Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần sửa quy chế để có thể bảo lưu kết quả học ĐH suốt đời

Tạp Chí Giáo Dục

Hằng năm, có nhiều sinh viên phải tạm dừng học vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, nếu không kịp quay lại trường trong khoảng thời gian quy định thì không được bảo lưu kết quả học tập và phải đăng ký thi hoặc xét tuyển lại từ đầu.

Các chuyên gia cho rằng đây chính là rào cản đối với triết lý học tập suốt đời – một xu hướng đang cần khích lệ.

Nhu cầu chính đáng

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hằng năm tại trường có không ít sinh viên (SV) phải tạm dừng học tập vì các lý do như hoàn cảnh gia đình, kinh tế, sức khỏe, định hướng nghề nghiệp… Trong số đó, không phải ai cũng có điều kiện quay lại học tiếp trong khoảng thời gian mà quy chế đào tạo ĐH cho phép.

“Có thể sau một thời gian dài, người học mới có đủ điều kiện để nghĩ đến việc tiếp tục học ĐH. Lúc này, các bạn sẽ không còn được bảo lưu kết quả học tập trước đó mà phải “làm lại từ đầu”, từ việc xét tuyển đầu vào đến việc học tập. Hiện quy chế đào tạo của ta đang gây khó cho người học, chưa mở như ở nước ngoài nên đây chính là rào cản đối với việc học tập suốt đời của người dân”, tiến sĩ Hạ nhìn nhận.

Cần sửa quy chế để có thể bảo lưu kết quả học ĐH suốt đời  - ảnh 1

Hiện nay việc bảo lưu kết quả học tập của sinh viên bị giới hạn trong một thời gian nhất định. MỸ QUYÊN

Theo tiến sĩ Hạ, học tiếp ĐH sau một thời gian dang dở, cũng như học để lấy tiếp bằng ĐH thứ hai, thứ ba hay học nâng cao trình độ là một nhu cầu chính đáng và xuất hiện ngày càng nhiều. “Trong thời đại ngày nay, những thách thức của công việc đòi hỏi người lao động luôn phải cập nhật kiến thức, kỹ năng và học nâng cao để đáp ứng yêu cầu thực tế, bất kể ở độ tuổi nào. Việc học tập suốt đời đang là xu hướng và các nước phát triển luôn có chính sách mở, không làm khó người học”, tiến sĩ Hạ chia sẻ thêm.

Tại Trường ĐH Sài Gòn, năm học 2021 – 2022 có gần 200 SV xin bảo lưu kết quả học tập và 75 SV xin nghỉ học hẳn theo nhu cầu cá nhân. Tại Trường ĐH Cần Thơ, số lượng SV chủ động xin dừng học mỗi năm vì lý do cá nhân cũng lên tới hàng trăm em.

Quy chế tuyển sinh mở nhưng quy chế đào tạo còn rào cản

Theo thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, nếu chương trình đào tạo là 4 năm, trường hợp SV đang học năm 3 mà tạm dừng thì chỉ còn 5 năm để quay lại, tương tự đang học năm 4 thì chỉ còn 4 năm để quay lại. “Quy chế tuyển sinh ĐH đã rất mở nhưng quy chế đào tạo còn nhiều rào cản đối với người có nhu cầu học tập suốt đời”, thạc sĩ Khang cho hay.

Bất cứ lúc nào người học muốn quay lại thì đều nên được khuyến khích và tạo điều kiện để các bạn học tiếp ĐH. Nhất là những người đã lớn tuổi nhưng vẫn hiếu học, có ý chí học tập.

Tiến sĩ PHẠM TẤN HẠ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Thạc sĩ Phạm Thùy Linh, Phó khoa Ngôn ngữ văn hóa quốc tế Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, cũng cho biết: “Tôi từng ký giấy bảo lưu cho nhiều SV, phần lớn các em nghỉ để đi làm thêm lấy tiền trang trải học phí. Một số bạn thì xin nghỉ luôn vì khó khăn, nhất là trong mấy năm dịch vừa rồi. Trong số đó nhiều bạn học rất giỏi. Tôi tin là khi nào có điều kiện, không ít bạn sẽ vẫn muốn quay trở lại học tiếp ĐH, vấn đề là nếu quá thời gian quy định thì phải bắt đầu lại từ đầu. Điều đó có khi lại khiến các bạn từ bỏ việc quay lại”, thạc sĩ Thùy Linh nhận định.

