Sinh viên ngành hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ thực hành thí nghiệm. Ảnh: Anh Khôi
|
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại Hội thảo khoa học cán bộ trẻ các trường ĐH Sư phạm toàn quốc lần thứ III năm 2013, tổ chức tại TP.Đà Nẵng ngày 26-4.
Hội thảo quy tụ gần 500 cán bộ trẻ đến từ 50 trường ĐH Sư phạm trên toàn quốc với 317 đề tài nghiên cứu đa dạng từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng và triển khai thuộc các lĩnh vực KHTN&CN, KHXH&NV, KH giáo dục & ngoại ngữ.
Tại hội thảo, các đại biểu trẻ đã dành nhiều thời gian thảo luận tại phiên toàn thể và tại các tiểu ban với nội dung chính tập trung vào phân tích, đánh giá những vấn đề mới, ứng dụng, thực nghiệm KHTN &CN vào thực tiễn đời sống, bàn về những vấn đề thuộc đời sống kinh tế xã hội, văn hóa. Trọng tâm là những ý tưởng mới, khám phá về văn học, địa lý, lịch sử, triết học… được các tác giả mang đến hội thảo; thực trạng GD-ĐT ở các trường ĐH, CĐ và phổ thông cũng như đưa ra giải pháp cải tiến nâng cao chất lượng GD-ĐT: Đội ngũ giáo viên, phương pháp dạy học…
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai hoạt động chính của trường ĐH. Xem nhẹ một trong hai sẽ dẫn đến giảm sút chất lượng đào tạo và xa rời mục tiêu hoạt động của trường ĐH. Nghiên cứu khoa học giúp cán bộ giảng viên và SV không ngừng đổi mới tư duy, phát hiện ra những vấn đề mới trong khoa học cơ bản, trong phương pháp tiếp cận sự việc và trong xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra của cuộc sống. Ở bậc ĐH, chúng ta không dạy cho SV “học gì biết nấy” mà dạy cho SV cách suy luận làm sao “học một biết 10”…
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, trên cơ sở của nền tảng kiến thức cơ bản, những quy luật tự nhiên ta có thể dễ dàng và nhanh chóng tìm ra giải pháp cho các vấn đề này nhờ cách tiếp cận thông tin và những công cụ hỗ trợ. Để làm được điều này nhất thiết chúng ta phải tập cho SV tư duy nghiên cứu khoa học, không nhồi nhét những kiến thức “chết” không cần thiết. “Sư phạm là ngành đào tạo ra những người thầy, tức là những người mô phạm để khi ra trường các nhà giáo truyền đạt cho thế hệ tiếp theo kiến thức. Điều này không có nghĩa giáo viên chỉ là một con robot chỉ đọc và chiếu những gì đã ghi trong sách giáo khoa. Giáo viên trong thời đại ngày nay nhất thiết không phải là con robot biết nói mà là những kỹ sư tâm hồn có kỹ năng tư duy sáng tạo, biến những bài giảng tưởng chừng khô khan thành các luận đề hấp dẫn để thu hút HS; là những người biết truyền lửa đam mê khám phá khoa học cho HS, nuôi dưỡng ước mơ trở thành công dân tài năng và trí tuệ”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Hội thảo lần này là dịp các cán bộ trẻ giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong cách nghiên cứu khoa học cũng như các vấn đề trong cuộc sống thực tiễn. Nếu SV ngành sư phạm không nghiên cứu khoa học mà chỉ học “chay” thì họ chỉ là một nhà mô phạm tốt chứ không phải là thầy giáo tốt. Trong khi đó, ngày nay chúng ta cần những người thầy giáo có trí thông minh, tư duy tốt chứ không chỉ cần những người học thuộc lòng và nhớ tốt. Đó cũng là một phần mục đích hội thảo được tổ chức.
Phan Vĩnh Yên
Cần người giải quyết những vấn đề liên quan đến giới trẻ
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết mong muốn có những chuyên gia đủ tầm để dẫn dắt dư luận, đặt ra giải pháp mỗi khi xảy ra những vấn đề liên quan đến giới trẻ như: Tâm lý học đường, bạo lực học đường, tác động của trò chơi trực tuyến; những vấn đề dạy thêm – học thêm, thi cử, đánh giá… Các vấn đề này hơn ai hết, những người trong ngành sư phạm có khả năng nghiên cứu sâu và đề ra giải pháp phù hợp.
|
Bình luận (0)