Ngữ văn là môn học có nhiều thay đổi rõ nét nhất trong kiểm tra đánh giá theo Chương trình GDPT 2018, thể hiện qua đề thi tuyển sinh 10 TP.HCM năm 2025.

Để làm rõ tác động mạnh mẽ của đề thi đến việc dạy học, kiểm tra trong nhà trường, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi – giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
+ Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về đề thi tuyển sinh 10 theo Chương trình GDPT 2018 lần đầu được TP.HCM ra mới đây?
ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi: Tôi cực kỳ đánh giá cao một đề thi có chủ đề có tính giáo dục cao, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh đáp ứng tốt yêu cầu phân hóa như đề thi tuyển sinh 10 của TP.HCM năm 2025. Trong đó, muốn nhấn mạnh việc lấy yêu cầu cần đạt của Chương trình ngữ văn 2018 làm căn cứ ra đề thi, không sử dụng bộ sách mà đơn vị đang triển khai để làm quy chuẩn. Đặc biệt, việc đề thi dù lấy yêu cầu cần đạt của chương trình mới làm căn cứ ra đề thi song không áp đặt máy móc mà trái lại, cách hỏi, cách đặt vấn đề của đề lại rất gần gũi, nhẹ nhàng.
+ Vậy tinh thần một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thể hiện như thế nào trong đề thi ngữ văn? Làm thế nào để hài hòa giữa các bộ sách?
– Để nói về điều này, trước hết cần phân biệt “tri thức phải dạy” và “tri thức có thể sử dụng để ra đề thi trên diện rộng”. Vẫn xét trường hợp đề thi tuyển sinh vào lớp 10, yêu cầu cần đạt trong Chương trình ngữ văn 2018 nêu rõ đối với việc đọc thể loại thơ ở lớp 9 cần chú ý đến những tri thức như “tư tưởng, cảm hứng chủ đạo, kết cấu”. Các bộ sách giáo khoa chắc chắn cũng phải triển khai những vấn đề này trong các bài học về thể loại thơ (dưới hai hình thức: cung cấp tri thức ngữ văn và đặt câu hỏi Sau khi đọc/ Phản hồi và suy ngẫm).

Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là những nội dung này bắt buộc phải xuất hiện trong đề thi chỉ để đáp ứng tiêu chí “mới mẻ/ bám sát chương trình mới” rất máy móc mà thiểu số dư luận cực đoan yêu cầu. Hiện nay tri thức ngữ văn trong các bộ sách giáo khoa trình bày có một số điểm chưa thống nhất, một số nội dung dạy học kỹ năng khi triển khai cũng chưa đồng nhất, gây khó khăn nhất định cho việc dạy và học cũng như công tác ra đề thi trên diện rộng. Đề thi đã có sự chọn lọc tri thức để đưa vào một cách hài hòa, giúp đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
+ Với sự đổi mới của đề thi như vậy, theo ông sẽ tác động thế nào đến việc “chuyển mình” trong giảng dạy, kiểm tra đánh giá của giáo viên?
– Trên thực tế, hiện vẫn còn giáo viên dạy theo kiểu đóng khung cái nhìn của bản thân trong một bộ sách giáo khoa, như vậy là quan điểm rất sai lầm. Vì vậy, cần nhấn mạnh với giáo viên yêu cầu: việc dạy thì vẫn phải dạy theo bộ sách giáo khoa tương ứng mà địa phương/ cơ sở giáo dục đã chọn, tuy nhiên, cần mở rộng tham khảo các bộ sách giáo khoa khác để nắm bắt những điểm chưa thống nhất, thiếu tương đồng về cùng một nội dung/ đơn vị kiến thức để có thể chú ý trong công tác xây dựng đề thi, làm đề luyện tập cho học sinh.
Song song đó, cần khẳng định rằng, việc dạy kỹ năng – rèn kỹ năng cho học sinh là một yêu cầu cấp thiết. Tuy đề thi chỉ tập trung vào kiểm tra đánh giá kỹ năng đọc và viết song đọc phải gắn với nhiều loại và tiểu loại văn bản; cũng như thế, viết gắn với nhiều kiểu bài/ kiểu văn bản khác nhau. Việc giáo viên chỉ tập trung quanh những nội dung được triển khai trong bộ sách giáo khoa đang dạy mà quên dành thời gian dạy kỹ năng – rèn kỹ năng sẽ khiến học sinh mất cơ hội được có thêm kinh nghiệm để chuẩn bị cho những bài thi và cả cuộc sống về sau.
Thêm vào đó, việc rèn kỹ năng cho học sinh cần phải gắn với từng định dạng cụ thể. Chẳng hạn, trong dạy kỹ năng đọc, trước hết giáo viên cần hệ thống hóa tri thức đọc hiểu cần thiết, căn cứ vào yêu cầu cần đạt của môn học để xây dựng hệ thống câu hỏi đọc hiểu tương ứng với từng loại/ tiểu loại văn bản, từ đó mới có thể triển khai việc dạy và rèn kỹ năng đọc hiểu/ trả lời câu hỏi đọc hiểu cho học sinh.
Giáo viên cũng cần khuyến khích học sinh tìm hiểu những văn bản trong các bộ sách giáo khoa khác, áp dụng bộ câu hỏi đọc hiểu tương ứng theo loại thể mà giáo viên đã xây dựng vào việc đọc những văn bản ấy. Tương tự, học sinh cũng có thể tham khảo những đề văn trong các bộ sách giáo khoa khác có cùng kiểu bài mà bản thân đang học. Đây là một cách vừa tận dụng tốt nhất giá trị của các bộ sách, vừa gia tăng kinh nghiệm đọc – viết, tạo cơ hội trui rèn thêm kỹ năng sao cho ngày càng thuần thục, nhuần nhuyễn để có thể tự tin bước vào những kỳ thi cũng như áp dụng trong đời sống.
+ Để hỗ trợ và thúc đẩy hơn nữa việc đổi mới phương pháp cho giáo viên, tránh việc “lệch pha” giữa dạy học và yêu cầu đổi mới của đề thi gắn theo yêu cầu đổi mới của chương trình, theo ông đòi hỏi ngành GD-ĐT TP.HCM cần phải tiếp tục làm gì?
– Có thể thấy trong suốt những năm qua khi bắt đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 thì TP.HCM đã rất quan tâm đến việc tập huấn về kiểm tra đánh giá cũng như đổi mới phương pháp cho giáo viên. Dù vậy, để đáp ứng được với yêu cầu đổi mới của chương trình thì đặt ra yêu cầu tái tập huấn về kiểm tra đánh giá cho đội ngũ giáo viên trong hè nhằm chuẩn bị cho năm học mới 2025- 2026 với nhiều thách thức, khó khăn.
Trong bối cảnh sáp nhập các tỉnh thành thì việc tập huấn này càng phải được đề cao, coi trọng. Trong đó nhấn mạnh nội dung tập huấn kỹ về tiêu chí lựa chọn ngữ liệu sử dụng trong đề thi, kỹ năng xây dựng hệ thống câu hỏi/viết câu lệnh, xây dựng đáp án – hướng dẫn chấm để có thể đáp ứng ngày càng cao yêu cầu dạy học của Chương trình GDPT 2018. Hiện nay chương trình mới đã hoàn thành việc triển khai dạy học ở tất cả các lớp, đang bước vào giai đoạn phân tích – đánh giá lại để chuẩn bị cho những cập nhật/ thay đổi tiếp theo, việc tái tập huấn về kiểm tra đánh giá càng trở nên cấp thiết.
+ Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)