Đánh vào tâm lý sợ… vi khuẩn của người tiêu dùng (NTD), hiện nay, các sản phẩm diệt khuẩn được quảng cáo và bày bán tràn lan từ máy điều hòa, quạt điện tới bàn chải đánh răng, thớt… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không nên quá lạm dụng những sản phẩm này.
“Diệt khuẩn”: từ bàn chải tới điều hòa
“Quạt diệt khuẩn không những mát mà còn tạo ra không khí trong lành, diệt khuẩn tới trên 90%…”, chủ một cửa hàng điện tử điện lạnh trên đường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) không ngớt quảng cáo khi biết chúng tôi có nhu cầu mua quạt điện.
Đây là loại quạt có hai tầng, có xuất xứ từ Trung Quốc. Dù kích thước không lớn hơn nhiều so với quạt thông thường nhưng theo chủ hàng, sản phẩm này có chức năng chẳng khác nào… máy điều hòa. Ngoài chức năng làm mát, quạt diệt khuẩn được quảng cáo với hàng tá công dụng như tuần hòa đối lưu không khí trong phòng, giúp không khí lưu thông và thoáng mát, động cơ mạnh mẽ giúp quạt mát hơn và tạo gió nhiều hơn các quạt thông thường… Đặc biệt là quạt được quảng cáo có chức năng tạo Ion âm và Ozone để khử mùi, diệt khuẩn.
Với nhiều “khả năng vượt trội” như thế nên giá thành của loại quạt này trên thị trường khá đắt, giao động từ 900 ngàn đồng – 1,3 triệu đồng, đắt gấp 2 – 3 lần so với quạt điện cơ thông thường. Tuy nhiên, theo nhiều cửa hàng điện tử, điện lạnh, đây vẫn là một trong những mặt hàng đắt khách nhất trong thời gian.
Không chỉ có quạt điện, trên thị trường tiêu dùng, đâu đâu người ta cũng có thể thấy các mặt hàng được quảng cáo có tính năng diệt khuẩn được bày bán tràn lan.
Bàn chải Nano Silver được quảng cáo diệt khuẩn và khử trùng tới 99,9%. Theo đó, bàn chải này có thể khử trùng tới 650 loại vi khuẩn và virus, ngăn ngừa nhiều căn bệnh về tiêu hóa như thương hàn, tả… Giá thành của loại bàn chải này cũng chỉ từ 30 – 40 ngàn đồng.
Một mặt hàng khác không kém được ưa chuộng trên thị trường hiện nay là thớt diệt khuẩn. Theo quảng cáo của một hãng thớt diệt khuẩn nhập khẩu có khả năng ngăn chặn sự xâm hại của vi khuẩn nấm mốc, làm thớt không bao giờ bị nấm mốc và trắng sạch như mới, giết chết các tế bào vi khuẩn khi vi khuẩn tiếp xúc với bề mặt thớt.
Bên cạnh đó, hàng loạt những sản phẩm khác như máy diệt khuẩn bàn chải đánh răng, máy sấy diệt khuẩn quần áo, khăn mặt diệt khuẩn, giá đựng dao, thớt diệt khuẩn, mài dao diệt khuẩn… được quảng cáo diệt khuẩn tới 99,99% khiến không ít NTD phải "chóng mặt".
Cẩn thận… lợi bất cập hại
Theo nhiều chuyên gia, việc sáng chế ra các thiết bị có tính năng diệt khuẩn, kháng khuẩn là một trong những ứng dụng thành công của khoa học vào cuộc sống. Tuy nhiên, không phải bất cứ sản phẩm nào cũng có thể ứng dụng công nghệ này. Bên cạnh đó, không ít sản phẩm đang “thổi phồng” giá trị thực để “móc túi” NTD.
Nói về công dụng của loại thớt được quảng cáo diệt khuẩn, PGS.TS Trịnh Hùng, Khoa Hóa, trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, loại chất Microban chống khuẩn chỉ là một từ “thương mại”, một loại chữ viết tắt được “vẽ” ra khiến người xem khó có thể xác định được chính xác công dụng.
“Nói cơ chế hoạt động của chất diệt khuẩn trong thớt là xuyên qua lớp vỏ tế bào vi khuẩn và phá vỡ chức năng tế bào, khiến tế bào đó ngừng sinh sôi, phát triển… là điều không thể tin. Tế bào vi khuẩn có lớp vỏ tế bào khá bền vững mà nếu muốn phá vỡ nó thì phải dùng tới sóng siêu âm hoặc cho vào các thanh nghiền để tán, xay. Công nghệ diệt khuẩn như loại thớt này thì… đơn giản quá. Liệu quảng cáo có nói vống lên không?”, ông Thịnh phân tích.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng về nguyên tắc, hoàn toàn có thể tạo ra được loại thớt chống khuẩn, diệt khuẩn giống như người ta có thể bôi đồng hay formaldehyde lên mặt bàn để chống nấm mốc. Tuy nhiên, đó lại là một hiểm họa khôn lường. Theo ông, chất Microban trong thớt diệt khuẩn được quảng cáo có khả năng ngấm qua màng tế bào vi sinh vật. Về nguyên lý, đây là một chất độc đối với vi sinh học, chất này có khả năng xâm nhập vào màng tế bào vi khuẩn thì có thể chui vào màng thịt và nhiễm vào thịt".
Ngoài ra, thầy Thịnh còn khẳng định không có nguyên lý hoạt động đối với quạt điện diệt khuẩn: “Máy điều hòa có bộ phận hút vào và thải ra. Vi khuẩn bám trên bụi được giữ lại qua màng lọc và được lọc ở đó. Ion âm sẽ kết tủa bụi lại, giữ vi khuẩn không thả ra môi trường. Quạt điện không hoạt động theo nguyên lý này vì kết cấu của quạt là thổi đằng trước và hút đằng sau, không đủ cầu kỳ như điều hòa. Nếu quạt trực tiếp tỏa ra chất diệt khuẩn Ozone thì vô cùng nguy hiểm bởi Ozone thường được sử dụng diệt khuẩn sau khi đã hoà vào trong nước, khi Ozone hòa không khí thì rất dễ gây ra ngộ độc”.
Tương tự với nhiều sản phẩm như bàn chải diệt khuẩn, giá đựng dao thớt diệt khuẩn… các chuyên gia cho rằng, khó có thể kiểm định được hiệu quả sản phẩm.
Các chuyên gia đều khuyến cáo NTD không nên quá lạm dụng các chất diệt khuẩn, sản phẩm diệt khuẩn. “Người ta nói, ăn sạch, ở sạch không có nghĩa là chúng ta sống trong môi trường vô khuẩn. NTD không nên quá tin vào quảng cáo để chi trả cho những sản phẩm còn… tù mù về chất lượng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.
Theo Châu Giang
VEF
Bình luận (0)