Trước tình hình trộm cướp ngày càng manh động, tinh vi, việc tái lập lực lượng săn bắt cướp (SBC) là mong mỏi của người dân TP.HCM.
Việc tái lập lại lực lượng SBC sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các cơ quan chức năng khác trong việc truy bắt tội phạm. Ảnh: I.T |
Theo đó, đây sẽ là lực lượng tinh nhuệ trong việc điều tra và trấn áp tội phạm, góp phần xây dựng TP văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Cần thiết tái lập SBC
Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo cao cấp của TP.HCM đã nghỉ hưu, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định sẽ tái lập SBC trong thời gian tới. Mới đây, làm việc với Công an Q.3, ông Thăng cũng đã đặt vấn đề về các biện pháp kéo giảm tội phạm và nêu cụ thể về việc thành lập SBC.
Anh Nguyễn Văn Muốc (Công an viên xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), người đã phát hiện và theo đuổi Hồ Duy Trúc – kẻ cầm đầu vụ chặt tay và cướp xe SH tại chân cầu Mỹ Thủy (Q.2) đêm 24-11-2012 – chia sẻ: “Giải pháp đẩy lùi trộm cướp là tái lập SBC”. Theo anh Muốc, ngoài khôi phục lại lực lượng này, các địa phương cần phát huy sức mạnh từ nhân dân, xây dựng đoàn kết giữa địa phương này và địa phương khác.
“SBC không chỉ đơn thuần là những người dám xông pha, bất chấp hiểm nguy mà ở họ phải sống và làm việc vì người khác, không vụ lợi cá nhân, không dùng sức mạnh, uy quyền để trục lợi. Không chỉ có chút võ nghệ, chút gan dạ, liều lĩnh là đủ mà SBC phải được hỗ trợ về mặt pháp lý, hiểu biết pháp luật và các kỹ năng cơ bản để phòng tránh tai nạn, sự cố khi trấn áp tội phạm”, ông Muốc nói.
Có lực lượng SBC nhưng để giải quyết phần nào về nạn trộm cướp tại một địa bàn đông dân, phức tạp về an ninh trật tự như TP.HCM, giảng viên Bộ môn tội phạm học Nguyễn Hải Ly (TP.HCM) cho rằng, cần phải xây dựng mạng lưới thông tin từ người dân, khi phát hiện đối tượng khả nghi có thể báo ngay cho lực lượng này bằng cách nào đó có thể.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, hành nghề xe ôm khu vực chợ Nguyễn Thái Bình (Q.1) cho biết, ông trưởng thành ở thời lực lượng SBC “tung hoành” ngang dọc tại TP.HCM. “Họ giỏi lắm, không chỉ là tay súng thiện xạ, hết lòng vì dân và đặc biệt là góp phần mang lại nhiều thành tích cho Công an TP những ngày sau giải phóng. Những tên cầm đầu băng đảng khét tiếng lúc bấy giờ, chỉ cần nghe tên của SBC là sợ. Tôi nghĩ rằng, TP nên thành lập và công nhận SBC là một lực lượng tinh nhuệ, chuyên nghiệp, đấu trí sắc sảo trong điều tra và trấn áp tội phạm chứ không đơn giản là xuống đường rượt đuổi cướp”.
Đảm bảo quyền lợi cho SBC
Ông Hoàn cũng thừa nhận lực lượng phản ứng nhanh 113 đã hết… nhanh. “Nhiều lần cướp giật trà trộn vào chợ móc túi, giật túi xách của khách du lịch, bà con tiểu thương gọi báo lực lượng này nhưng không có kết quả. Vì vậy, việc tái lập SBC theo tôi là cần thiết”.
Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến (Q.Tân Phú, TP.HCM) từng được nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gợi ý đặc cách để trở thành một chiến sĩ bắt cướp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân sự cho lực lượng vũ trang nhân dân là khá chặt chẽ, đến nay dù có nhiều thành tích nhưng anh cũng chỉ là một hiệp sĩ đường phố. Anh Tiến và các cộng sự cũng mong muốn TP.HCM tái lập lực lượng SBC. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, TP cũng rà soát lại cách tổ chức phù hợp với tình hình thực tế chứ không như những năm trước đây.
Đứng về mặt pháp lý, chia sẻ với Giáo dục TP.HCM, luật sư Nguyễn Hải Bằng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, TP.HCM có đủ cơ sở để lập lại lực lượng SBC. Tuy nhiên, với các ngành luật và văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay, hoạt động của SBC hoàn toàn không độc lập với các lực lượng trấn áp tội phạm khác mà phải có sự hỗ trợ lẫn nhau. Những cá nhân hoạt động trong SBC cũng phải được đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích vật chất, được pháp luật quy định rõ về lĩnh vực, địa bàn hoạt động.
Luật sư Bằng cũng đề xuất, TP.HCM và một số địa phương quy hoạch lại hoạt động của hiệp sĩ đường phố chứ không để tồn tại hoạt động nhỏ lẻ, tự phát như lâu nay. Theo đó, mỗi hiệp sĩ đường phố sẽ trở thành thành viên nòng cốt của SBC, hoạt động một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn. Lúc này, mỗi cá nhân được công nhận sẽ được trang bị nhiều kỹ năng cần thiết và quy định rõ những gì được và không được làm khi tham gia trấn áp tội phạm.
Thực tế lâu nay, hiệp sĩ đường phố hoạt động tự phát trên tinh thần tự nguyện, không cơ quan, tổ chức nào quản lý. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ lạm quyền, vô tình vi phạm pháp luật, thậm chí còn bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc thực hiện mục đích cá nhân.
Trần Anh
Bình luận (0)