Một tiết thực hành ngành cơ khí của sinh viên một trường CĐ. Ảnh: D.Bình
|
Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TP.HCM vừa có văn bản gửi Tổng cục Dạy nghề, Vụ Pháp chế – Thanh tra (Bộ LĐ-TB&XH) góp ý về dự thảo thông tư hướng dẫn Luật GDNN. Theo đó, Hội GDNN TP.HCM cho rằng cần lưu ý sửa đổi, bổ sung một số điểm chính trong dự thảo này.
ĐH không nên đăng ký đào tạo CĐ
Tại nội dung quy định về đăng ký hoạt động GDNN, đối với đối tượng áp dụng, dự thảo ghi rõ cơ sở giáo dục ĐH có đăng ký đào tạo trình độ CĐ (gọi là trường), Hội GDNN TP.HCM cho rằng cần quy định trường ĐH không được đăng ký đào tạo từ CĐ trở xuống mà nên giảng dạy từ ĐH trở lên. Tương tự, đối với việc đăng ký hoạt động GDNN, Hội GDNN TP.HCM cho rằng cần bỏ phần trường ĐH chỉ được đăng ký trình độ CĐ nếu có ngành hoặc chuyên ngành đang đào tạo trình độ ĐH, bởi nếu cho phép trường ĐH đào tạo trình độ này thì việc phân luồng không thể thực hiện được. Trường ĐH chỉ nên đào tạo theo hướng nghiên cứu và bậc học cao hơn.
Thiết bị không thể xây dựng trước chương trình
Dự thảo thông tư Luật GDNN, tại mục II, điều 4 về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN có nêu rằng: Các trường phải có đủ thiết bị đào tạo theo quy định với các ngành, nghề đào tạo đã có danh mục thiết bị do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành. Trường hợp các ngành, nghề chưa có quy định về danh mục thiết bị đào tạo phải đảm bảo thiết bị đào tạo theo quy định trong chương trình đào tạo.Hội GDNN TP.HCM cho rằng quy định danh mục thiết bị theo quy định hiện hành là chưa hợp lý bởi chương trình đào tạo là từng trường xây dựng nên thiết bị không thể xây dựng trước được và giao việc lập danh mục thiết bị cho các trường chủ động thực hiện. Bộ LĐ-TB&XH chỉ nên kiểm tra mức độ phù hợp giữa chương trình và danh mục thiết bị do các trường tự xây dựng.
Tại điều này, dự thảo thông tư Luật GDNN nêu rõ các trường phải có đủ phòng làm việc, khu hành chính và khu hiệu bộ, đảm bảo đáp ứng cơ cấu tổ chức phòng, khoa, bộ môn chuyên môn, đảm bảo diện tích ít nhất là 0,6m2/người đối với trường TC, 0,8m2/người đối với trường CĐ. Tuy nhiên, Hội GDNN TP.HCM cho rằng điều này mâu thuẫn với dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật GDNN về diện tích phòng học là 0,4-0,5m2/người.
Ban hành khung trình độ, thay đổi tên gọi văn bằng
Phần quy định về xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo trình độ TC, CĐ, Hội GDNN TP.HCM cho rằng Bộ LĐ-TB&XH cần nhanh chóng ban hành khung trình độ nghề quốc gia, chuẩn đầu ra các nghề tại các cấp trình độ. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng cần có thông tư hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở GDNN trong việc xây dựng chương trình và tổ chức lớp học theo mô-đun, chứng chỉ.
Bên cạnh đó, Hội GDNN TP.HCM còn đề nghị thay đổi tên gọi thống nhất các văn bằng, chứng chỉ được cấp sau khi tốt nghiệp các trình độ đào tạo. Cụ thể, tốt nghiệp CĐ được cấp bằng kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành, tốt nghiệp TC được cấp bằng kỹ thuật viên, tốt nghiệp các khóa sơ cấp được cấp chứng chỉ khóa học…
Ngoài ra, Hội GDNN TP.HCM còn đề nghị cơ quan chức năng quản lý GDNN cần nhanh chóng ký liên tịch với Bộ Tài chính để có thông tư hướng dẫn chi tiết về quy trình, thủ tục thực hiện chế độ miễn phí cho các đối tượng trong Luật GDNN quy định (hình thức học theo niên chế, mô-đun, tín chỉ, thời gian thực hiện…). Đồng thời, cần có quy định rõ hơn về quy chế tuyển sinh theo mô-đun, tín chỉ; có điều luật quy định trách nhiệm cơ sở GDNN trong việc xây dựng hệ thống tổ chức thông tin dự báo thị trường lao động tại các trường; quy định rõ về trách nhiệm và quyền hạn cơ sở GDNN trong việc cấp giấy chứng nhận cho học sinh học bổ sung trình độ văn hóa sau khi đã tốt nghiệp TC…
DƯƠNG BÌNH
Vừa qua, Hội GDNN TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm đóng góp ý kiến cho các dự thảo thông tư hướng dẫn Luật GDNN. Buổi tọa đàm này có 34 đại biểu gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giám đốc, phó giám đốc và trưởng phòng đào tạo các trường CĐ, TC, trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố tham dự. Tại đây, các đại biểu đã thống nhất các ý kiến đóng góp điều chỉnh, bổ sung cho dự thảo này. |
Bình luận (0)