh mục đó, Sở thận trọng đưa ra các mức thu, tính toán khu vực ngoại thành, nội thành, với các trường có sĩ số lớp, vì HĐND TP.HCM chỉ có thể đưa ra mức cụ thể.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, Sở rất quan tâm xây dựng tờ trình thực hiện khoản thu dịch vụ trong trường, với nhiều nội dung như thu buổi 2, thực hiện đề án, khoản thu thỏa thuận…

TP.HCM đa dạng cac loại hình, mỗi nơi có cách thức tổ chức khác nhau, nội ngoại thành, từng đơn vị có những mô hình khác nhau để phát triển định hướng học sinh. Sở sẽ có tính toán, quan tâm để xây dựng mức thu làm sao cả ngoại thành, nội thành đều đáp ứng được, theo đặc thù…

Chỉ nên thu quỹ trường, không nên thu quỹ lớp

Liên quan đến các khoản thu quỹ cha mẹ học sinh, ông Cao Thanh Bình nhìn nhận, quỹ cha mẹ học sinh bổ trợ rất nhiều cho các hoạt động giáo dục, sân chơi của trường, giúp các ý tưởng sáng tạo cho học sinh tăng thêm, các chương trình ngoại khóa được đẩy mạnh, công phu…

Theo ông Bình, Sở GD-ĐT cần phải khẳng định quỹ này là cần thiết. Đừng để một số trường khi thấy dư luận không dám thu. Tuy nhiên, quỹ cha mẹ học sinh chỉ dừng ở mức quỹ trường, không nên để thu quỹ lớp vì rất khó quản lý. Góc độ lớp chỉ ở mức độ hỗ trợ bổ trợ thêm các hoạt động cho lớp.

“Khảo sát quận 1 cho biết đến 50% trường không thu quỹ cha mẹ học sinh trường nhưng đi vào khảo sát thì lại thu quỹ lớp. Khi khảo sát vẫn còn trường đặt lên vai gánh nặng cho phụ huynh học sinh. Đâu đó còn hiểu thông tư 16, 55 đan xen. Một số đơn vị nói thu quỹ phụ huynh không bắt buộc nhưng đọc biên bản thì lại “còn vấn đề”. Việc thực hiện thông tư 16, 55 Sở cần có văn bản rà soát, chấn chỉnh lại, tránh lạm thu…”- ông Bình đề nghị.

Về các khoản thu chi hoạt động hỗ trợ giáo dục, ông lưu ý Sở GD-ĐT cần tăng cường hơn nữa quản lý số về phê quyệt kế hoạch vận động tài trợ của các trường, rà soát, nắm chắc tình hình ở các phòng giáo dục. Đây là nội dung nhạy cảm. Khi phê duyệt cần xem danh mục này các năm trước đã thực hiện chưa. Nếu tiếp tục đề xuất danh mục này thì ở nội dung nào, tránh tình trạng năm trước sửa sang, năm sau lại làm lại. Khi phê duyệt cũng cần xem mức thu cũng khong quá cao, cần nắm được cơ sở nào mà đơn vị lại dự toán như thế.

Mặc dù mang tiếng không bắt buộc, không ép nhưng khi đi khảo sát một đơn vị thì danh sách vận động tài trợ đến 90% phụ huynh học sinh của trường đóng góp. Vậy thì coi như gần như là một khoản thu của phụ huynh học sinh. Trong khi đó, tài trợ là đóng góp của một tổ chức, nhóm cá nhân, phụ huynh nào đó. Khi đi sâu hơn nữa về biên bản họp thì thấy rằng quy định rõ mức thu của từng học sinh. “Đừng nên để gánh nặng lên phụ huynh” – ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Bình lưu ý Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cần quan tâm các khoản thu về tiếng Anh tăng cường; việc thu phí triển khai thu phí không dùng tiền mặt; đấu thầu căng tin, bãi giữ xe; việc tổ chức 2 buổi/ ngày ở bậc trung học khi xuất hiện tình trạng một số trường “dồn” cho học sinh học chương trình ở buổi chính khóa để tổ chức các hoạt động thêm vào buổi 2 và thu tiền.

“Sở GD-ĐT cần phải có khảo sát, đánh giá tác động chặt chẽ của các khoản thu, rà soát lại các mức thu dịch vụ khác để có khung chung, từ đó xây dựng nghị quyết phù hợp. Phấn đấu hoàn thành tờ trình vào giữa tháng 6 để trình UBND TP.HCM kịp kỳ họp HĐND vào tháng 7 tới” – ông nói.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)