Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Cận tết, nhiều đường phố ngổn ngang

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2017, tại TPHCM nhiều đường phố đã được trang hoàng và giữ trật tự để đón chào năm mới. Thế nhưng, cũng còn nhiều đường phố vẫn ngổn ngang, nhếch nhác cảnh rác xả bừa bãi, đậu xe mất trật tự và buôn bán chiếm dụng lòng lề đường.

Mỹ quan và trật tự đô thị chưa ổn

Trong những ngày cận tết, đường dây nóng Báo SGGP nhận được nhiều cuộc gọi của người dân TPHCM than phiền về chuyện đường phố nhếch nhác quá, thậm chí nhiều con đường còn bừa bộn, mất trật tự hơn lúc bình thường, do hoạt động mua bán tràn ra đường.

Chỉ một đoạn ngắn trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, nhưng có rất nhiều người lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Ảnh: THANH HẢI

Ngày thường, trên tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 5) cảnh chiếm dụng lòng, lề đường vẫn diễn ra, nay vào thời điểm cận tết còn khủng khiếp hơn nhiều. Quần áo, giày dép, túi xách, dây nịt… giăng kín vỉa hè và tràn xuống lòng đường, không còn chỗ cho người đi bộ. Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, để đối phó lực lượng giữ trật tự đô thị, những người bán hàng trên vỉa hè lại mang bàn ghế, hàng hóa gài vào dải phân cách giữa đường là ranh giới giữa phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) và phường 5 (quận 3). Hình ảnh phản cảm như vậy cũng xuất hiện trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phía trước Công viên Lê Thị Riêng), những người bán hàng rong đẩy hàng ra xếp giữa đường – nơi giáp ranh giữa quận 3 và quận 10 – như thách thức chính quyền. Nhiều người buôn bán ngang nhiên chiếm dụng lòng lề đường, trong khi chính quyền địa phương ngại xử lý vì “phải để cho người dân kiếm tiền lo tết”. Thật ra, nhiều người bán ở lòng lề đường không phải người lao động nghèo. Trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), các tiệm bán các mặt hàng trang trí bày hàng kín vỉa hè và tràn luôn xuống lòng đường, thậm chí mang cả ghế ra ngồi. Trên đường Nguyễn Thượng Hiền (phường 5, quận 3), các hàng quán chiếm vỉa hè đặt bàn ghế, thậm chí đặt cả bếp nướng xuống đường, mặc cho khói phả vào mặt người đi đường. Thường xuyên phải chịu đựng cảnh này, ông Trịnh Đình Chiêu (cư dân khu vực này) bất bình: “Vỉa hè của tuyến đường này rất hẹp mà bị chiếm dụng hết, người đi bộ đã phải đi xuống lòng đường, nay nhiều hàng quán còn đặt bếp than, lò nướng ra lòng đường, đẩy người đi bộ ra giữa đường. Vậy mà chính quyền địa phương cứ làm ngơ!”.

Đường Bắc Hải, quận Tân Bình vỉa hè bị chiếm dụng để buôn bán. Ảnh: THANH HẢI

Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, một chị ngụ tại hẻm 14 Kỳ Đồng (phường 9, quận 3) bức xúc: “Người dân góp tiền cùng Nhà nước mở rộng hẻm cho rộng rãi, khang trang hơn, nhưng rồi nay hàng quán đua nhau mọc lên. Vì hẻm không có vỉa hè nên xe máy, xe hơi của thực khách được dựng hết xuống lòng hẻm, khiến người dân đi lại rất khó khăn. Khi trong hẻm có người bệnh đi cấp cứu,  phải huy động người nhà ra dẹp xe, la hét xin đường. Dù cư dân trong hẻm nhiều lần phản ánh lên phường nhưng tình hình vẫn chưa được chấn chỉnh”.

