Người lớn phải cẩn thận khi cho trẻ ăn các loại trái cây có hạt |
Hàng năm, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 100 ca dị vật đường thở. Trong đó, 80% các trường hợp do trẻ ăn trái cây có hạt…
Tử vong vì ăn… sa-bô-chê
Giữa tháng 1 vừa qua, bé C.M.H. 30 tháng tuổi (huyện Nhà Bè) được gia đình đưa đến BV Nhi đồng 2 do bị hóc hạt sa-bô-chê. Trước đó, thấy mẹ để sa-bô-chê trên bàn, bé đã lén lấy một quả ăn và bị hóc hạt. Khi phát hiện, mẹ bé hoảng loạn dùng tay móc miệng con để lấy hạt ra nhưng không có kết quả nên vội đưa bé tới BV. Trên đường đi, bé trở nên tím tái, ngưng thở. Tại BV Nhi đồng 2, mặc dù được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng do tình trạng ngạt kéo dài quá lâu nên bệnh nhi đã không qua khỏi.
Mới đây, BV Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận bé V.T.H. 15 tháng tuổi (Q.10, TP.HCM) trong tình trạng bứt rứt, vã mồ hôi, thở nhanh do hóc hạt mãng cầu. Người nhà bệnh nhi cho biết, trong lúc gia đình không để ý, bé đã cầm trái mãng cầu ăn rồi bị sặc. Khi được phát hiện, người bé đã tím tái, nghẹn thở. Gia đình lập tức đưa bé đến trung tâm y tế quận sơ cứu rồi chuyển lên BV Nhi đồng 1. Tại đây, bé được hồi sức tích cực và chuyển vào phòng mổ gây mê để gắp hạt mãng cầu đang nằm thập thò ở hạ thanh môn ra. Bác sĩ Bùi Văn Đông (phẫu thuật viên chính của kíp mổ) cho biết: “Cũng may là hạt mãng cầu chưa rơi xuống hạ thanh môn, nếu bị tắc ở đây trẻ sẽ tử vong, bởi đây là nơi hẹp nhất của đường thở”.
Đầu năm 2009, bé Đ.Đ.T. (5 tuổi) được đưa đến BV Nhi đồng 1 trong tình trạng bụng trướng to, đau và không đi tiêu được trong nhiều ngày. Sau khi khám, các bác sĩ phát hiện có rất nhiều hạt sơ-ri đóng ở trực tràng, đoạn cuối ruột già của bé.
Để trái cây có hạt xa tầm tay trẻ
Ba trường hợp nuốt phải hạt trái cây gây tắc nghẽn đường thở nêu trên cho thấy mức độ nguy hiểm của những loại trái cây có hạt đối với trẻ là rất cao.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, với những loại trái cây có hạt như mãng cầu, sa-bô-chê, vú sữa, sơ-ri, dưa hấu… phụ huynh cần lấy sạch hạt rồi mới cho trẻ ăn. Nên xay trái cây nhuyễn, rồi trộn chung với sữa chua cho trẻ dưới 2 tuổi uống. Tuyệt đối không để những loại trái cây có hạt nằm trong tầm với của trẻ. Các bậc cha mẹ cũng cần nhắc trẻ không nên vừa ăn vừa nói chuyện hoặc đùa giỡn, chạy nhảy vì như vậy rất dễ bị sặc.
Khi trẻ vừa bị hóc hạt, một số phụ huynh vì quá hoảng loạn nên đã cho tay vào miệng con để móc ra. Đây là một hành động sai lầm vì nó chỉ khiến hạt bị đẩy sâu hơn vào bên trong. Gặp những tình huống như thế, người lớn nên bình tĩnh đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc trên đùi, vỗ mạnh vào lưng trẻ 5 lần, sau đó lật trẻ lại và dùng 2 ngón tay ấn vào ngực trẻ 5 cái rồi lấy hạt ra. Song song đó cần gọi cấp cứu để nhanh chóng đưa trẻ đến BV để các bác sĩ kiểm tra.
Bài, ảnh: Thùy Minh
“Trẻ em chưa ý thức được như người lớn, vì vậy khi ăn trái cây, đặc biệt là các loại trái có hạt, bé rất dễ nuốt luôn hạt. Từ miệng, hạt sẽ đi vào thanh quản, khí quản, phế quản gây tình trạng ngạt thở. Nếu không cấp cứu kịp thời, hậu quả thật khó lường. Các loại hạt to có thể khiến trẻ tử vong ngay tức khắc, nhiều trường hợp thoát chết nhưng để lại di chứng do ngưng tim kéo dài dẫn đến thiếu oxy não, gây liệt một phần não”, bác sĩ Đoàn Thị Ngọc Diệp – Trưởng khoa cấp cứu BV Nhi đồng 2 cảnh báo. |
Bình luận (0)