Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cận Tết cần cảnh giác cháy nổ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những ngày cận Tết Nguyên Đán, ngoài nỗi lo về an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, nỗi lo về hiểm họa cháy nổ tại các khu dân cư, nhà cao tầng có thể xảy ra thường trực nếu người dân không biết đề phòng và ngăn chặn kịp thời.

Hậu quả cháy nổ để lại rất khó lường nhất là vào dịp Tết

Mỗi tuần một đám cháy

Vào chiều 11 tháng 1 vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC Q.2 bất ngờ nhận được tin báo cháy khẩn cấp từ Công ty THHH Tân Quang trên đường Mai Chí Thọ, P.An Phú. Ngay sau đó 2 xe chữa cháy kịp thời được điều động đến cùng với 14 cán bộ chiến sĩ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Gần một giờ sau đám cháy được dập tắt. Sau vụ hỏa hoạn này, hàng trăm thùng dầu và một số vật dụng khác bị thiêu hủy tổng thiệt hại gần 300 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định là do tia lửa hàn của thợ đang hàn xì các đường ống nhanh chóng bén vào vật liệu dễ cháy và gây ra hỏa hoạn tức thì.

Trước đó vào lúc 7 giờ sáng ngày 7 tháng 1, tại chung cư thuộc P.Thảo Điền, Q.2 cư dân hoảng hốt vì thấy khói đen ở tầng 7 bốc lên ngùn ngụt. Nhờ gọi 114 kịp thời mà sau đó đã được lực lượng PCCC giải cứu đám cháy trên chung cư thành công. Nguyên nhân lửa bén ban đầu được xác định do một người đàn ông nước ngoài khoảng 50 tuổi nấu ăn bất cẩn quên tắt bếp gas rồi bỏ đi ra ngoài. Gần đây nhất là vụ cháy lớn xảy ra ngày 11 tháng 1 tại kho chứa gỗ trên đường An Dương Vương, P.16, Q.8. Nhận định đám cháy có khả năng bùng phát mạnh vì khói đen nghi ngút bầu trời nên nhiều lực lượng cảnh sát PCCC của các Q.6, 11, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Phòng Cứu nạn cứu hộ… được huy động một cách tối đa. Với sự nỗ lực của 200 chiến sĩ và 32 xe chữa cháy, sau đó đám cháy đã được khống chế. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng “bà hỏa” đã thiêu hủy hoàn toàn 3 ngàn diện tích nhà kho và nhiều vật dụng khác.

Như vậy chỉ tính riêng trong nửa tháng 1 của năm 2018 mỗi tuần ít nhất có một vụ cháy với nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tập trung lại đều do ý thức con người bất cẩn, chủ quan thiếu đề phòng.

Càng cận Tết càng cảnh giác

Ai cũng thấy, càng gần Tết không khí hối hả và tất bật vì tại các cơ sở sản xuất, chợ truyền thống, trung tâm thương mại hàng hóa được tập kết nhiều hơn để phục vụ người tiêu dùng. Cũng vì thiếu đề phòng và tần suất làm việc cao nên nguy cơ cháy nổ cũng rình rập thường xuyên. Bên cạnh nhu cầu sử dụng điện tăng thì ý thức con người cũng chủ quan lơ là do chạy theo công việc thậm chí xem thường. Đây chính là “cơ hội vàng” cho nguy cơ cháy nổ đầy tiềm năng có dịp bùng phát mạnh mẽ. Đại úy Nguyễn Trí Công – đội trưởng Đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 1 (Phòng Cảnh sát PCCC Q.2) – cảnh báo, càng gần Tết, tất cả mọi người càng phải nâng cao ý thức cảnh giác đề phòng hỏa hoạn ở mọi nơi mọi lúc. Đối với các kho hàng phân xưởng công nhân thợ hàn cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa nguồn nhiệt. Chủ động tự kiểm tra về an toàn PCCC, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, tăng cường đề phòng các nguyên nhân gây ra cháy nổ.

Đại úy Nguyễn Trí Công – đội trưởng Đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 1 (Phòng Cảnh sát PCCC Q.2) – cảnh báo, càng gần Tết, tất cả mọi người càng phải nâng cao ý thức cảnh giác đề phòng hỏa hoạn ở mọi nơi mọi lúc.

Đối với người dân không được sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn lửa trần như: đun nấu, thắp nhang, thờ cúng, hút thuốc những nơi cấm lửa… Tết nhất, các loại bếp củi bếp gas, bếp từ, bếp hồng ngoại được huy động công suất một cách tối đa để nấu bánh chưng bánh tét, làm mứt, kho cá hầm thịt… nên dễ bị quá tải. Cũng vì công việc bận rộn luôn tay thay vì người nội trợ luôn túc trực sẵn bên bếp lại tranh thủ đi làm việc khác. Đây chính là dịp để làm cho bà hỏa có thêm cơ hội để viếng thăm một cách bất đắc dĩ. Bàn thờ, nhang đèn cúng kiếng bày biện khắp nơi từ nhà trên xuống nhà dưới cũng là “miếng mồi ngon” cho bà hỏa đang chầu chực từng ngày.

Theo Đại úy Công, tất cả các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC như: niêm yết các quy định, nội quy về PCCC, biển cấm lửa cấm hút thuốc (no smoking), tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi dễ thấy. Hiện nay hầu hết tại các chợ truyền thống. Trung tâm giải trí thương mại, siêu thị đều được trang bị đầy đủ các thiết bị chữa cháy. Tuy nhiên do số lượng người đông và hàng hóa chất về nhiều nên các giải pháp chữa cháy giảm tính khả thi. Nhiều khu chợ bánh mứt, quần áo che lấp bình chữa cháy và lối thoát hiểm khi cần thiết. Nguy cơ làm tăng thiệt hại về người và của khi có hỏa hoạn xảy ra là điều có thể dễ dàng trông thấy. Xuân về Tết đến, cũng đừng vì mảng vui chơi, lo làm ăn chạy theo lợi nhuận mà quên đi ý thức PCCC. Đốn củi ba năm thiêu một giờ, hậu quả mà các đám cháy để lại không thể lường hết được nhất là thiệt hại về mạng sống con người. Cũng đã có nhiều cái Tết không trọn vẹn ở một số cơ quan và gia đình do hậu quả cháy nổ để lại. Nỗi đau không chỉ tính bằng tháng bằng năm mà có khi kéo dài suốt cả cuộc đời từ Tết năm nay đến Tết năm khác. Một cái Tết không cháy nổ, không thiệt hại về người và của luôn là cái Tết bình yên và trọn vẹn.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)