Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần tập trung nhiều hơn cho chất lượng đào tạo nhân lực về văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trên nhiều lĩnh vực đào tạo đã gắn với nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Tới đây, trường càng phải tập trung nhiều hơn nữa đến chất lượng đào tạo; đào tạo đi liền với sử dụng; gắn kết với các địa phương…


Ông Phan Xuân Thủy (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu

Ông Phan Xuân Thủy (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) đã đề nghị điều này khi dẫn đầu đoàn lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đến thăm và chúc mừng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) vào chiều 16-11.

Cần tập trung hơn nữa đến chất lượng đào tạo

Tại đây, ông Phan Xuân Thủy đã chúc mừng những thành quả của tập thể nhà trường đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là quá trình nỗ lực phấn đấu đào tạo, góp phần vào phát triển nền văn hóa Việt Nam. Ông cũng gửi lời chúc mừng thân tình, tốt đẹp đến đội ngũ thầy cô, cán bộ, nhân viên nhà trường nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)

Ông Thủy nhận định, vấn đề phát triển văn hóa, trong mỗi thời kỳ đều được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tùy tình hình, tùy giai đoạn lịch sử khác nhau thì đào tạo để phát triển và hội nhập văn hóa là vấn đề cần nghiên cứu trong quá trình đổi mới.

“Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, nhiều lĩnh vực đào tạo đã gắn với nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Tới đây, trường càng phải tập trung nhiều hơn nữa đến chất lượng đào tạo; đào tạo đi liền với sử dụng; tăng cường kết nối với các cơ quan, đơn vị, các địa phương… để bảo đảm vấn đề việc làm cho sinh viên” – Ông Thủy đề nghị.

Thiếu giảng viên so với quy định của Bộ GD-ĐT

Báo cáo với đoàn lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Lâm Nhân (Chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) cho biết, từ khi thành lập đến nay, trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, thông tin – truyền thông, nghệ thuật và du lịch của phía Nam lẫn cả nước. Hiện nhà trường đã đào tạo được 41.000 sinh viên, học viên… để cung cấp nguồn nhân lực cho phía Nam.


Ông Phan Xuân Thủy (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) tặng hoa chúc mừng tập thể nhà trường

Tuy nhiên, hiện nay trường còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, đối với vấn đề ngành nghề đào tạo, có những ngành nhu cầu xã hội lớn như văn hóa dân tộc thiểu số, bảo tàng học… nhưng lại quá ít người theo học.

“Trong khi đó, đặc thù của ngành về văn hóa là không thể đặt ngang hàng về mặt đầu tư với các khối ngành kỹ thuật hay kinh tế được, vì có những ngành chỉ 1 thầy và 1 trò”- ông Nhân nói.

Sự cạnh tranh công – tư ngày càng khốc liệt gây “chảy máu chất xám” cũng là vấn đề mà ông Nhân đặt ra. Ông dẫn chứng, cách đây 5 năm trường có 146 giảng viên, 1 GS, 7 PGS nhưng hiện nay chỉ còn 102 giảng viên, 3 PGS. Ông Nhân cho rằng, nếu không có những cơ chế, chính sách phù hợp thì sự cạnh tranh công – tư ngày càng lớn, trường sẽ càng khó khăn. Thực tế hiện nay có những giảng viên chỉ vào trường dạy được 1-2 năm đã rời đi để ra ngoài làm việc với mức thu nhập cao hơn hẳn so với mức lương mỗi tháng chưa đến 10 triệu đồng.

Nhà trường thừa nhận, nguồn nhân lực hiện thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay. Đáng nói, số lượng giảng viên của trường vẫn còn thiếu so với quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT.

Chưa kể, cơ chế, chính sách và các nguồn lực tạo điều kiện cho sự phát triển của trường còn hạn chế. Có nhiều viên chức xin nghỉ việc chủ yếu là do thu nhập thấp. Bên cạnh đó, môi trường và động lực làm việc cũng tác động rất lớn đến quyết định của người lao động.

Chính vì vậy, ông Nhân mong rằng, sắp tới trường sẽ được tạo điều kiện, có những cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, định hướng cho sự phát triển cũng như thu hút và “giữ chân” người lao động.

Mê Tâm

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)