FacePlay đang “gây sốt” mạng xã hội tại Việt Nam vài ngày gần đây nhờ khả năng thay mặt người dùng vào các doạn video khiến chúng trông trở nên như thật.
FacePlay mà ứng dụng chuyên để ghép mặt vào video, tương tự với Reface – phần mềm cùng công năng từng “gây bão” toàn cầu. Chương trình sẽ cung cấp cho người dùng những đoạn video có sẵn, việc của họ chỉ là tải ảnh chụp chính diện khuôn mặt của mình lên hệ thống và chờ FacePlay xử lý, sau thời gian ngắn trả về video được thay mặt nhân vật chính thành mặt người dùng.
Ứng dụng FacePlay nhanh chóng được nhiều người Việt sử dụng để giải trí mà ít ai quan tâm tới những nguy cơ tiềm ẩn. Ảnh: Chụp Màn Hình
Do nội dung khá phong phú cùng khả năng thay thế, xử lý hình ảnh mượt mà đáng ngạc nhiên, ứng dụng này nhanh chóng được nhiều người tải về và sớm đạt Top 1 danh mục phần mềm về Ảnh và Video trên App Store tại Việt Nam (cho hệ điều hành iOS). FacePlay từng có trên CH Play của Android nhưng hiện tại đã không còn mà chẳng rõ lý do.
Nhưng đánh đổi cho các video giải trí ngắn đó, người dùng sẽ phải đối mặt nguy cơ mất tiền cũng như các thông tin cá nhân. FacePlay được phát triển bởi công ty phần mềm BigHead Bros của Trung Quốc, đặt trụ sở tại thành phố Thâm Quyến.
Trên App Store, ứng dụng FacePlay ghi đơn vị phát triển là Innovational Technologies Limited (ITL). Đây là một công ty có trụ sở tại Anh, thành lập năm 2018 và nhân sự lãnh đạo gồm… 2 giám đốc. Đăng ký lĩnh vực hoạt động là dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp, kinh doanh., không liên quan tới việc phát triển phần mềm.
Trở lại với FacePlay trên App Store, trong phần gợi ý sản phẩm do cùng công ty phát triển có phần mềm LyrCut – Lyric Music Video. Nhưng trên CH Play, LyrCut lại do BigHead Bros sản xuất. Một ứng dụng khác đứng tên BigHead Bros là Vinkle trên CH Play thì ở App Store lại do WK Technologies PTE Limited phát hành. Vinkle là ứng dụng được chính BigHead Bros quảng cáo trên trang chủ của hãng. Điều này cho thấy dường như “có vấn đề” trong việc để tên nhà phát triển ứng dụng khi phát hành phần mềm trên App Store của công ty đến từ Trung Quốc này.
FacePlay cho phép người chơi dùng thử ứng dụng trong 3 ngày với phiên bản miễn phí, buộc phải chấp nhận bị hiển thị quảng cáo thường xuyên. Các video sau khi xử lý sẽ dán nhãn bản quyền của hãng. Để dừng hiện quảng cáo, không bị dán nhãn, người dùng có thể chọn phương án trả phí và quá trình xử lý video của các tài khoản thuê bao cũng nhanh hơn miễn phí. Phần mềm này không hỗ trợ “mua đứt” mà buộc phải trả thuê bao theo tuần, tháng hoặc năm. Hiện tại, giá thuê bao một tuần là 57.000 đồng (một số người dùng sẽ thấy hiển thị 139.000 đồng nếu trước đó từng mua gói 57.000 đồng), trong khi một năm là hơn 1 triệu đồng.
Giá tiền hiển thị không chính xác và chương trình tự động gia hạn cho tới khi người dùng hủy mà không cần xin cấp quyền. Ảnh: Chụp Màn Hình
Tuy nhiên, phần hiển thị giá khi đăng ký gói Cao cấp bị rút ngắn 2 số 0, khiến cho gói 1 tuần là 570 đồng, trong khi 1 năm chỉ 1.059 đồng, dễ gây hiểu lầm và sẽ khiến những người ham rẻ, không chú ý mắc bẫy. Thêm nữa, sau 3 ngày dùng thử, chương trình sẽ tự động mua gói Cao cấp, đồng thời tự động gia hạn nếu trước đó đã mua bất kỳ gói nào. Nếu không xóa chương trình và xóa đăng ký thuê bao trong phần Apple ID trên máy, nạn nhân sẽ mất tiền không ngừng trong tài khoản thanh toán đã đăng ký với Apple trước đó. Hình thức thu tiền dựa vào sự bất cẩn của người dùng được xem là hành vi “ăn cắp” tiền không còn mới của các ứng dụng lừa đảo.
Ngoài rủi ro về thiệt hại tài chính, người dùng cũng phải đối mặt với nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân. Theo các chuyên gia về AI, FacePlay sử dụng công nghệ thay đổi, ghép khuôn mặt là một dạng deepfake. Trí tuệ nhân tạo đang phát triển và công nghệ deepfake cũng vậy, tất cả đều cần nguồn dữ liệu đầu vào rất lớn để có thể “thông minh” hơn, xử lý chuẩn xác hơn. Việc đổi mặt trên các video ngắn đem lại niềm vui tức thời, nhưng không ai dám chắc dữ liệu khuôn mặt đó được sử dụng cho những mục đích gì ngoài giải trí hay không.
Một số người dùng am hiểu về công nghệ cũng lên tiếng cảnh báo về FacePlay, lo ngại ứng dụng deepfake có thể biến người chơi trở thành nạn nhân trong các video xấu, có mục đích hãm hại hoặc vu không, chưa kể khả năng thay thế khuôn mặt trong các đoạn video đồi trụy, dung tục xuất hiện trên mạng. “Nếu bỗng một ngày bạn thấy lộ video nhạy cảm của mình hay người thân quen, cũng đừng vội tin bởi không chừng video đó đã qua chỉnh sửa”, một chuyên gia khuyến cáo.
Theo lãnh đạo Trung tâm An minh mạng Athena, khi người dùng chấp nhận giao hình ảnh cho phần mềm này, thì thông tin đó có khả năng đã bị thu thập. Thông tin cá nhân có thể bị bán lại cho nhà quảng cáo, công ty nghiên cứu AI hoặc tổ chức chuyên về nhận dạng khuôn mặt.
Đó là rủi ro không chỉ xuất hiện ở FacePlay mà còn tiềm ẩn tại các chương trình sử dụng hình ảnh khuôn mặt khác, nhất là khi đa phần có xuất xứ thiếu rõ ràng cũng như kém các cam kết về bảo mật dữ liệu.
Theo Anh Quân/TNO
Bình luận (0)