Tên của sinh viên sẽ bị “xóa sổ” nếu vượt quá thời gian quy định

Thông tư ban hành quy chế đào tạo trình độ ĐH có hiệu lực từ ngày 3.5.2021, thay thế cho các quy chế trước đây, quy định thời gian tối đa để SV hoàn thành khóa học không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo. Chẳng hạn chương trình học là 4 năm thì SV có tối đa 8 năm để hoàn thành. Vượt quá thời gian trên coi như tên của SV sẽ bị “xóa sổ” và muốn học phải thi hay xét lại từ đầu.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thừa nhận sau khoảng thời gian mà quy chế đào tạo cho phép, nhà trường sẽ không thể tiếp tục bảo lưu kết quả học tập cho SV. “Trường hợp SV muốn quay trở lại học sau khi quá thời gian bảo lưu phải đăng ký thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy chế tuyển sinh ĐH”, tiến sĩ Quốc Anh thông tin.

Cần sửa quy chế để có thể bảo lưu kết quả học ĐH suốt đời  - ảnh 2

Bà Joyce DeFauw trong buổi lễ tốt nghiệp tại ĐH Northern Illinois (Mỹ). Bà quay trở trường ĐH tiếp tục chương trình bị dở dang cách đây 68 năm. ĐH NORTHERN ILLINOIS

Nên tạo điều kiện để người học có thể quay lại bất cứ lúc nào

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho rằng việc này rất dễ, chỉ cần Bộ GD-ĐT thay đổi quy định về thời gian tối đa để SV hoàn thành khóa học là… không giới hạn.

“Bất cứ lúc nào người học muốn quay lại thì đều nên được khuyến khích và tạo điều kiện để các bạn học tiếp ĐH. Nhất là những người đã lớn tuổi nhưng vẫn hiếu học, có ý chí học tập. Đặc biệt là phải được công nhận những kiến thức, tín chỉ đã hoàn thành trước đó, cho dù thời gian trôi qua là 5, 10 năm hay lâu hơn nữa. Đầu vào cũng không quan trọng vì các bạn trước đó đã đạt yêu cầu về thi hay xét tuyển. Quan trọng là quá trình học, SV phải theo được và đáp ứng được chuẩn đầu ra mới có thể tốt nghiệp”, tiến sĩ Hạ lý giải về quan điểm của mình.

Ý KIẾN

“Với bất cứ công dân nào trước đó không có điều kiện học ĐH, phải bỏ dở, mà sau này lại có động lực quay trở lại giảng đường thì Bộ GD-ĐT nên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ được “học tập suốt đời”. Vì vậy, nên cho các trường ĐH được chủ động, linh hoạt tiếp nhận người học theo tiêu chí phù hợp. Hỗ trợ người học quay trở lại trường, công nhận kết quả học tập trước đó của họ và quan trọng là người học nghiêm túc thực hiện chuẩn đầu ra, điều đó sẽ tốt hơn rất nhiều so với quy định “làm khó” ở đầu vào”.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh

(giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)

“Tôi mong rằng VN mình cũng nên khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho những người có tinh thần học tập suốt đời được theo học, bằng chính sách mở thực sự. Nên bỏ quy định về thời gian bảo lưu kết quả học tập, từ đó người học dù lớn tuổi, nếu đã trúng tuyển và học 1, 2 năm ĐH ở những năm trước đó, sẽ không cần phải thi hay xét đầu vào, đồng thời được công nhận kết quả học tập trước đây”.

Thạc sĩ Phạm Thùy Linh

(Phó khoa Ngôn ngữ văn hóa quốc tế Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM)

Thạc sĩ Duy Khang cũng nhìn nhận khi người học đã tích lũy được một khối lượng tín chỉ trong quá trình học ĐH, thì kiến thức đó được xem như vĩnh viễn. Vì thế việc bảo lưu kết quả học tập không giới hạn về thời gian cho người học, là hoàn toàn hợp lý. “Không cần phải điều kiện gì mới có thể làm được việc này, chỉ cần Bộ GD-ĐT cho phép, “mở” như nước ngoài, lúc đó các trường ĐH sẽ chủ động thực hiện, tạo điều kiện tối đa cho người học”, thạc sĩ Khang chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cho rằng Bộ GD-ĐT nên tạo cơ chế linh hoạt cho các trường ĐH được xây dựng quy định phù hợp để SV quay trở lại học không bị vướng rào cản của quy chế tuyển sinh, đồng thời được công nhận những tín chỉ đã tích lũy phù hợp trước đó. “Song song đó, các trường cũng cần xây dựng chương trình đào tạo mang tính ổn định và tính công nhận linh hoạt cao để tạo điều kiện cho SV học tập thuận lợi nhất khi mong muốn”, tiến sĩ Quốc Anh cho hay.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)