Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Cắn răng” bán gạo giá thấp để khơi thông xuất khẩu

Tạp Chí Giáo Dục

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà xuất khẩu gạo lớn Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo Việt Nam buộc phải bán giá thấp để đẩy xuất khẩu.

Tại buổi họp sơ kết xuất khẩu gạo quý I-2013 (TP.HCM ngày 4-4), ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết giá gạo 5% tấm hiện ở mức 395 USD/tấn, thấp hơn 40-50 USD/tấn so với Ấn Độ, Pakistan. So với cùng kỳ năm 2012, giá gạo bình quân giảm 44,5 USD/tấn. Các DN đứng trước hai lựa chọn: Hạ giá để bán ra cạnh tranh hoặc giữ giá cao nhưng không bán được. Mà nếu không bán được thì tồn kho tăng, không thể quay vòng vốn trả nợ ngân hàng, không tiêu thụ kịp thời thì giá lúa gạo trong nước giảm mạnh, nông dân chịu thiệt.

Đáng lưu ý là trong 1,5 triệu tấn gạo xuất khẩu ở quý I, có đến 1/3 xuất qua Trung Quốc với giá thấp vì không có nhu cầu từ các thị trường khác. Với châu Phi, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai thì DN khó cạnh tranh với các nhà xuất khẩu Ấn Độ, Pakistan do lợi thế về cước phí vận chuyển. Bởi vậy, chỉ còn cách ký hợp đồng giá thấp mới bán được.

Trong khi đó, áp lực giải quyết hàng tồn kho lớn có thể khiến Thái Lan, Ấn Độ bán gạo ra với giá rẻ. Các hợp đồng với thị trường tập trung không còn nhiều, Indonesia thông tin sẽ không nhập gạo trong năm 2013, Trung Quốc hủy nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo với DN Việt Nam, đang quay sang nhập gạo Myanmar giá rẻ nhất thế giới bằng đường tiểu ngạch… Áp lực giải quyết 1 triệu tấn gạo đã thu mua càng làm cho các DN Việt Nam đau đầu.

Tuy nhiên, DN vẫn có thể lạc quan với một số yếu tố tích cực như Philippines thông báo mua hơn 180.000 tấn gạo, Guinea ký hợp đồng nhập mỗi tháng 20.000 tấn; nhu cầu gạo cấp cao, gạo thơm của các nước Tây Phi còn nhiều. Hợp đồng 3,5 triệu tấn gạo đã ký sẽ giao hết trong tháng 4… Dự báo trong quý II-2013 sẽ xuất khẩu 2,2 triệu tấn gạo và ký hợp đồng xuất 2 triệu tấn nữa.

“VFA sẽ điều hành giá sàn linh hoạt, hiện phải bỏ giá sàn gạo thường để DN hạ giá bán, kịp thời giải phóng nguồn cung trong nước. Đặc biệt sẽ xử phạt nặng những DN trộn gạo thường với gạo thơm để bán giá gạo thơm gây mất uy tín chung” – ông Phong nói.

QUANG HUY (PL)

Bình luận (0)