Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cẩn thận kẻ xấu lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo

Tạp Chí Giáo Dục

Lợi dụng lúc các cơ quan chức năng và người dân đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 các đối tượng xấu đã thực hiện hành vi cướp, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức.


Cẩn thận trước tin mời mua vắc xin Covid-19 (ảnh minh họa)

Những phương thức chiếm đoạt tài sản

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM đã truy xét, bắt giữ băng nhóm cướp tài sản gồm 7 đối tượng (độ tuổi từ 13 tuổi đến 19 tuổi) do Phạm Hoàng Ngọc Phú (sinh năm 2006) cầm đầu. Nhóm này mượn 2 xe gắn máy và lấy 1 thanh mã tấu, 1 dao tự chế và 1 thanh đao sau đó chở nhau rảo quanh trên đường, tìm người có tài sản để cướp. Kết quả nhóm này đã cướp được một chiếc xe máy và bị bắt giữ ngay sau đó.

Trước đó, Công an TP.HCM phối hợp với Công an huyện Củ Chi triệt phá thành công băng nhóm chuyên sử dụng bình xịt hơi cay và dụng cụ chích điện để cướp tài sản. Tính đến thời điểm bị bắt, băng nhóm trên đã thực hiện tổng cộng 6 vụ án. Tất cả đều nghiện ma túy và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Băng cướp này luôn trang bị bình xịt hơi cay và dụng cụ chích điện để tấn công nạn nhân và người truy đuổi khi gây án.

Ngoài những hành vi trộm cắp, cướp giật, kẻ xấu còn giả danh nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 lừa người dân mua vắc xin giả.

Theo Công an TP.HCM, các thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo là giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục kín đến tận nhà, mời gọi người dân phun thuốc phòng dịch, phát “thuốc diệt khuẩn” để lừa đảo thu tiền của người dân. Đối tượng còn giả mạo nhân viên y tế lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản hoặc gây mê cướp tài sản.

Ngoài ra, một số đối tượng còn đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân Covid-19 để vận động quyên góp, chiếm đoạt tài sản; gọi điện thoại thông báo cho người dân nằm trong danh sách bị cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Không chỉ vậy các đối tượng còn gửi các tin nhắn văn bản hoặc tin nhắn đa phương tiện có chứa đường link liên kết đến trang website giả mạo có tên, địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với website chính thức của các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán yêu cầu người nhận cung cấp thông tin trên website giả mạo để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Cần cảnh giác

Trước tình hình đó, Công an TP.HCM đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, khi gặp các trường hợp trên cần báo ngay cho công an để được hỗ trợ. Bên cạnh đó Công an TP.HCM cũng tập trung tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kiểm tra hành chính nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng hành vi phạm tội đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép, vừa góp phần đảm bảo an ninh trật tự vừa phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2021, Công an TP.HCM đã triển khai “Chiến dịch đấu tranh, trấn áp, kéo giảm tội phạm”. Các đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm khắc phục khó khăn, tập trung tổng lực triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, giải pháp công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các loại tội phạm; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép của toàn lực lượng CATP “vừa tham gia phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự phòng chống tội phạm trên địa bàn TP”.


Công an TP.HCM ra quân trấn áp tội phạm

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng phát thông tin cảnh báo hiện nay đã có nhiều người bị gọi, hỏi thăm từ đầu số 10881119 tự xưng là ban chỉ đạo chống dịch và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng. Các đối tượng khuyên người bệnh không nên đến bệnh viện trong giai đoạn giãn cách xã hội nên tự mua thuốc tại nhà hoặc hướng dẫn người nhà mua thuốc tại nhà thuốc ngoài bệnh viện để được giảm giá 50%.  Một thủ đoạn khác là các đối tượng này yêu cầu người bệnh chuyển tiền vào tài khoản riêng của các “bác sĩ” để mua thuốc và được gửi về tận nhà.

Theo quy đinh, hành vi lừa đảo thông qua việc mạo danh nhân viên y tế để chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử lý hành chính, theo khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt tiền đến 2 triệu đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu lừa đảo số tiền từ 2 triệu đến 50 triệu đồng. Mức hình phạt sẽ tăng, từ 12 – 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Khánh Kiều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)