HS Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM) đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: D.Bình |
Tư vấn hướng nghiệp là muốn cho học sinh cuối cấp bước vào một môi trường mới với những gì tốt đẹp nhất, sẽ là nền tảng cho nghề nghiệp trong tương lai. Thế nhưng, khi thấy các em học xong ra trường thất nghiệp (theo lời tư vấn của mình), thầy cô lại tự dày vò bản thân. Nghề giáo là vậy, ai cũng có lương tâm và trách nhiệm.
Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là, vì bệnh thành tích mà nhà trường, thầy cô đã lấy đi ước mơ của học sinh. Cách đây mấy năm nghe đồng nghiệp kể, ở một vài trường tư thục đã tư vấn cho học sinh (và tư vấn cả phụ huynh) nên thi vào ĐH này, ĐH kia theo năng lực chứ không phải theo đam mê, mặc dù việc chọn ngành nghề cần song hành cả năng lực lẫn đam mê. Theo đó, những em “tốp trên” sẽ thi các trường danh tiếng, những em “tốp dưới” sẽ thi vào các trường thấp hơn để học sinh của trường đều 100% đậu ĐH. Việc học sinh đậu ĐH tỉ lệ cao, đó là vinh dự lớn của nhà trường, của gia đình và của các em. Nhưng để đạt tỉ lệ cao mà hướng học sinh chỉ theo năng lực chẳng khác nào đánh cắp ước mơ các em, làm trái lương tâm của người làm nghề giáo.
Thà không tư vấn thì thôi, chứ khi tư vấn thì phải xuất phát từ trái tim và trách nhiệm của người thầy.
Thái Việt Hùng
Bình luận (0)