Tháng 3 là thời điểm sinh viên (SV) năm cuối tất bật với việc tìm kiếm cho mình một chỗ thực tập phù hợp.
Với những SV học ngành sư phạm, ngành y hoặc các trường thuộc khối vũ trang, việc thực tập luôn được các trường phân bổ địa điểm cho đi thực tập. Song với các ngành học khác như khối ngành kinh tế, kỹ thuật, xã hội… thì tìm kiếm một chỗ thực tập đúng nghĩa không hề dễ dàng.
Đặc biệt với những SV đến từ các tỉnh, không có mối quen thân thì chắc chắn mọi chuyện không dễ suôn sẻ. Hơn nữa, với đặc thù các ngành kinh tế, kỹ thuật, nhiều công ty khi mới nghe đến chuyện SV muốn xin thực tập đã e ngại lảng tránh, tìm đủ lý do để từ chối vì sợ “vướng bận chân tay” hoặc lộ bí mật của đơn vị… Đôi khi đã nhận vào thực tập, cũng chỉ phân công làm những việc vặt giống nhân viên tạp vụ như pha trà, rót nước, quét dọn, photo công văn giấy tờ. Thậm chí, có những công ty, cơ quan còn yêu cầu SV thôi hãy cứ ở nhà, muốn ký nhận xét, đánh giá thì cuối kỳ thực tập cứ mang lên ký là xong.
Việc thực tập của SV là điều rất cần thiết để người học bước đầu tiếp cận, cọ xát công việc sau khi ra trường cũng như đánh giá, kiểm tra lại những gì đã học. Chính sự quan trọng này mà nhà trường cần phải có trách nhiệm trong việc tìm chỗ thực tập cho SV thông qua mối liên hệ chặt chẽ với các đơn vị doanh nghiệp, nắm bắt được nhu cầu ngành nghề của các đơn vị tuyển dụng để tạo cơ hội thực tập và việc làm cho SV sau khi ra trường. Bên cạnh đó, cần phải có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện thực tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, không chỉ giỏi lý thuyết mà phải vững về thực hành, nhằm tránh tình trạng đào tạo không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Nếu làm được điều này thì nguồn nhân lực chắc chắn sẽ có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và hơn hết sẽ mang lại sự yêu thích cho SV đối với ngành nghề mình theo học.
Văn Hoàng (TNO)
Bình luận (0)