Đó chỉ là mới kể vài con đường trong số hàng trăm con đường ở TPHCM bị chiếm dụng mà bạn đọc liệt kê. Vậy đâu đã hết, cuối năm, khi mọi người có nhu cầu gặp gỡ, giao lưu nhiều, lại sinh ra những chiêu trò câu khách như trang bị sân khấu nhạc sống. Bất chấp quán trong nhà hay quán lề đường đều sẵn sàng phục vụ nhu cầu giải trí của thực khách bằng những dàn loa khủng, khiến người dân xung quanh chỉ biết kêu trời. Đó là những quán nhậu ồn ào tập trung ở các khu phố nhậu  trên đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (thuộc các quận 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình) hay trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, Gò Vấp), Thành Thái (quận 10)…

Bày bán quần áo chiếm dụng vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: THANH HẢI

Trách nhiệm của chính quyền địa phương?

Chính quyền TPHCM đã nhiều lần chỉ đạo chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, chỉnh trang đô thị, giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các quận, phường. Thế nhưng, đến thời điểm cận tết mà kết quả lập lại trật tự và chỉnh trang đô thị vẫn chưa đạt yêu cầu.

Ông Phạm Ngọc Phát, Chủ tịch UBND phường 3, quận 5, cho biết: “Đây là thời điểm nóng về trật tự đô thị, nên phường đã lên kế hoạch chấn chỉnh, đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Trãi, luôn có tình trạng buôn bán chiếm dụng lòng lề đường. Đối với các hộ kinh doanh có địa chỉ, phường vận động, tuyên truyền và giám sát họ kinh doanh theo kiểu văn minh doanh nghiệp, không lấn chiếm lòng lề đường, không xuống đường bắt khách và không mở loa gây ồn. Đối với những hộ kinh doanh không có địa chỉ, buôn bán ngoài lề đường, phường sắp xếp họ vào buôn bán ở những khu vực phù hợp”.

Bà Phan Thị Mỹ Tiên, Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận 3, cho biết: “Phường đang lên kế hoạch phối hợp với quận tổng kiểm tra các hộ kinh doanh trên địa bàn phường. Ngoài ra, phường cũng chủ động chia lực lượng của phường thành 2 tổ để tuần tra, kiểm tra liên tục mọi hoạt động trên địa bàn phường trước, trong và sau tết. Riêng với tuyến hẻm 14 đường Kỳ Đồng, phường đã kiến nghị UBND quận 3 và Khu Quản lý giao thông đô thị Số 1 lắp biển cấm đậu xe, tiến hành xử phạt hành chính đối với các chủ xe vi phạm khi đậu trên tuyến hẻm này. Tuy nhiên, hiện lực lượng đô thị của phường đã rút về quận, phường không có nhân sự để chủ động kiểm tra, xử phạt, nên hiệu quả chưa được như mong muốn”.

Ông Nguyễn Thái Long Hải, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận 3, cho biết: “Nhiều hộ dân buôn bán trên vỉa hè đường Nguyễn Thượng Hiền thuộc diện cận nghèo, nên bên cạnh việc chấn chỉnh, phường còn phải xem xét vấn đề dân sinh. Phường cũng đã nhiều lần vận động, nhắc nhở người dân không buôn bán và không để xe lấn chiếm lòng lề đường, hiện tại phường kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Trong nhiều năm nay, quan điểm của phường là không cho phát sinh những quán nhậu vỉa hè mới trên toàn địa bàn phường để tránh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Riêng tình trạng đem bàn ghế ra gài vào dải phân cách ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, nếu xảy ra trên địa bàn phường thì phường sẽ kiên quyết xử lý”.

Cả ông Hải và ông Cao Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), đều cho biết hai phường đang lập kế hoạch liên tịch để xử lý các trường hợp cố ý đem bàn ghế, hàng hóa ra dải phân cách giữa ranh hai phường để đối phó. Theo kế hoạch, từ nay đến Tết Nguyên đán, hai phường sẽ phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng này. Ông Việt cũng cho biết phường Phạm Ngũ Lão đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, chấn chỉnh trật tự đô thị, nhằm kéo giảm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường và quản lý tiếng ồn tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn phường.

THU HƯỜNG (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)